Ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ, như thường lệ, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2017 để thông tin về những vấn đề báo chí quan tâm. Buổi họp diễn ra tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba, Chính phủ có bàn đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một vấn đề đang rất được quan tâm.
Câu hỏi được báo chí đặt ra là: Chính phủ có chỉ đạo hay bàn giải pháp nào để Việt Nam thích ứng, đón nhận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này? Xin hỏi về vai trò của mô hình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 quan trọng như thế nào?
Thay mặt Chính phủ trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được chọn làm chủ đề của diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ và đây là cuộc cách mạng kết hợp công nghiệp trong các lĩnh vực như vật lý, số hóa, sinh học để tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong cuộc cách mạng này, cơ hội đem đến cho chúng ta rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ. Bộ Chính trị và Chính phủ rất quan tâm đến việc này, bởi hiện nay, tất cả thế giới đang quan tâm đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam, các nghị quyết của Đảng đều đề cập đến tất cả lĩnh vực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng nhắc lại, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba, Thủ tướng đã cho các thành viên nghe báo cáo về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiệm vụ đặt ra là phải tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng thành tựu kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược quy hoạch trong các lĩnh vực.
Đầu tiên, phải ưu tiên công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, coi đây là hạ tầng trong sự phát triển, trong cuộc cách mạng công nghiệp này. Làm thế nào để kết hợp những đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực.
Thứ ba, phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông có giá trị gia tăng và chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Thứ tư, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu CNTT hiện đại hóa trong phạm vi cả nước, bảo đảm tính đồng bộ, sự kết nối liên ngành và liên vùng.
Thứ năm, xây dựng các chính sách cơ chế, giải pháp có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng, trong đó đề xuất chính sách, cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, bảo đảm tính khả thi.
Thứ sáu, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật và các cơ chế chính sách, bảo đảm tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng.
Thứ bảy, ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí.
Thứ tám, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng hệ thống hạ tầng và nội dung thông tin để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và phát triển năng lực CNTT quốc gia để làm chủ, đáp ứng yêu cầu cung cấp trao đổi thông tin trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
Cuối cùng là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan báo chí phải tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho người dân biết về vai trò, tầm quan trọng là chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Vì vậy, Thủ tướng giao bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chủ trì, phối hợp với bộ Thông tin và Truyền thông, bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, sẽ có báo cáo đánh giá việc triển khai từ tháng 4 đến hết năm 2017.
“Đây là những nội dung cụ thể, hiện nay bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với bộ Thông tin và Truyền thông, bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh việc đào tạo nguồn lực xây dựng, xây dựng kết cấu hạ tầng để bảo đảm chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, không bị bỏ lỡ con tàu. Khi chúng ta bước lên tàu là chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Dương Thu