Chiều ngày 16/3, trong buổi họp báo chuyên đề về dự thảo Nghị định về Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính) cho biết, trong dự thảo nghị định mới đã có những quy định rõ ràng nhằm ngăn chặn tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp được hưởng những đặc quyền mua cổ phần khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển dần sang công ty cổ phần.
Theo ông Tiến, lãnh đạo cũng như toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước, từ khi triển khai thí điểm cổ phần hóa năm 1992 đến nay, đều được ưu đãi mua cổ phiếu tại chính doanh nghiệp mà mình đang làm việc. Quy định này cũng đã rõ ràng việc mua cổ phiếu ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực Nhà nước. Toàn bộ người lao động, bao gồm cả lãnh đạo sẽ được mua cổ phiếu ưu đãi theo cấp số nhân, mỗi một năm công tác sẽ được mua ưu đãi 100 cổ phần.
Ông Tiến cũng khẳng định, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng như cán bộ công nhân viên đều bình đẳng. Riêng với người lao động là chuyên gia có trình độ cao, có cống hiến lớn, có nguyện vọng mua thêm cổ phần của doanh nghiệp thì sẽ được mua thêm cổ phần nhưng không được hưởng giá ưu đãi mà phải mua bằng giá đấu giá thành công.
Đại diện bộ Tài chính khẳng định, từ năm 2015, tình trạng các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và người thân trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa như trường hợp gia đình thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã không còn.
Hiện nay, việc thắt chặt quy định về giá mua ưu đãi cổ phần như kể trên đã giúp kiểm soát được tình hình mua, bán cổ phiếu trong các doanh nghiệp cổ phần hóa và ngày càng được công khai, minh bạch.
Cụ thể, trước năm 2015, tồn tại việc ưu tiên bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước theo thỏa thuận trước, nhưng sau đó, việc ưu tiên bán cổ phần này không được phép thông qua thỏa thuận nữa. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước buộc phải đưa ra đấu giá công khai, nếu không thành công mới đưa ra chào bán cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện). Khi cả hai bước trên không thành công nữa mới bán cổ phần theo thỏa thuận giữa bên bán và bên mua.
Theo ông Tiến, việc đấu giá công khai như vậy sẽ tạo nên sự sòng phẳng trong việc bán cổ phần nhằm tránh việc thỏa thuận, trục lợi từ giá nếu chỉ có 2 bên tự thỏa thuận với nhau. Phương án thỏa thuận chỉ được thực hiện khi các phương án trước đó không thành công.
Việc thay đổi, đặc biệt trong những quy định tại dự thảo nghị định mới đây về việc doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ hạn chế việc doanh nghiệp điều chỉnh chính sách để thuận lợi cho một đối tác mua cổ phiếu và bất lợi cho các đối tác khác.
“Nếu còn mua bán theo thỏa thuận thì sẽ còn có chuyện giá lên, giá xuống, nên bây giờ luật có quy định rõ không có ưu tiên bán thỏa thuận cũng là để hạn chế những tiêu cực như các trường hợp trước đó", ông Tiến cho hay.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2017, các thành viên trong gia đình và người có liên quan của thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu, tương ứng 34% vốn của công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang với tổng giá trị tài sản ước tính hơn 700 tỷ đồng. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những xôn xao về tài sản "khủng" của thứ trưởng này trong thời gian vừa qua.
Cũng trong buổi họp báo chuyên đề, đại diện bộ Tài chính cũng thừa nhận việc bán cổ phần Vinamilk thời gian qua là chưa thành công. "Chưa thành công chứ không phải ế. Nếu chúng ta bán hết thì sẽ có người mua hết ngay. Vừa qua, mới chỉ thực hiện bán thử nghiệm từng ít một, vừa bán vừa thăm dò thị trường. Không chỉ Vinamilk, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước khác như Sabeco, Habeco,... phải đảm bảo lộ trình ổn định thị trường. Nếu bán không khéo thì quay lưng lại. Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc cao nhất là không làm xáo trộn thị trường, bán có lộ trình và có thăm dò. Đây là bán vốn Nhà nước, không phải là giao dịch khớp lệnh nên phải đấu giá công khai. Trong năm 2017, chúng ta sẽ thực hiện từng bước bán hết số cổ phần của Vinamilk. Thời gian qua, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong việc thăm dò, quảng bá thị trường rồi từ đó nghiên cứu đưa ra số lượng bán thế nào cho phù hợp với nhu cầu. Làm gì thì làm, vẫn phải công khai minh bạch theo quy định", ông Đặng Quyết Tiến khẳng định. |
Đ.Huệ