Trường top khó tuyển sinh
Trường đại học Công nghệ - ĐHQGHN một năm có chỉ tiêu tuyển sinh là 1500 sinh viên, với số lượng như vậy vẫn còn khá ít để có thể tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, ngoài hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhà trường phải sử dụng nhiều hình thức khác để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, một cán bộ phòng Đào tạo, trường Đại học Công nghệ cho biết trường ưu tiên tuyển các em học sinh học trường chuyên, đặc biệt là các em được giải nhất, nhì, ba môn toán, tin cấp tỉnh; bên cạnh đó là các giải quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT; các em có chứng chỉ IELTS, SAT, ACT,... Những em học sinh thuộc diện này có những kiến thức nền tảng để có thể học những môn chuyên sâu, phù hợp với chương trình đào tạo của trường.
Mặc dù đã lường trước được những khó khăn trong kỳ tuyển sinh năm nay, đặc biệt là sau khi có đề thi THPT Quốc gia, nhưng phía nhà trường cũng không ngờ là tiểm trúng tuyển lại tăng cao đến vậy: "Khi công bố ngưỡng điểm như vậy nhà trường cũng nghiên cứu rất nhiều. Tuy nhiên, với hình thức xét quy đổi điểm thi IELTS ngưỡng trúng tuyển của nhà trường là 27 điểm. Để đảm bảo mặt bằng chung học lực của các em thí sinh, nhà trường đã quyết định điểm chuẩn bằng hình thức xét điểm tốt nghiệp THPT phải cao hơn ngưỡng điểm xét theo hình thức quy đổi điểm IELTS là 1 điểm”.
Bên cạnh đó, vị cán bộ của Đại học Công nghệ cũng lý giải thêm về việc điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin của trường đứng đầu cả nước (28,75 điểm): “Điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay khá cao, chỉ tiêu khối A01 của nhà trường cũng không nhiều bởi vì khi phân học, hướng đào tạo của trường sẽ liên quan đến lập trình thuật toán mang tính chuyên ngành. Những nội dung này các bạn bên khối A00 sẽ dễ bắt nhịp học hơn. Đa phần các em lấy điểm tiếng Anh sẽ vào các ngành chất lượng cao của trường. Điều này dẫn đến tình trạng điểm năm nay có xu hướng tăng cao”.
Ngoài ra, trong quá trình làm công tác tuyển sinh, cán bộ này cũng nhận thấy một vấn đề bất cập: “Thông qua phiếu đăng ký nguyện vọng của các em có thể thấy các bạn chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng mà chỉ đang đăng ký theo "trend". Ít có những thí sinh nào chỉ đăng ký toàn bộ các ngành liên quan đến kinh tế hoặc kỹ thuật, mà lại đăng ký nhiều lĩnh vực ngành nghề một lúc. Có thể thấy ở đây các em chưa định hình được ngành mình chọn, chưa biết năng lực học của mình để có quyết định chính xác nhất”.
Giải đáp về vấn đề, thước đo của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không đảm bảo cho một số trường xét tuyển, xu hướng năm sau trường có tiếp tục sử dụng hình thức xét tuyển này hay không? Đại diện trường Đại học Công nghệ không khẳng định nhưng nói "có thể sẽ giảm" chỉ tiêu đối với thí sinh thi tốt nghiệp THPT vào năm tới: “Điều này nhà trường cũng cần phải nghiên cứu thêm, nhưng có thể chỉ tiêu của hình thức xét tuyển này sẽ thấp đi, bởi hiện nay các trường được đa dạng các hình thức”.
Các trường không còn lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chia sẻ với Người Đưa tin về kỳ thi “2 trong 1” hiện nay không còn hiệu quả vậy có nên xem xét bỏ kỳ thi này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ: “Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi để tổng kết, đánh giá kết quả giáo dục bậc THPT, đây là căn cứ để chúng ta cải tiến và đổi mới chính sách nên không thể bỏ được.
Nhưng nếu đề thi không có sự phân hóa để phục vụ cho xét tuyển đại học thì các trường sẽ phải chủ động tìm tìm các giải pháp khác nhau để có thể chọn lựa được những thí sinh đáp ứng nhu cầu đào tạo của mình, nhất là đối với các trường top trên”.
Trao đổi về việc, xu hướng tổ chức kỳ thi riêng của các trường, ông Điền cho biết: “Việc tổ chức kỳ thi riêng cũng rất nhiều áp lực và không dễ dàng. Chỉ một số trường có tiềm lực mới có thể tổ chức kỳ thi này. Việc các trường tự tổ chức thi là bài toán lâu dài, đặc biệt cần phải có nguồn lực. Khi tổ chức thi, vấn đề khảo thí rất quan trọng, nhưng hiện nay mới chỉ có hai trung tâm làm việc này của trường đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Quốc gia Tp.HCM. Ngoài ra, việc xây dựng đề thi, khâu tổ chức, chấm thi cũng là những vấn đề phải tính toán”.
“Nếu các trường tự tổ chức thi cũng sẽ gặp khó khăn khi không đảm bảo lượng thi sinh tham gia, ngoài ra nếu đỗ các em có thể không nhập học, nên khó có thể tuyển đủ chỉ tiêu”, ông Điền chia sẻ.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng đưa ra giải pháp: “Việc xét bằng hình thức học bạ sẽ hiệu quả hơn cả vì đấy là sự phản ánh quá trình học tập của các em, chứ không giới hạn trong một bài thi, một kỳ thi. Ngoài ra, nên tổ chức kỳ thi riêng theo nhóm trường, việc thi theo nhóm hoặc công nhận kết quả thi của nhau sẽ thuận tiện cho các em và giảm khó khăn cho nhà trường”.
Cũng cùng những vấn đề trên, trao đổi với Người Đưa tin, Ths.Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc trung tâm Thông tin và Truyền thông, trường đại học Mở Hà Nội cho biết: “Để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội, thuận tiện cho thí sinh, việc tạo thành những nhóm trường có cùng tiêu chí xét tuyển để tổ chức kỳ thi chung cũng đang được trường nghĩ tới. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ GD&ĐT. Cần có một đơn vị giám sát hoặc khảo thí chung để đảm bảo chất lượng tổng thể, tránh việc có những nhóm lợi ích riêng, không đảm bảo chất lượng tuyển sinh”.
“Hiện nay, nhà trường không dự kiến tổ chức kỳ thi riêng. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sử dụng kết quả của các kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức, một số ngành sẽ có kết hợp với kỳ đánh giá năng lực của trường”, ông Ngọc Anh thông tin.
Nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học:
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.
Công Luân - Hồng Bích