Vào năm 2007, “siêu dự án” khu đô thị Chánh Mỹ có quy mô 370ha được chính thức khởi công. Thời điểm đó, tổng kinh phí triển khai dự án khoảng 2.200 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn đầu tư.
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD, trực thuộc bộ Xây dựng), một “ông lớn” trong giới bất động sản có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế vào thời điểm đó được lựa chọn làm chủ đầu tư. Dự kiến, sau khi hoàn thành, dự án sẽ có khoảng 27.000 người đến sống và làm việc.
Khu đô thị Chánh Mỹ, được đánh giá có vị trí khá đắc địa. Bởi, dự án nằm ở phía Tây Bắc TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, 3 mặt giáp bờ sông Sài Gòn và chỉ cách trung tâm TP.HCM vào khoảng 30km.
Thế nhưng, với chủ đầu tư có tiềm lực, vị trí dự án đắc địa... nhưng dự án khu đô thị Chánh Mỹ vẫn nằm “bất động” sau hơn 10 năm triển khai khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối và khó hiểu.
Vậy đâu là lý do “siêu dự án” trên mãi “bất động” dù nhận được không ít sự quan tâm của nhà đầu tư và dư luận?
Theo giới chuyên gia bất động sản, cái “chết” của “siêu dự án” khu đô thị Chánh Mỹ xảy ra từ ngay khi dự án mới bắt đầu triển khai.
“Tham vọng của chủ đầu tư cho dự án khu đô thị Chánh Mỹ quá lớn. Điều không may cho chủ đầu tư là ngay sau khi dự án được triển khai, cuộc suy thoái kinh tế thế giới (năm 2008) diễn ra và gây cho họ nhiều khó khăn. Đánh mất “thời cơ vàng” trong đầu tư, sau đó chủ đầu tư dự án rất nỗ lực triển khai nhưng dự án vẫn phải nằm “bất động”. Đây thực sự là điều đáng tiếc”, vị chuyên gia cho biết.
Được biết, sau hơn 10 năm “siêu dự án” khu đô thị Chánh Mỹ nằm “bất động”, chủ đầu tư của dự án - công ty HUD đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận giao diện tích 230ha của dự án (phần chưa được triển khai) cho công ty Cổ phần phát triển đô thị Nam Á, TP.HCM làm nhà đầu tư mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án mới giải phóng mặt bằng được một phần diện tích, phần lớn các lô đất còn lại gần như "bất động" không bán được.
Đáng chú ý, nhiều diện tích còn nợ tiền sử dụng đất lên tới hàng trăm tỷ đồng... Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương thu hẹp quy mô giai đoạn 1 và tạm ngưng giai đoạn 2 của dự án.
Đồng thời, giao lại dự án cho công ty Cổ phần phát triển đô thị Nam Á tiếp tục thực hiện, tự thỏa thuận hoàn trả các chi phí đã bỏ ra cho nhà đầu tư cũ.
Thế nhưng, công ty Cổ phần phát triển đô thị Nam Á (viết tắt công ty Nam Á) được chọn làm chủ đầu tư mới cho “siêu dự án” lại là một cái tên còn “mới toanh” trong lĩnh vực bất động sản.
Được biết, công ty Nam Á mới thành lập từ tháng 3/2017 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, do ông Huỳnh Kim Tuấn (SN 1989) làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất và có quyền quyết định tại công ty Nam Á lại là bà Trương Thị Giàu (SN 1982).
Những cái tên Huỳnh Kim Tuấn, Trương Thị Giàu là những tỷ phú 8X hoàn toàn mới lạ. Công ty Nam Á cũng mới thành lập với số vốn chỉ 500 tỷ đồng. Trong khi “siêu dự án” đô thị sinh thái Chánh Mỹ do HUD – một ông lớn trong ngành bất động sản còn không thể thực hiện, liệu công ty Nam Á có làm lên chuyện?