Việc thay đổi cơ quan đầu mối quản lý giá sữa được thực hiện theo Nghị định Nghị định 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Theo đó, việc theo dõi và giám sát thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi không còn thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Từ ngày 1/1/2017, giá sữa sẽ được Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, việc đăng ký giá sữa này ở cấp trung ương sẽ do Bộ Công thương tiếp nhận, rà soát các biểu mẫu đăng ký giá, phối hợp các bộ trình Chính phủ để có định giá cụ thể, khung giá đối với các mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nhằm thực hiện bình ổn giá.
Ngày 13/1 vừa qua, các tài liệu có liên quan đến công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được Bộ Tài chính chính thức bàn giao cho Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thống nhất tiếp tục thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết quý I năm 2017. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, đề xuất, báo cáo Chính phủ về biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2017.
Được biết, mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đưa vào danh mục hàng bình ổn và áp trần giá từ tháng 6/2014. Theo đó, cơ quan chức năng đã công bố giá trần bán sỉ với hơn 600 sản phẩm sữa bột, giá bán lẻ được quy định không cao hơn quá 15% so với mức bán sỉ.
Hiện cả nước có 877 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và sở tài chính các địa phương.
Diệu Ly