Đó là trạm BOT An Phú. Trạm này đã được tỉnh Bình Dương thuyết phục chủ đầu tư để bán lại từ tháng Chín năm 2016.
Trạm thu phí An Phú nằm trên tuyến đường huyết mạch nối với các tỉnh thành lân cận, có lượng xe tải, xe container chở hàng đi vào các khu công nghiệp, cảng rất lớn như VSIP 1, ICD Tân Cảng - Sóng Thần…
Sau khi UBND tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí này thì lập tức bàn giao cho tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) nâng cấp, mở rộng tuyến đường mà không thu phí.
Trên tuyến đường này còn xây bổ sung các cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần. Tổng chiều dài dự án là 12,3 km với vốn đầu tư lên đến 1.330 tỷ đồng.
Bên lề kỳ họp HĐND lần thứ 5 vừa diễn ra của tỉnh này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết trên tờ Dân Việt: “Lý do tỉnh mua lại trạm BOT An Phú là do nó gây ra ùn tắc giao thông, cản trở lưu lượng phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa ra vào các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bình Dương.
Đường thì hẹp, mà tuyến đường đó là tuyến trọng điểm đi từ các khu công nghiệp của tỉnh về hướng TP.HCM và ra các bến cảng. Vậy nên tỉnh phải dẹp cái trạm BOT đó để tạo thông thoáng giao thông cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, người dân đi lại đỡ bị tốn phí trên tuyến đường này”.
Về việc đền bù cho doanh nghiệp, trước đó, ông Liêm đã cho biết trên tờ Tri Thức Trẻ: “Khi thu hồi thì Bình Dương cũng đền bù tiền cho doanh nghiệp như trong hợp đồng đã ký bởi nếu theo thời gian trong hợp đồng, doanh nghiệp còn hơn chục năm khai thác nữa. Trong việc mua này, phía UBND tỉnh cũng chỉ trả tiền vốn cho doanh nghiệp thôi chứ không trả tiền lãi”.
Ông Liêm cũng cho biết thêm về số tiền đền bù: “Đúng ra là mua phải trả lãi cho họ vì theo hợp đồng họ còn có khoảng thời gian 5 năm để thu lãi.
Nếu phải trả lãi, áng chừng số tiền đó lên đến hơn 200 tỷ đồng nhưng thực tế, do không trả lãi nên số tiền chỉ còn hơn 30 tỷ đồng.
Thực ra, ở vào hoàn cảnh này thì không doanh nghiệp nào chịu cả, chắc chỉ Bình Dương mới làm nổi thôi. Bởi đó là doanh nghiệp Nhà nước vừa chịu sức ép từ tỉnh, vừa được động viên, vận động nên họ mới đồng ý.
Còn nếu chiếu theo luật là mình thua bởi mình ký hợp đồng với người ta với thời gian hoàn vốn là 15 năm, sau đó là khoảng thời gian họ thu lãi nữa.
Do nhu cầu phát triển của tỉnh quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng và điều kiện thay đổi ngoài hợp đồng mình ký thì mình mua lại trạm và trả họ tiền đầu tư ban đầu”.
Nói về quá trình vận động để mua trạm BOT An Phú, vị Chủ tịch tỉnh cho biết thêm: “Ban đầu họ cũng không chịu nhưng mình vận động họ thôi. Việc này chính phía tỉnh cũng có nhiều sức ép: sức ép từ sự phát triển, sức ép từ việc tắc đường gây cản trở giao thông đối với doanh nghiệp...
Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng đồng thuận mà không ra điều kiện gì với chính quyền”.
Trong cuộc trao đổi gần đây nhất với báo chí, ông Liêm cho hay: Đến giờ, Bình Dương không có nhu cầu tiếp nhận các dự án BOT giao thông.
Thành Huế (tổng hợp)