Sáng 12/6, bên hành lang QH, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH về những lùm xùm xung quanh chuyện tài sản của người thân quan chức. Đặc biệt là thời gian qua, dư luận ồn ào về căn biệt thự xa hoa đứng tên vợ Giám đốc sở TN&MT tỉnh Yên Bái có được xây dựng đúng quy định pháp luật.
PV: Thời gian vừa qua, dư luận khá ồn ào về những biệt thự hoành tráng nhưng lại đều đứng tên người thân của quan chức. Ông đánh giá sao về hiện tượng này?
ĐB Đặng Thuần Phong: Việc này cần vai trò kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước. Quan chức đương chức không dại gì đứng tên các tài sản có giá trị cho mình. Cái đó là một nguyên tắc để vừa tránh dư luận vừa an toàn cho mình. Họ thường để cho người thân, người này người nọ đứng tên.
Chính chỗ đó cũng khó vì mỗi người có quyền độc lập của họ. Khi bản thân họ đứng tên sở hữu, họ nói của họ làm ra nhưng cơ sở làm ra những cái đó có đúng như vậy không thì phải chứng minh được. Người thân cũng cần xác minh, đánh giá để nhận diện vấn đề cho rõ hơn mới có cách xử lý hợp lý.
Chứ còn trước giờ, ai cũng đứng tên tẩu tán tài sản là mất hết, thoát hết những tội khác hay sao?
Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về cách làm của mình sắp tới, thiết nghĩ ngoài kê khai tài sản của bản thân cán bộ quan chức, người thân ở trong gia đình cũng phải kê khai để nhìn nhận nguồn gốc tài sản từ đâu mà ra. Lúc đó sẽ khách quan, đánh giá được cán bộ có trung thực hay không.
PV: Ngay sau khi dư luận lùm xùm, lãnh đạo Yên Bái có chỉ đạo thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai; việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép với lô đất tại tổ 42, 52 phường Minh Tân của hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở TN&MT tỉnh). Dư luận đặt câu hỏi liệu việc thanh tra có khách quan khi ông Quý là người nhà của một vị lãnh đạo tỉnh?
ĐB Đặng Thuần Phong: Đương nhiên tại đó thanh tra thì tính khách quan bị dư luận nghi ngờ là điều dễ hiểu. Theo tôi, việc thanh tra này để Thanh tra từ Trung ương vào cuộc thì nhìn nhận vấn đề khách quan hơn và nếu họ trong sạch thực sự thì cũng minh chứng cho người ta.
Còn tại chỗ đương nhiên sẽ không tránh khỏi sự nể nang và người ta cũng không muốn tự “vạch áo cho người xem lưng” những vấn đề không tốt của địa phương mình. Bên trong có vấn đề gì khác cũng cần phải có cách làm khách quan. Như vậy, nếu TƯ vào cuộc sẽ khách quan hơn.
PV: Hiện nay, chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản của cán bộ. Tuy nhiên, việc giám sát kê khai có trung thực hay không lại thực hiện không hề đơn giản. Vậy nếu tới đây đưa thêm đối tượng người thân cán bộ vào diện kê khai liệu cơ chế kiểm soát có “tắc” tiếp?
ĐB Đặng Thuần Phong: Đúng là cơ chế kiểm soát việc kê khai có trung thực đang “tắc”. Vấn đề gì đang “tắc” chúng ta phải tìm cách tháo gỡ, chứ không thể có chuyện cứ kê khai rồi để đó. Bởi việc kê khai là cơ chế để xác minh, đánh giá việc kê khai có trung thực hay không. Còn việc xác minh là vô cùng quan trọng.
Theo tôi không phải nguyên cơ quan chức năng xác minh mà phải nghe từ quần chúng, phản biện của các tổ chức xã hội, họ sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin. Thực tế, cư dân sống xung quanh các gia đình này là một nguồn tin vô cùng quan trọng. Từ đó, khi có vấn đề gì nảy sinh, chúng ta có cơ sở để xác minh về nguồn gốc tài sản.
Việc xác minh là để trong sạch nội bộ nếu nguồn gốc tài sản là bất minh. Thứ hai là nếu cán bộ giỏi làm giàu chính đáng thì cần nhân rộng điển hình cho mọi người học hỏi. Nếu tài sản có nguồn gốc không minh bạch thì phải có cơ chế xử lý chứ kê khai xong bỏ đó thì không có tác dụng gì.
PV: Dư luận ồn ào là vậy. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng các tỉnh thông báo sẽ thanh, kiểm tra làm rõ, câu trả lời thường là không phát hiện vi phạm hoặc rơi vào im lặng. Vậy phải chăng dư luận hiểu nhầm, nghi ngờ sai cán bộ hay chúng ta không thể làm rõ được thưa ông?
ĐB Đặng Thuần Phong: Ở khía cạnh dư luận xã hội, nếu chưa phân tích đủ các nguyên nhân, kết luận lặng lẽ thậm chí không có kết luận cụ thể, cố tình để cho “chìm xuồng” thì làm gì dư luận không nghi ngờ. Thực sự nếu tài sản đó là do làm ăn, kinh doanh giỏi mà có được thì cũng nên hoan nghênh. Và theo tôi nên công khai ra để dư luận biết là họ làm ăn giỏi. Cái chính là nhiều vụ việc kết luận không rõ ràng, úp mở, hoặc không có kết luận gì để “chìm xuồng” nên càng gây bức xúc trong xã hội.
Lúc đó, người dân không an tâm và họ sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ về tính khách quan hay không khi mà các vị trí là cán bộ ở địa phương lại do chính những người ở nơi này kiểm tra. Theo tôi, phải gỡ những nghi ngờ về vấn đề này bằng việc Trung ương nên can thiệp để kiểm tra, làm rõ trắng đen.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm (thực hiện)