Treo đầu "dê" bán thịt... "lừa"
Mới sắm được chiếc máy tính xách tay, Hưng, sinh viên năm thứ 2, Đại học Bách khoa Hà Nội, nghĩ ngay đến chiếc modem wifi để có thể di chuyển mọi nơi trong nhà mà vẫn vào được mạng.
Tìm kiếm thông tin trên mạng, Hưng phát hiện ra 1 cửa hàng bán thiết bị này chỉ với 120.000 đồng. Bất ngờ với giá rẻ bằng 1/2 thị trường, Hưng gọi ngay đến cửa hàng để "check".
Nhân viên cửa hàng xác nhận mặt hàng này vẫn còn và thúc giục Hưng đến sớm. Mừng như mở cờ trong bụng, Hưng hộc tốc phi đến. Nhân viên ở đây đem ra 1 chiếc Switch (thiết bị chuyển mạch, có tác dụng chia một đường mạng cho nhiều máy có thể sử dụng).
Người này khẳng định Hưng đã "nhìn gà hóa cuốc" và giới thiệu chiếc modem wifi với giá 300.000 VND. Cảm thấy bực mình vì bị "dắt mũi" nhưng lại tiếc công chạy xe gần chục km, cậu đành "nhắm mắt" mua chiếc modem với giá tương đương ngoài thị trường.
Chợ Giời (phố Huế, Hà Nội) nơi rất nhiều đồ điện tử thật giả khó phân định được rao bán.
Trường hợp của Hưng không phải là ngoại lệ. Mới đây, thành viên Vnlak của diễn đàn Voz, (diễn đàn công nghệ) đã đăng đàn phàn nàn về việc mua ổ cứng (HDD) được "khuyến mại" USB. Đọc thông tin trên trang bán hàng trực tuyến taobao.com của Trung Quốc, thấy sản phẩm HDD của hãng WD dung lượng 1 TB được định giá 840.000 đồng (giá của sản phẩm này tại Việt Nam khoảng 2, 5 triệu đồng), Hưng hí hửng đặt mua.
Một tuần sau anh nhận được hàng. Vỏ và các phụ kiện đi kèm cũng như chiếc HDD được làm như thật. Kiểm tra bằng máy tính, anh "tá hỏa", dung lượng máy đủ 1 TB nhưng tốc độ thì... ngang rùa bò.
Thành viên này cố gắng khắc phục bằng một vài thao tác trên máy tính thì ngay lập tức, chiếc ổ cứng bị "đơ". Nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, anh tháo vỏ sản phẩm để xem thì thấy bên trong là 1 chiếc USB và... 2 chiếc đinh khoan tường (để cho sản phẩm nặng như một chiếc HDD). Những thành phần này được gắn với nhau bằng một lớp keo nham nhở...
Không chỉ mua hàng trên mạng mới bị lừa, bạn tôi trong chuyến công tác Lạng Sơn, vào chợ Đông Kinh, thấy USB rẻ hơn 10 lần giá thực (USB 8G mà chỉ có 30.000 đồng) anh mua liền 20 cái về dùng và tặng bạn bè. Về đến Hà Nội, mang USB ra dùng, máy tính không nhận, anh thử hết cái này đến cái khác, máy không nhận bất kì một cái nào.
Loay hoay với "đống" USB giả, anh quyết định tháo thử 1 chiếc ra xem thì bên trong chỉ là 1 đoạn dây USB với cái đầu cắm thò ra ngoài. Bực tức vì số tiền bỏ ra không nhỏ nhưng anh cũng chẳng biết kêu ai.
"Công nghệ" bán hàng giả"
Tuy nhiên, những sản phẩm này có tuổi đời không cao và thường ọp ẹp, sử dụng lại không an toàn. Tên sản phẩm của nhiều mặt hàng dạng này là cách viết lái của các hãng nổi tiếng như Nokig, Nckia... Hàng rởm cũng có loại 1 và loại 2, hàng 1 là hàng "rởm cao cấp", giá cao hơn, trong khi loại 2 chất lượng kém và giá rẻ hơn.
Thật giả lẫn lộn Theo tiết lộ của anh Hoan, nhân viên bán hàng ở chợ Giời (Phố Huế, Hoàn Kiếm, Hà Nội), có cả một "thế giới ngầm" buôn bán hàng điện tử mà chỉ dân trong nghề mới biết. Nhiều cửa hàng tại đây còn nhập hàng của Trung Quốc rồi dán mác chính hãng để bán lẫn với hàng thật. Tuy nhiên rất khó để phát hiện ra đồ nào là thật, đồ nào là giả, mà nếu có phát hiện thì sự đã rồi, cũng không biết kêu ai. Nhân viên này cũng khẳng định, hàng nhái thường có giá chênh lệch nhiều so với hàng thật mà mẫu mã, kiểu dáng lại đa dạng, phong phú nên hút khách hơn. |
Đây có thể là những sản phẩm bị lỗi. Thay vì thiêu hủy thì các thiết bị này được tuồn ra ngoài để bán tràn lan, khiến người tiêu dùng hoang mang trong việc phân biệt thật, giả.
Anh Hoan cũng cho biết thêm, không phải cứ cửa hàng to là có thể tin tưởng 100%. Tốt nhất là khách hàng nên tìm hiểu kĩ về sản phẩm, nắm được thông tin về máy và cách kiểm tra để khỏi bị "bắt nạt".
Bên cạnh đó, người mua nên tìm hiểu về cửa hàng nơi bán sản phẩm xem có khách hàng nào phản hồi tiêu cực không (bằng cách tham gia các diễn đàn, tìm kiếm thông tin trên mạng...) hoặc nhờ người có kinh nghiệm đi mua cùng sẽ tăng cơ hội mua được sản phẩm tốt.
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, một kĩ thuật viên của Viettel (đề nghị giấu tên) khẳng định việc "treo đầu dê bán thịt "lừa" hàng điện tử diễn ra nhan nhản. "Phù phép" điện thoại cũ thành mới cũng chẳng có gì lạ nhưng đóng lại seal cho sản phẩm thì lại là phạm pháp.
Công nghệ này khá tinh vi và cần dùng máy móc chuyên biệt để thực hiện, đặc biệt là với iPhone. Những chiếc iPhone cũ được cài đặt lại, thay vỏ và được xịt một loại sơn đặc biệt để trông như mới và thậm chí có "mùi" mới. Sau đó sản phẩm được đóng seal màn hình, đóng hộp và đóng seal bên ngoài hộp. Rất khó để phát hiện những chiếc iPhone được "phù phép" kiểu này.
Có một cách để xác định thật - giả là kiểm tra IMEI trên vỏ máy xem có trùng với thông số trong máy hay không. Ngoài ra, màu sắc trên vỏ không đẹp so với vỏ thật, chữ in mờ nhạt và không đều. Người mua cũng có thể kiểm tra khe cắm sạc để biết tình trạng máy. Với một chiếc máy mới thì khe cắm có màu vàng sáng của đồng và không bị rỉ.
Chuyên gia này cũng bật mí, chiêu trò "hô biến" thông số về dung lượng thẻ nhớ đã xuất hiện cách đây vài năm. Người ta dùng thủ thuật ép chip nhớ để máy tính nhận dung lượng ảo. Như với thẻ 512MB có thể khiến máy "nhìn" thành thẻ 16GB.
Vì thế khi kiểm tra trên máy tính, người mua vẫn thấy máy xác nhận dung lượng đúng như ghi trên bao bì nhưng thực chất đó là dung lượng ảo. Nếu sao ghi trong phạm vi 512MB thì vẫn dùng được, nhưng tất cả những file quá phạm vi đó thì sẽ bị lỗi.
Tuy nhiên, với chiêu này thì người mua không thể nhìn bằng mắt thường mà phải thử copy vào thẻ nhớ đó lượng file nhạc (hoặc phim) tương đương với thông số thẻ và nghe thử bài đầu, bài cuối và bài giữa. Cách làm này có thể áp dụng với mọi sản phẩm mà người mua muốn kiểm tra dung lượng thực của nó.
Thanh Xuân