Nhiều phụ huynh lo lắng khi con trẻ chịu áp lực thi cử bởi hai kỳ thi quá gần nhau. Trong khi bộ GD&ĐT còn “đang nghiên cứu”, thì nhiều chuyên gia nói “nước đôi”...
Thi tốt nghiệp THPT: Bỏ hay giữ
Áp lực và không hiệu quả
Cho rằng hai kỳ thi chỉ cách nhau trong vòng 1 tháng với các học sinh lớp 12 là quá căng thẳng và áp lực. GS Hoàng Tụỵ nêu quan điểm nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo GS này, kỳ thi tốt nghiệp THPT không đánh giá được chất lượng giáo dục và tổ chức “rình rang” như hiện nay lại tốn kém.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng, mặc dù, những năm gần đây bộ GD&ĐT đã có những hướng cải cách trong thi cử như ra đề sát với trình độ học sinh, đề thi mang tính gợi mở… nhưng tiêu cực trong chấm thi và trông thi vẫn còn đó. Phao thi vẫn tràn các Hội đồng thi, việc thi cử vẫn chỉ là hình thức, nhưng lại tạo tâm lý không tốt cho thí sinh. Đây cũng chính là lý do một số người đồng tình với quan điểm nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bàn luận về thực tế này, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Việc tiêu cực trong thi cử là một chuyện có thực trong xã hội và chúng ta đang phấn đấu để có được một kỳ thi khách quan, nghiêm túc hơn. Còn hiện nay, vấn đề thi cử vẫn còn tiêu cực trong cả nước chắc chắn đánh giá, kiểm định chất lượng sẽ không chuẩn được. Nói rằng kỳ thi này làm thước đo chuẩn kiến thức của học sinh phổ thông cũng không chuẩn. Thực tế, các nước có nền giáo dục phát triển, họ không quan tâm đến chất lượng đầu vào mà chủ yếu là chất lượng đầu ra”.
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, giáo viên Bùi Thu Cúc (trường THPT Phan Huy Chú- Hà Nội) cho rằng: “Chuyện áp lực thi cử đối với học sinh, giáo viên là chuyện có thật khi chỉ trong vòng một tháng học sinh đã phải trải qua hai kỳ thi “khốc liệt”, áp lực để thi đậu, áp lực điểm cao… luôn đè nặng lên vai các em. Tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì nó không cần thiết, học sinh đã học đủ 12 năm, sau khi học xong thì nên cấp cho các em chứng nhận đã học xong chương trình phổ thông và đủ điều kiện để thi vào đại học nếu các em muốn. Hoặc có thể nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học thành một kỳ thi sao cho hợp lý, tiết kiệm hơn bây giờ. Chuyện bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT được rất nhiều giáo viên đồng tình, kể cả lúc đang đi làm nhiệm vụ coi thi, một số thầy cô cũng nói với nhau rằng, kỳ thi này chỉ có ý nghĩa là đánh dấu quá trình tốt nghiệp của học sinh đã hoàn thành nhưng trên thực tế lại không cần thiết. Bởi vì cuối cùng công tác coi thi, tổ chức thi rầm rộ, rình rang cả nước như vậy sẽ rất tốn kém, gây sự căng thẳng cho học sinh”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia về giáo dục lại cho rằng không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT vào lúc này vì hiện giờ chưa có cơ sở gì để đánh giá, kiểm định chất lượng của học sinh hơn là thi. Có người lại cho rằng chỉ nên bỏ kỳ thi đầu vào đại học thôi.
“Tôi không đồng tình với ý kiến này, vì theo tôi nghĩ các trường đại học họ có mục tiêu, phương pháp đào tạo của riêng mình. Do đó hãy để học tự tổ chức thi, tự ra đề để phân loại thí sinh mà họ cần hơn là bắt họ phải ăn theo kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bản thân các trường đại học họ có quyền nghi ngờ về chất lượng đào tạo phổ thông, họ muốn có một cuộc thi để lựa chọn thí sinh phù hợp vào trường mình. Vì thế, tôi cho rằng các trường đại học cần tổ chức thi đầu vào là đúng”, cô giáo Bùi Thu Cúc nói.
Nhiều giáo viên cho rằng, nếu nói việc chất lượng chưa giám sát được thì liệu có giám sát được chất lượng thi cử không? Theo cô giáo Bùi Thu Cúc: “Tâm lý các em đi học 12 năm nên khi đi thi các thầy cô vẫn coi thi rất nhẹ nhàng. Kỳ thi vừa qua cả nước có 27 thí sinh bị đình chỉ thi, nói thật một hội đồng thi 600 thí sinh thì nếu làm căng cũng có không dưới 27 thí sinh vi phạm quy chế”.
Các thầy cô trực tiếp giảng dạy đều không lo ngại không có “thước đo” chất lượng giáo dục. Học sinh đi học sẽ có bảng điểm, kết quả học tập hàng năm còn chính xác hơn là tổ chức một cuộc thi như vậy. Đó cũng là một trong những cơ sở để đánh giá chất lượng học sinh.
Cô giáo Tuyết Nhung (trường THPT Liên Hà - Hà Nội) cho rằng: “Nếu nói một cách công bằng, hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có những giá trị riêng của nó, nhưng nhìn về lâu về dài thì không cần thiết nữa vì vừa tốn kém lại vừa căng thẳng đối với học sinh, giáo viên. Tuy thế, không vì nó còn có một chút ý nghĩa mà cứ giữ mãi nó, mà vẫn phải tư duy tiến tới sẽ bỏ kỳ thi ấy đi, giống như chiếc áo một khi đã không còn hợp với cơ thể nữa, nó quá chật hoặc quá rộng. Kiểm tra học kỳ ở trường còn khó hơn cả thi tốt nghiệp, cô giáo trong trường khi đó làm giám thị còn nghiêm khắc, chặt chẽ hơn để rèn giũa các em, hơn là khi cô giáo đi coi thi tốt nghiệp. Tuy vậy, việc bỏ thi tốt nghiệp THPT là đúng song cần có lộ trình chứ không thể gấp gáp được”.
GS Văn Như Cương
Việc bỏ thi... chỉ là thời gian
Theo quan điểm của bà An, việc học sinh có bằng tốt nghiệp THPT cũng chỉ là hình thức. “Tôi nghĩ sau này khi phát triển thêm một bậc nữa thì tấm bằng tốt nghiệp THPT là chưa đủ để các bạn trẻ vào đời, xin việc, vì nó mới chỉ là trình độ tối thiểu trong xã hội đó. Thật ra mà nói, nhu cầu của thị trường khi chúng ta gia nhập WTO là cần cái thực tiễn, khả năng thực tiễn của ứng viên chứ không hẳn là bằng cấp. Ở đây tôi muốn nói đến thực chất, khả năng thực sự của từng người, mà muốn có thực chất thì cần xem lại phương pháp giáo dục của chúng ta. Cái này phải làm tận gốc, làm từ đầu để khi nào học sinh được đào tạo từ bé đến hết cấp ba thì ngoài những kiến thức về giáo dục cần có những kiến thức về thẩm mỹ, về kinh nghiệm sống, phát triển toàn diện về trí, lực, thể, mỹ chứ không thể cứ mỗi ngày đeo cái ba lô nặng trịch mà không biết cái gì khác nữa. Chính vì thế, việc tổ chức quá nhiều kỳ thi sẽ là tốn kém, hình thức và không hiệu quả”.
Việc bỏ thi tốt nghiệp THPT không thể nói bỏ là bỏ ngay được, cần phải có lộ trình, có sự chuẩn bị chu đáo. ĐBQH Bùi Thị An khẳng định: “Về lâu dài, khi việc kiểm định chất lượng chuẩn, đánh giá chất lượng chuẩn ở các trường phổ thông cơ sở thì chuyện bỏ thi tốt nghiệp là được, còn bây giờ thì chưa được. Vì sự đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông tại các trường là chưa được chuẩn cho lắm, bộ GD&ĐT đã tổng kết, ngay cả việc cho điểm cũng không chuẩn, trong lớp có hai điểm 10 nhưng chất lượng lại khác nhau. Do đó, việc đánh giá, kiểm định chất lượng chưa chuẩn thì chưa thể bỏ ngay được, vẫn cần thiết có chuyện đánh giá một cách khách quan hơn bằng việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp”.
Cùng quan điểm này, GS Văn Như Cương chia sẻ: “Theo tôi thì trong lúc này chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT được khi chúng ta chưa có một phương án nào khả dĩ hơn để đánh giá, kiểm định chất lượng học sinh. Nhưng chúng ta cần thay đổi cách tổ chức thi, không tổ chức một kỳ thi toàn quốc tốn kém, rầm rộ như thế này nữa. Một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà hiện nay chúng ta làm rầm rộ quá, ồn ào quá và cũng rất tốn kém. Vì chúng ta đã biết học lớp 10 lên lớp 11 cũng cần phải có những điểm số nhất định thì mới lên lớp được, lớp 11 lên lớp 12 cũng thế, cũng có thi học kỳ đàng hoàng, bây giờ người ta học xong lớp 12 rồi thì cũng nên tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng để chứng tỏ học sinh cũng đã học xong lớp 12”.
Thực tế, ý kiến của GS Văn Như Cương cũng là điều mong muốn của nhiều giáo viên THPT khi được hỏi về vấn đề này. Đây cũng là vấn đề đặt ra của cải cách giáo dục. “Việc này phải bắt đầu từ việc cải cách tận gốc giáo dục, thay đổi lại tư duy trong giáo dục. Giáo dục học sinh để các em có những kiến thức tối thiểu về mặt khoa học, kiến thức thì phải giáo dục toàn diện”, ĐBQH Bùi Thị An khẳng định. Cũng theo bà An, hiện nay chúng ta vẫn quá nặng về bằng cấp, học hàm, học vị mà không đi vào thực chất. “Tôi cho rằng phải cải cách tận gốc vấn đề giáo dục, chúng tôi sẽ có những kiến nghị với bộ GD&ĐT, không thể để như thế này mãi được”, bà An thẳng thắn.
Việc bỏ thi tốt nghiệpTHPT cũng là vấn đề Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Ít nhất đến năm 2015 vẫn có thi tốt nghiệp. Sau năm 2015, khi thực hiện thay đổi sách giáo khoa, đổi mới giáo dục, bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nhiều thay đổi, hình thức thi để cân nhắc xem có nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không”.
Minh Khánh- Quốc Triều