Mặc dù bộ Nội vụ vẫn đang tích cực tìm lời giải cho việc bổ nhiệm thừa cấp phó tại nhiều địa phương nhưng có nhiều nguyên nhân khiến việc này còn tiến triển chậm.
Mới đây, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo yêu cầu rà soát việc bổ nhiệm thừa “sếp phó” ở UBND và các sở, ngành tại các tỉnh, thành phố. Một câu hỏi được đặt ra, khi nào tình trạng “lạm”, “loạn”, thừa cấp phó ở các địa phương, sở, ngành mới thực sự chấm dứt?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện về vấn đề này.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, bổ nhiệm thừa cấp phó do các nguyên nhân: Quy trình, chất lượng cán bộ, độ tuổi, “lịch sử để lại”... đã được Quốc hội nhận ra. Quốc hội đã đưa chương trình giám sát việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước vào hoạt động giám sát tối cao là thỏa mãn mong đợi của cử tri.
"Đương nhiên việc bổ nhiệm thừa cấp phó là không đúng. Nhưng thực tế, mỗi địa phương có nhu cầu, đặc thù phát triển kinh tế - xã hội riêng. Cần làm sao để phát huy được hết thế mạnh", ĐBQH Nguyễn Thanh Hải nói.
Vị ĐBQH nêu ví dụ, một tỉnh có thế mạnh về du lịch, nhu cầu cấp phó ở mảng này có thể cao hơn các mảng khác. Hoặc địa phương có mũi nhọn về nông nghiệp, đương nhiên cần nhiều phó giám đốc sở NN&PTNT hơn. Tuy nhiên, nếu căn cứ từ thực tiễn không đúng, phải có kiến nghị lên cấp trên sửa đổi, rà soát và bố trí hợp lý, không tùy tiện bổ nhiệm thừa cấp phó.
Cũng theo lời bà Hải, đã có những ý kiến ĐBQH “hiến kế” giải quyết tình trạng thừa cấp phó. Ví dụ, nên chăng có quy định tổng số lượng cấp phó của cả tỉnh là bao nhiêu, sau đó để quyền tự chủ cho người đứng đầu, căn cứ theo nhu cầu thực tiễn để phân cấp quản lý. Có thể với sở này, chỉ cần 1 phó là đủ, nhưng ở sở khác cần đến 4 cấp phó. Hơn ai hết, người đứng đầu phải biết thế mạnh, nhu cầu của địa phương mình ra sao.
"Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu như báo cáo kiến nghị cử tri mà tôi đã trình bày trước Quốc hội không cần lo lắng việc giao quyền cho người đứng đầu sẽ bổ nhiệm người thân, người nhà, người quen. Trường hợp cán bộ không đủ trình độ, người đứng đầu vẫn bổ nhiệm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương không đảm bảo, bản thân người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, rà soát, thay đổi cơ cấu bộ máy hành chính là cần thiết, làm sao vừa tinh gọn, giảm nhẹ nhưng phải tăng trách nhiệm người đứng đầu", Trưởng ban Dân nguyện nói.
"Tôi vẫn muốn khẳng định cần làm đúng quy định của pháp luật. Không thể tự thấy nhu cầu cần rồi bổ nhiệm cả người thiếu tiêu chuẩn, trình độ năng lực, lệch chuyên môn... gây bức xúc dư luận. Việc thanh tra trách nhiệm, kiểm tra giám sát bổ nhiệm cán bộ là vấn đề tồn tại của bộ Nội vụ, chưa giải quyết được nhiều và vẫn để cử tri kiến nghị lại nhiều lần. Điều này tôi đã nói rõ trong báo cáo kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội.
Tuy nhiên, tôi tin tưởng, với quyết tâm và đặc biệt là sự quan tâm trách nhiệm của Chính phủ, của báo chí và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương thì sang năm, vấn đề này sẽ có những khởi sắc nhất định, không còn gây bức xúc", bà Hải nhấn mạnh.
Dương Thu