Ngay trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể công bố thời gian qua cũng đã chủ trương bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, giao việc xét tuyển tốt nghiệp cho các trường phổ thông. Quan điểm này ngay lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều bởi nỗi lo tiêu cực sẽ phát sinh ngay trong quá trình xét tốt nghiệp.
“Khoán” việc xét tốt nghiệp cho các trường là công việc thường kỳ ở các trường tiểu học (TH) và THCS hiện nay. Tuy nhiên, nó đã thật sự khách quan, minh bạch và phản ánh đúng chất lượng giáo dục chưa?
Câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ và chúng ta mơ hồ nhận ra căn bệnh thành tích đang hiển hiện với những con số cao ngất ngưởng, thậm chí là “đội khung”: 100% học sinh tốt nghiệp.
Sự dễ dãi trong việc ra đề kiểm tra, coi thi, chấm điểm tại các trường THCS, THPT đã từng xảy ra. Tình trạng sửa điểm, nâng điểm, xin điểm vẫn khá nhức nhối với những học bạ được trải qua “công nghệ làm đẹp” nhằm tranh “ghế” trong cuộc đua vào các trường điểm.
Tâm lý thương học sinh theo kiểu “cho tốt nghiệp kẻo tội” hoặc “tiếc công mười hai năm ăn học” vẫn tồn tại trong chính đội ngũ giáo viên - những người “cầm cân nảy mực” quyết định việc đỗ hay trượt tốt nghiệp.
Chính vì vậy, ai dám khẳng định những “lỗ hổng”, “góc khuất” trong việc xét tuyển tốt nghiệp ở TH và THCS sẽ không lặp lại ở THPT? Tiêu cực rất dễ nảy sinh và tâm lý coi thường việc học, việc thi rất dễ định hình trong tư tưởng của một bộ phận học sinh. Bởi các em sẽ cứ đinh ninh rằng: Thi chưa tốt cũng sẽ lên lớp, không học cũng tốt nghiệp. Điều ấy thật sự nguy hại!
Để tiến tới xóa bỏ kỳ thi THPT Quốc gia và giao việc xét tuyển tốt nghiệp cho các trường, bộ GD&ĐT cần nghiên cứu một quy trình xét tuyển thật sự chặt chẽ, khoa học, minh bạch và nghiêm túc. Cơ chế giám sát quá trình xét tuyển cũng phải được hoàn thiện nhằm ngăn chặn tiêu cực có thể phát sinh và kịp thời răn đe những biểu hiện sai trái, lệch lạc, gian dối.
Mặt khác, kỳ thi THPT Quốc gia vừa được thực hiện một vài năm gần đây đã tạo nên sự chuyển biến lớn của cả xã hội trong cách nghĩ, cách làm. Chúng ta đang rút kinh nghiệm và vẫn chưa tạo được sự đồng thuận hoàn toàn về việc tổ chức một kỳ thi “hai trong một” hiệu quả.
Nay với dự thảo bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2020, một lần nữa dư luận lại băn khoăn trước những đổi thay chóng mặt của ngành giáo dục.
Giáo dục không thể là một hệ thống tĩnh, nó phải vận động không ngừng. Đổi mới, cải cách giáo dục để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, giáo dục cũng cần tính ổn định, vững bền làm cơ sở nền tảng cho những đổi thay tích cực.
Việc tổ chức các kỳ thi cũng vậy. Nếu thực hiện việc bỏ kỳ thi THPT Quốc gia và giao xét tuyển tốt nghiệp THPT cho các trường, bộ GD&ĐT cần có một kế hoạch tổng thể về việc xét tốt nghiệp THPT để tạo một lộ trình thực hiện lâu dài, ổn định, tránh tình trạng vài ba năm lại thay cách “thi”, vài ba năm lại đổi cách “xét”.
Và khi kỳ thi THPT Quốc gia không còn tồn tại, tôi muốn hỏi việc xét tuyển đại học sẽ thực hiện như thế nào? Chúng ta sẽ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng dựa trên kết quả điểm học bạ THPT? Hay là học tập cách xét tuyển của một số nước: Căn cứ vào năng lực và nguyện vọng của học sinh, trường THPT viết thư giới thiệu với trường đại học tương ứng? Và phải chăng chúng ta sẽ cơ cấu lại kỳ thi đại học và giao cho các trường sở tại tổ chức?
Những câu hỏi này rất mong được hồi đáp.
Thanh Ny
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của một giáo viên tiểu học tại Thừa Thiên – Huế.