Một năm trôi qua sau sự cố môi trường biển (6/4/2016 – 6/4/2017), ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã và đang vượt qua vô vàn khó khăn, để tiếp tục ra khơi bám biển. Giờ đây, trái với khung cảnh đìu hiu như quãng thời gian trước, không còn khó để bắt gặp những chiếc thuyền cập bến, sau những ngày dài ra khơi, với mẻ lưới đầy ắp cá tôm, những nụ cười mặn mòi trên biển… Sự sống đã bắt đầu hồi sinh trên biển 4 tỉnh miền Trung.
Thời điểm có mặt tại cảng Kỳ Lợi, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận được rất nhiều tàu, thuyền vào ra tấp nập; cảnh mua bán nhộn nhịp, sôi động.
Chị Nguyễn Thị Huệ, một tiểu thương tại xã Kỳ Lợi vui mừng cho biết: “Mặt hàng thuỷ hải sản đã bắt đầu buôn bán được trở lại, cảng bây giờ không còn vắng vẻ như trước nữa. Người dân cũng không còn tâm lý e ngại nên đã bắt đầu tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản nhiều hơn”.
Tại Quảng Bình, một trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất sau sự cố môi trường, hiện cũng không còn ảm đạm như nhiều tháng trước. Việc mua bán các mặt hàng thủy hải sản đã bắt đầu tấp nập. Các sản vật của biển được bày bán rất phong phú tại các chợ như: Đồng Hới, chợ Nam Lý (TP. Đồng Hới), chợ Ba Đồn (TX.Ba Đồn)...
Chị Nguyễn Thị Thanh, bán cá tại chợ Đồng Hới vui mừng cho biết: “Chợ cá bây giờ không còn cảnh đìu hiu, ảm đạm mà luôn tấp nập người mua kẻ bán. Chúng tôi dần có nguồn thu ổn định hơn vì giá thủy hải sản không còn thấp nữa”.
Theo thống kê mới nhất từ sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm hiện tại, số lượng người đặt phòng khách sạn từ 3 sao trở lên cho dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đã đạt 50 – 60% công suất phòng. Đặc biệt, một số nơi đạt 80 – 90% công suất phòng, như khu nghỉ dưỡng cao cấp Sun Spa Resort Quảng Bình ( đạt hơn 90% công suất phòng). Trong quý I/2017, số khách du lịch đến với Quảng Bình đạt khoảng 609.000 lượt, đạt 96,88% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngay từ sáng sớm đã diễn ra cảnh tấp nập kẻ bán người mua. Ông Hùng, thuyền trưởng một tàu đánh cá phấn khởi chia sẻ: "Chuyến này tôi đánh trúng mẻ cá hố, đặc biệt là cá nục, lúc bán ra cho tiểu thương là 9.000đồng/kg, ngoài ra còn có mực... trừ các chi phí dầu, tiền công tôi lãi gần 200 triệu”.
Một số tiểu thương tại đây cũng cho biết, người dân không còn e ngại việc dùng cá biển nên việc tiêu thụ không còn khó khăn như trước. Thu nhập của bà con nhân dân cũng từ đó đã được cải thiện.
Tại khu chợ hải sản có địa chỉ ở quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng không khí mua bán cũng diễn ra rất tấp nập, sôi động, với đầy đủ các mặt hàng thủy hải sản.
Sáng 6/4, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tuấn Sơn, Trưởng ban Quản lý các cảng tỉnh Hà Tĩnh phấn khởi cho biết: “Cuộc sống của các ngư dân đã trở lại bình thường sau sự cố môi trường, hoạt động mua bán thủy hải sản đã sôi động trở lại. Hiện, giá thủy hải sản tăng từ 7 – 12%. Đời sống của người dân đã bắt đầu ổn định trở lại. Sản lượng thủy hải sản đánh bắt cũng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái; riêng trong quý I này, sản lượng đánh bắt tại vùng biển Cửa Sót (Hà Tĩnh) đạt hơn 1.000 tấn".
Sau đây là một số hình ảnh được ghi lại tại cảng cá Cửa Sót:
Sự kiện môi trường biển miền Trung bắt đầu vào ngày 6/4/2016, tại vùng biển Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, TX.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng cá chết rải rác. Từ ngày 10/4, nhiều ngư dân Quảng Bình sống ven biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch; xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch; xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới và xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy… cũng bắt đầu phát hiện nhiều loại cá chết bất thường nổi trên mặt nước và trôi dạt khắp bờ biển. Hiện tượng cá chết tiếp tục lan vào các tỉnh phía trong. Cụ thể, từ ngày 16 - 19/4, khoảng 20km bờ biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị xuất hiện cá chết hàng loạt. Ở Thừa Thiên - Huế, cá chết bắt đầu từ 15 - 21/4, tại bãi biển các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, sau đó lan vào đầm Lập An, thuộc thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc… Sự cố môi trường đã khiến các ngành kinh tế biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, các ngành phụ trợ hậu cần nghề cá, du lịch biển của các tỉnh miền Trung lâm vào tình cảnh điêu đứng, cuộc sống của hàng vạn người dân gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, sau sự cố môi trường biển có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng. Hàng nghìn lao động mất việc làm, hàng triệu ngư dân rơi vào tình cảnh khốn đốn. Riêng tỉnh Quảng Bình, thiệt hại trong năm 2016 ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng; ngoài ra, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh cũng chịu thiệt hại nặng nề không kém. |
PVMT