Kiểm tra nhiều, lọt lưới cũng lắm
Nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm Trần Đáng (Bộ Y tế) thừa nhận: "Tôi cũng được nghe, mới đây, gần 14 tấn thịt thối đang trên đường vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Hay trước đó không lâu, lực lượng Cảnh sát môi trường, CA TP. Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ gần 1,5 tấn nầm, tràng lợn "bẩn" được vận chuyển từ biên giới về bán cho người dân Thủ đô. Số thực phẩm "bẩn" này được tẩm hóa chất, chỉ chạm tay vào đã thấy ngứa. Rõ ràng, thực phẩm "bẩn" đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân”.
"Trước thực tế này, chúng ta cũng phải thấy rõ được trách nhiệm của các bên liên quan. Tại sao, các vụ thực phẩm "bẩn" tuồn vào nội địa chủ yếu do lực lượng công an phát hiện chứ không phải lực lượng thanh tra y tế các sở, ngành? Thêm vào đó, tại sao qua cửa khẩu, qua rất nhiều địa phương kiểm duyệt mà thực phẩm "bẩn" vẫn dễ dàng "lọt lưới" để tuồn vào thành phố? Rõ ràng, phải xác định rõ trách nhiệm của thanh tra y tế, quản lý thị trường trong những "phi vụ" này. Có hay không sự "bảo kê" của một vài đơn vị cho "hàng hóa" này tuồn vào Việt Nam !?. Liệu khâu kiểm định của chúng ta hiện nay có quá lỏng lẻo", ông Đáng đặt câu hỏi.
Một số “chất cấm” được cơ quan chức năng phát hiện trong nội tạng, trái cây, cá...
Theo ông Trần Đáng, hiện nay tồn tại thực tế, các "đầu nậu" dễ dàng vận chuyển, buôn bán nội tạng "bẩn" từ biên giới vào Việt Nam tiêu thụ. Được biết, mỗi ngày có hàng chục tấn thực phẩm "bẩn" các loại từ biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh... vận chuyển về Hà Nội và đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Mặc dù, hàng năm lực lượng công an, quản lý thị trường phát hiện hàng chục vụ nhưng dường như hoạt động này vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.
Ông Đáng cũng cho rằng, thực phẩm "bẩn" dù phát hiện nhiều nhưng biện pháp xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Theo quy định hiện hành thì hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, không rõ nguồn gốc, ôi, thiu nhiễm bẩn hiện nay mức xử phạt chỉ từ 10 - 15 triệu đồng chẳng khác gì "muỗi đốt inox".
Một cán bộ của Chi cục ATVSTP Hà Nội (đề nghị giấu tên) thừa nhận, thực tế việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì muốn kiểm tra xe phải nhờ đến lực lượng cảnh sát giao thông nên khó chủ động. Thông thường, khi không có tin báo cụ thể thì cơ quan chức năng không thể kiểm tra. Vì vậy, số vi phạm mà cơ quan chức năng bắt được chắc chắn là ít so với thực tế. Cũng theo cán bộ này, mỗi ngày TP. Hà Nội tiêu thụ khoảng 300 tấn thịt các loại. Nhu cầu tiêu thụ quá lớn, trong khi khả năng đáp ứng từ những lò mổ gia súc, gia cầm đảm bảo chất lượng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Chính vì vậy, lượng thịt bẩn, thịt thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ được dịp hành hoành.
Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cũng thừa nhận, nguồn thịt gia súc không kiểm soát, kể cả thịt thối, đang được tuồn vào thành phố khá nhiều, lực lượng thú y không thể nào quán xuyến nổi. Chi cục cũng tích cực chỉ đạo các trạm thú y quận, huyện, nhất là các trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông, cửa ngõ tăng cường công tác kiểm tra để hạn chế nguồn thịt bẩn này.
Quản lý theo kiểu... "lọt sàng xuống nia"
Nhìn nhận về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, nhất là trước một loạt các thông tin "gây sốc" cho người tiêu dùng, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: "Trong trồng trọt, nhiều loại thuốc trừ sâu gây ung thư vẫn được nông dân sử dụng, nguy hiểm hơn đó là những loại thuốc của Trung Quốc cấm vì quá độc. Nhưng nông dân lại rất thích sử dụng bởi phun thuốc xong, quay lại thấy sâu chết ngay và rất rẻ. Tôi không hiểu vì lý do gì mà những thứ độc hại đó được nhập về Việt Nam. Có khi doanh nghiệp gian lận đóng bao bì khác. Trách nhiệm trong vấn đề này có cả Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học & Công nghệ và cả Bộ Công Thương".
Thực tế, để quản lý mớ rau, con gà trong mâm cơm của mỗi gia đình có sự tham gia của đủ bốn Bộ. Khi thực phẩm còn trong giai đoạn sản xuất, hay nhập khẩu về thì Bộ NN &PTNT đôn đốc kiểm tra quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia trong quá trình này; thực phẩm lưu thông trên thị trường thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về chất lượng, hàng thật, hàng giả, Bộ Y tế giữ vai trò chủ trì chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Tuy là giữ vai trò chủ trì nhưng Bộ Y tế chỉ quản lý, chịu trách nhiệm trên mâm cơm và công tác điều trị khi có vấn đề về an toàn thực phẩm. Song nhiều chuyên gia băn khoăn, khi xảy ra vấn đề về an toàn thực phẩm thì Bộ nào cũng khẳng định đã làm hết trách nhiệm, chỉ có người dân chịu thiệt vì chẳng biết kêu ai.
Thực tế, khi giám sát về vấn đề VSATTP, nhiều ĐBQH đã cho rằng: Đối với lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng như vệ sinh an toàn thực phẩm thì không thể quản lý theo kiểu lọt sàng xuống nia hay được cái lớn, mất cái bé. Phải quản lý để làm sao hạn chế tới mức cao nhất những thực phẩm không sạch lưu thông trên thị trường và không để những thực phẩm không sạch "bước" vào mâm cơm của từng gia đình người dân Việt Nam.
Mặc dù VSATTP những năm gần đây được quan tâm hơn, rau, quả đã được kiểm tra và đã có nhiều vùng rau an toàn, nâng tỷ lệ rau an toàn lên cao hơn những năm trước đây nhiều lần. Tuy nhiên, trên thị trường có tới 60% rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Những ngày gần đây, thông tin cải thảo được thương lái ướp formaldehyte, rau quả tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, thịt thối... khiến người dân càng lo lắng.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Lân Dũng nói: “Hiện nay có gần 1 vạn loại thuốc trừ sâu. Để phân tích thuốc trừ sâu là cực khó, không thể phát hiện được. Những viện nghiên cứu (như Viện của tôi) với máy móc trang bị rất hiện đại 6 triệu USD chỉ phát hiện được vài loại và không thể phân tích nhanh được. Với rau quả thì phải phân tích nhanh chứ sau 1 tuần mới trả lời thì không được, rau quả sẽ hỏng hết. Vấn đề ở đây, rau quả nhập khẩu phải được ký hợp đồng với công ty đối tác để người bán phải chịu trách nhiệm. Mình có mua rau quả của Trung Quốc cũng phải mua của công ty lớn, đừng mua của các công ty tư nhân không đảm bảo chất lượng. Rau quả phải được đóng gói đảm bảo an toàn. Nhưng từ trước đến nay mình mua bán rau quả đều không có hợp đồng, nên chẳng có ai chịu trách nhiệm".
Cơ quan chức năng: Hiện trạng rất... "nhiều không" Nguy cơ người tiêu dùng phải sử dụng thực phẩm mất an toàn luôn hiện hữu, bởi các vụ "thực phẩn bẩn" liên tiếp bị phanh phui. Trong khi chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng về nguồn gốc sản phẩm độc, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội thẳng thắn: "Thử đặt câu hỏi, qua rất nhiều khâu kiểm duyệt, tại sao "sản phẩm bẩn" vẫn được tuồn vào Việt Nam ồ ạt như vậy?Từ lợn siêu nạc, thuốc cam nhiễm chì, ô mai bẩn, giờ lại thêm rau cải thảo sử dụng "chất ướp xác"… cơ quan kiểm định ở đâu mà vẫn để vấn nạn này "tác oai tác quái"?. Thỉnh thoảng lại thấy báo đài nói về thịt thối, rau bẩn… người dân nghe mà "giật mình thon thót". Quyền lợi người tiêu dùng đang bị "phó mặc" và vi phạm một cách "khủng khiếp". Điều này khiến người dân hoang mang. Các cơ quan chức năng không nên chờ có thông tin từ báo chí mới rục rịch đi kiểm tra. Việc này đáng lẽ cần phải làm trước, nhất là các mặt hàng ăn uống, dịch vụ ảnh hưởng đến sinh mạng người dân". Ông Phú phân tích: "Hiện giờ, cơ quan chức năng vừa không có người, vừa không có kĩ thuật, lại không có nguồn thu nên chỉ chạy theo các sự việc báo chí "khui" ra. Với cách làm này thì cơ quan chức năng sẽ luôn bị động và chỉ quản lý được phần ngọn vì cứ chạy theo hết sự việc này đến sự việc khác". |
Vương Hà- Anh Đức