Trao đối với PV báo Người Đưa Tin, thầy giáo Bùi Xuân Phái – Giáo viên trường đại học Luật Hà Nội đưa ra ý kiến: “Phát biểu của Bộ trưởng Nhạ mới chỉ là lời nói thì chưa vi phạm, nhưng nếu triển khai ngay trên thực tế thì sẽ là trái luật, cụ thể là vi phạm luật cán bộ, công chức; luật Viên chức; luật Lao động; luật Giáo dục… thậm chí còn vi phạm Hiến pháp”.
Theo ông Bùi Xuân Phái, Hiến pháp quy định về việc phổ cập giáo dục bậc tiểu học. Vậy đối với đối tượng này thì làm thế nào? Hợp đồng kiểu gì? Nhất là chưa đặt ra vấn đề chuyển sang ký hợp đồng lao động đối với giáo viên vùng sâu vùng xa.
Mục đích của Bộ trưởng cải cách để thu hút người tài, người giỏi nhưng không thiếu gì cách để thu hút giáo viên giỏi.
Thầy Phái nhấn mạnh, chuyển sang ký hợp đồng đối với giáo viên chỉ là một trong những phương thức có thể để thu hút người tài, chứ chưa nói về hệ lụy của nó. Nếu triển khai trên thực thế thì phải bàn về vấn đề giao quyền cho ai ký hợp đồng? Có phải là hiệu trưởng (hay gọi là giám đốc – trong trưởng hợp chuyển hợp chuyển sang ký hợp đồng)? Trường hợp ký, cắt hợp đồng có thể sẽ dẫn đến tình trạng “mua bán”, điều đó còn tệ hại hơn với các chính sách trước đây của ngành giáo dục.
Thầy Phái nói thêm, chưa kể phải đánh giá chất lượng giáo viên để xem xét được ký hợp đồng, vậy thì ai đánh giá? Thực chất công tác giáo dục là để phục vụ đối tượng là học sinh, nên chăng chính học sinh mới có quyền đánh giá chất lượng giáo viên. Tiếp đến, đánh giá dựa trên tiêu chí nào thì những điều này vẫn chưa có một kế hoạch, phương án, lộ trình cụ thể. Như đã nói ở trên, phổ cập giáo dục đối với cấp tiểu học là bắt buộc, ai sẽ người đánh giá vấn đề đấy?.
"Tất nhiên, Bộ trưởng cũng nói tới lộ trình thí điểm trước với các trường đại học, vậy có áp dụng với các trường dân lập hay không? Trong khi đó trường dân lập được tự chủ trong công tác giáo dục. Cụ thể là đưa ra phương án tính toán, cân nhắc thế nào trong việc thu hút giáo viên công cũng như thu xếp được chế độ lương bổng, công việc cho giáo viên. Do vậy cùng cần phải bàn tới vấn đề nữa là giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Từ đó, câu hỏi đặt ra là Bộ giáo dục và cơ quan Nhà nước có can thiệp vào những việc ấy hay không?", thầy Phái nêu quan điểm.
Thầy Phái cũng cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Nhạ chỉ là thăm dò dư luận, để xem phản ứng của xã hội như thế nào, chưa xảy ra hành vi trên thực tế thì chưa vi phạm. Nhưng trước khi Bộ trưởng đưa ra quan điểm cần phải cân nhắc trước - sau, được - mất.
Phát biểu của Bộ trưởng Nhạ là hơi thiếu thận trọng, chưa đủ sự khôn ngoan. Nếu như để thăm dò thì nên để cho đơn vị khác làm việc này hơn là phát ngôn từ một người làm về chính sách giáo dục. Bởi tầm Bộ trưởng phát biểu thì sẽ có những ảnh hưởng rất lớn, nhạy cảm khi động chạm, ảnh hưởng đến nhóm đối tượng rất lớn là đội ngũ giáo viên. Đặc biệt phát biểu này lại liên quan đến các chính sách giáo dục nhạy cảm.
Thúy Nguyễn – Đỗ Chang