Theo khuyến cáo thì loại bình sữa này có thể thôi nhiễm chất Bisphenol A (BPA) gây một số căn bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các bà mẹ khi chọn mua bình sữa cho con chỉ lựa chọn theo cảm tính như bình trong, sạch đẹp, mẫu mã vừa ý, chứ xuất xứ và thành phần của bình nhựa thì không phải ai cũng đủ hiểu biết để chọn lựa
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất Phú Thọ cho biết, sở dĩ không nên dùng bình nhựa làm từ vật liệu PC vì có chứa chất BPA. Chất BPA là chất giúp cho bình nhựa cứng và có màu trong. BPA gồm các chất polymer dẻo nóng và trong suốt, dùng để tráng bên trong các hộp đựng bằng nhựa và kim loại nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn.
Khác với nhựa polypropylene (PP) có màu đục và mềm hơn, nhựa PC đang được nhiều nhà sản xuất ưa chuộng dùng trong công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa PC thì dư lượng chất BPA vẫn còn tồn dư. Đây chính là chất mà các nhà khoa học cho rằng gây ra các nguy cơ tổn hại đến sức khỏe như tăng nguy cơ ung thư, làm giảm sự phát triển của não, tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Sâm, Trưởng phòng nghiên cứu hóa sinh và phân tử, Viện Công nghệ Sinh Học và Thực phẩm cho biết, do tính tiện dụng của vật liệu nhựa mà nhiều bao bì thực phẩm dùng các loại bao bì, hộp nhựa để đóng gói và đựng thực phẩm. Tuy nhiên, chất BPA chỉ có thể thôi nhiễm ở nhiệt độ cao và môi trường có tính axit, hoặc các chất tẩy rửa chứ không phải ở môi trường nào chất BPA cũng thôi nhiễm.
Qua kiểm tra, tất cả các mẫu bình sữa đều có hàm lượng BPA ở mức an toàn so với quy định của Việt Nam (Ảnh minh họa)
Theo các nhà khoa học thì không chỉ bình sữa PC của trẻ em có chứa BPA mà BPA còn được tìm thấy trong hầu hết các loại đồ hộp đựng thức ăn, nước giải khát, trong các loại đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng bằng nhựa như bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, thùng đựng đồ uống như sữa, bia, rượu. Ngoài ra, chất BPA còn rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà.
Từ ngày 1/6/2010, châu âu đã cấm lưu thông và nhập khẩu bình sữa trẻ em làm từ vật liệu này do lo ngại chất BPA có thể thôi nhiễm. Theo thông báo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan này đã tiến hành rà soát các quy định liên quan đến BPA đang áp dụng tại Việt Nam và kiểm tra một số bình sữa trẻ em PC đang lưu hành trên thị trường. Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu bình sữa đều có hàm lượng BPA vẫn ở mức an toàn so với các quy định của Việt Nam.
Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm đưa ra khuyến cáo, các bà mẹ tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm không làm từ nhựa PC. Không chỉ là với mặt hàng bình sữa cho trẻ em mà với tất cả các sản phẩm làm từ nhựa nên xem kỹ thành phần chế tạo. Đối với các sản phẩm bằng nhựa khi sử dụng để đựng thức ăn thì không nên đựng thức ăn vừa nấu trên bếp xuống để tránh nhựa thôi nhiễm ra đồ ăn. Không luộc bình sữa ở nhiệt độ cao hay cho vào lò vi sóng.
Theo Quyết định 46/2007/QĐ của Bộ Y tế thì mức cho phép là 2,5mg BPA/kg vật liệu (thấp hơn mức quy định cũ của ủy ban châu âu ban hành năm 2007 là 3mg BPA/kg). Thời gian qua, kết quả các mẫu kiểm nghiệm BPA thôi nhiễm từ bình sữa trẻ em do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành đều cho kết quả thấp hơn so với quy định hiện hành.
Đỗ Thơm