Theo các chuyên gia về lĩnh vực sừng tê giác thì ở Việt Nam không có nhóm người nào chế tạo được sừng tê giác giả.
Bí mật loại hóa chất chế sừng tê giác
Trung tá Phạm Trung Tiến (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) cho biết: "Người châu Á rất giỏi, họ có thể làm giả như thật rất nhiều thứ. Sừng tê giác không phải là ngoại lệ. Sừng tê giác buôn bán trái phép trên thị trường châu Á và Việt Nam hiện nay phần lớn là tê giác Jawa của Indonesia, Ấn Độ, Lào, Myanmar chứ không phải như bọn buôn lậu nói là sừng châu Phi”.
Trung tá Tiến cũng cho hay: “Sừng tê giác châu Á dễ làm giả hơn sừng tê giác châu Phi. Họ lấy sợi bông tổng hợp để làm lông sừng, lấy nhựa để kết gắn bột rồi đổ thành khuôn. Sau đó, họ cho thợ thủ công tay nghề cao trạm trổ vào sừng tạo ra các đường vân giống hệt như vân sừng của tê giác. Trong loại nhựa để kết dính ấy, họ cho hóa chất vào để vừa tạo màu, tạo mùi khi người sử dụng mài trong nước sẽ cho mùi và màu như sừng thật".
Sừng tê giác giả làm từ tóc người
Theo trung tá Tiến, công nghệ này đã bị lộ nên hàng khó bán, vì người mua thử giật lông ra đốt, họ phát hiện ra mùi khét của hóa chất chứ không phải mùi khét của lông động vật. Để "giải quyết vấn đề" này bọn tội phạm dùng tóc người, lông động vật để chế tạo làm lông sừng tê giác, được sấy, nhuộm màu hung. Tất nhiên, dân buôn thứ thiệt hoặc các nhà chuyên về động vật hoang dã sẽ phát hiện vì khi đốt lên mùi và màu sẽ khác lông tê giác thật.
Theo bạn của ông M, người giúp phát hiện sừng tê giác là sừng trâu nước thì: Công nghệ làm giả sừng tê giác ở châu Á công phu, tinh vi hơn. Ngoài tạo sừng tê giác từ các loại bột sừng trâu, sừng bò ra thì người ta còn chọn những cái sừng trâu, sừng bò có hình dáng giống sừng tê giác để cho vào làm nguyên liệu sản xuất hàng giả.
Cụ thể, sừng trâu, sừng bò được thợ thủ công gọt giũa, mài cho giống hình dáng sừng tê giác. Được cho vào lò đốt với nhiệt cao để uốn sừng cho giống sừng tê giác thật. Sau đó, họ chuyển cho thợ chạm khắc làm màu đặc trưng của sừng tê giác, làm vân, gắn những vân màu hồng trông giống tia máu để bịp người mua là sừng tê giác còn tươi, xịn, giá cao. Bọn người này tạo một lớp màng, cấy lông động vật, tóc người đã qua sơ chế vào lớp màng, tạo thành sừng thật.
Cách làm giả khác là họ cưa sừng trâu, sừng bò ra từng mảnh nhỏ, mỏng. Công đoạn tiếp theo là cho thợ vẽ, chạm vân vào từng mảnh sừng mỏng, nhỏ đó. Cũng cho vào khuôn ép giống hình dáng sừng tê giác xịn. Tất nhiên, quá trình ép để cho các miếng sừng mỏng kết dính chặt với nhau, tạo thành một khối thì phải nhờ vào hóa chất.
Hóa chất đó có tên là gì thì chưa thể xác định được. Nhưng chắc chắn, nó không có lợi cho sức khỏe của con người. Bạn ông M cho rằng, làm giả phần chóp của sừng là khó nhất. Vì độ nhọn của chóp sừng tê giác khác biệt với độ nhọn của chóp sừng trâu, sừng bò. Trên chóp đó thể hiện nhiều thứ: Sừng thật hay giả, sừng tươi hay đã qua sơ chế.
Làm sừng tê giác giả châu Phi khó hơn?
Cùng là một cá thể tê giác nhưng sừng tê giác châu Phi có những đặc trưng về màu và vân khác hơn so với sừng tê giác châu Á: Thớ sừng to hơn, lông thưa nhưng cứng và nhiều hơn. Gốc sừng tê giác có lông cứng như lông bàn chải, vân trong sừng ít vân ngang. Vì vậy "chuyên gia" làm giả sừng tê giác phải hiểu được đối tượng khách hàng là mua sừng gì để làm giả loại sừng đó và phải biết được cấu tạo của sừng tê giác châu Phi khác với châu Á nhiều hay ít hay chỉ ở những tiểu tiết.
Song từ những tiểu tiết đó mà dân buôn đã thổi lên như một bí quyết làm cho giá của sừng giả luôn cao chót vót. Ngoài công nghệ chế tạo, cấy ghép ra để sừng tê giác châu Phi có giá hơn sừng tê giác châu Á, bọn làm hàng giả còn làm cả màng và lông cho phần rễ của sừng nhằm tạo ra cảm giác an toàn cho người mua, đó là sừng nguyên vẹn ở châu Phi.
Đối với sừng tê giác đen của loại tê giác 2 sừng thì công nghệ chế tác còn phức tạp, công phu hơn rất nhiều. Vì độ bóng đen của sừng tê giác chỉ có thể làm giả được từ sừng trâu nước non. Sừng trâu nước non trải qua các công đoạn tạo dáng thì đến tạo bóng và tạo chất. Tạo dáng là gọt giũa cho giống, tạo độ bóng là cho vào nung với hóa chất và tạo gờ, đường vẫn máu nhuyễn cho hắc sừng thì từ bàn tay của thợ thủ công.
Một chiếc sừng trâu đang chuẩn bị được "biến thành" sừng tê giác
Theo Đạt, một tay buôn sừng tê giác có hạng ở Hà thành thì làm hàng giả này loại này đều giống nhau, không có chuyện khó và dễ, vì cùng là hàng giả. Khó và dễ chẳng qua là chuyện túi tiền.
Nếu người mua hỏi sừng tê giác châu Phi, giá cao hơn thì làm giả cũng phải tinh vi, kỹ xảo hơn. Mà tinh vi hơn thì chi phí tốn kém hơn, thời gian lâu hơn. Nếu nhiều khách mua sừng tê giác châu Phi 2 sừng thì lợi nhuận của việc làm giả càng lớn, càng phải làm giống thật thì càng phải làm hàng tinh vi hơn. "Tóm lại không có chuyện khó hay dễ mà phụ thuộc vào tiền ít hay nhiều", Đạt nói.
Muốn phát hiện thật giả phải xét nghiệm gene!
Tại nước ta, hiện chỉ có Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xét nghiệm AND của động vật hoang dã là chính xác nhất. Những cái nhìn cảm quan không thể chính xác được bằng xét nghiệm AND. Tiến sỹ Đặng Tất Thế, chuyên gia giám định động vật hoang dã của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: Xét nghiệm AND là phương pháp ngắn và đơn giản nhất để biết sừng đó có phải là sừng tê giác thật hay không. Phần lớn những mẫu đem đến Viện xét nghiệm thời gian qua thường là giả. Có hàm lượng của sừng tê giác thật nhưng rất ít, còn lại là hợp chất sừng trâu, bò, tóc người...
Thực chất, với những người làm khoa học thì chỉ bằng mắt thường là biết ngay đó là sừng của loại động vật nào nhưng trên cơ sở khoa học, vẫn phải xét nghiệm để có kết quả hàm lượng của các hợp chất trong sừng. Nếu sừng làm giả bằng sừng trâu, bò thì người sử dụng chỉ mất tiền còn sừng tê giác bị làm giả từ nhựa là rất độc hại. Vì khi mài hoặc khi nó ở dạng bột, hòa trong nước, nhựa không tan được, đi vào cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận khác của cơ thể có thể phát sinh nhiều bệnh do biến chứng từ nhựa và hóa chất gây ra.
Thời gian qua, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện ra đường dây buôn bán sừng tê giác được khai từ châu Phi chuyển về Việt Nam. Qua xét nghiệm gene thì phát hiện đó là sừng tê giác giả. Càng ngày, hóa chất để trộn với sừng trâu, sừng bò, nhựa tạo sự kết dính càng tăng dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cho sức khỏe người sử dụng.
Tiến sỹ Thế khuyến cáo người dân, các hợp chất để tạo thành sừng tê giác giả có hại cho sức khỏe. Vì thế, người dùng sừng tê giác cho bất kỳ mục đích gì cần phải hết sức thận trọng.
Hoàng Ngân