Ngày 20/2, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc sở Y tế tỉnh Bình Định xác nhận, sở có tiếp nhận đơn của anh Trần Văn Cường (SN 1976, trú khối 5, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) liên quan việc con gái 7 tuổi của anh Cường tử vong sau khi nhập viện tại bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong.
Trong đơn khiếu nại, anh Cường cho hay, tối 28/1, cháu T.N.N.Y - con gái anh Cường - bị đau nên được gia đình cho nhập viện. Tại phòng cấp cứu, bác sĩ Trần Văn Tâm chẩn đoán bị viêm phổi do vi trùng.
Sau đó bác sĩ cho bệnh nhân 2 đợt tiêm thuốc, bé Y. có dấu hiệu biến chứng. Đến 0h5' rạng sáng 29/1, cháu Y. tử vong khi chưa kịp lên xe chuyển lên tuyến trên.
Trong đơn, anh Cường khẳng định, trước lúc được y bác sĩ của bệnh viện tiêm thuốc, cháu Y. vẫn hoàn toàn tỉnh táo, vui chơi cùng cha mẹ. Thế nhưng, khi bác sĩ tiêm thuốc, con gái anh Cường bắt đầu mệt và tử vong.
Theo gia đình, người liên quan trực tiếp đến cái chết của cháu Y. là bác sĩ Lê Quốc Trân, thuộc khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong. "Thái độ và cách làm việc của bác sĩ Trân quá thờ ơ, thiếu trách nhiệm…, nên mới dẫn đến cái chết thương tâm của con tôi như vậy”, trong đơn anh Cường viết.
Liên quan đến vụ việc, sau khi nhận đơn khiếu nại, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong đã yêu cầu các bác sĩ, điều dưỡng thực hiện giải trình. Ngoài ra, bệnh viện cũng thành lập Hội đồng chuyên môn, tiến hành họp thảo luận về ca bệnh tử vong, kiểm điểm tử vong.
Hội đồng chuyên môn kết luận rằng, chẩn đoán suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng và điều trị đối với bệnh nhân là phù hợp, không có sai sót chuyên môn. Nguyên nhân tử vong do biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng.
Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án ghi chép chưa đầy đủ, bác sĩ điều trị chưa kịp giải thích rõ bệnh nặng đe dọa tử vong cho gia đình bệnh nhân Y.
Liên quan việc tiêm 2 lần thuốc cho cháu Y, bệnh viện cho hay, cả 2 lần tiêm thuốc đều thực hiện khi bệnh nhân đã có dấu hiệu ngưng thở. Liều lượng thuốc sử dụng theo chỉ định ban đầu (ghi trong bệnh án) là một nửa lọ Hydrocortison 100mg.
Đến khi phát hiện tình trạng ngưng thở, bác sĩ đã yêu cầu điều dưỡng tiêm hết cả lọ là phù hợp theo nhận định Hội đồng chuyên môn.
Về quá trình chuyển viện, khi chuẩn bị cho bé Y. chuyển viện, 2 xe cấp cứu của bệnh viện đều đang đưa bệnh nhân chấn thương sọ não xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Sau khi nhận đơn thư khiếu nại, bệnh viện đã tổ chức 4 lần đối thoại với gia đình anh Trần Văn Cường. Tuy nhiên, gia đình cháu Y. vẫn không đồng ý với cách giải thích của đại diện bệnh viện, cho rằng bác sĩ bệnh viện tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện, gia đình vẫn tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi Thanh tra tỉnh và giám đốc sở Y tế tỉnh, công an tỉnh và huyện Tây Sơn, yêu cầu làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Y.
Tuấn Nguyễn