Những hé lộ của một ông bầu đang làm chấn động bóng đá Việt Nam. Theo đó, 4 trên 10 đội bóng trực thuộc doanh nghiệp đang bị rao bán và bán không được thì có nguy cơ phải giải thể. Nếu mùa giải mới bắt đầu đúng hẹn, thì V-League chỉ có 12 đội và hạng Nhất là 11 đội đáp ứng được điều kiện tham dự. Tổng giám đốc SLNA đã phải kêu trời, kiến nghị VFF xem xét tạm dừng giải VĐQG để cứu bóng đá Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ phát triển bong bóng, đánh đu cùng những giá trị ảo, nền bóng đá nước nhà thực sự đang bước vào những tháng ngày bi đát nhất.
Bầu Thụy vẫn đang bị đồn sẽ nhượng lại SG.XT trong khi bầu Kiên thì đã bị bắt tạm giam
Các ông bầu đua nhau dọa tháo chạy
Những ngày qua, làng bóng đá Việt Nam "nóng rẫy" bởi thông tin Ngân hàng Bắc Á đe dọa thoái vốn khỏi Sông Lam Nghệ An. Nhưng trong lúc cuộc làm việc giữa nhà tài trợ này và UBND tỉnh Nghệ An còn chưa diễn ra, thì chính những người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ đang phải tự an ủi rằng đội bóng quê hương mình không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình cảnh bi đát tài chính và mù mịt về tương lai. Nói thẳng ra, chuyện các doanh nghiệp, các ông bầu manh nha tháo chạy, bỏ lại cuộc chơi bóng đá hao tiền tốn của phía sau lưng không phải là trường hợp đơn lẻ (như trường hợp Ngân hàng Bắc Á nữa) mà đã trở thành hiện tượng lan tràn.
Điểm qua V-League, có thể thấy nỗi bất an tiềm ẩn ở hàng loạt đội bóng trước đây vẫn được gọi là "đại gia", "thiếu gia" nhờ thói quen vung tiền mua sắm, trả lương cao vô tội vạ. Ở Sài Gòn, người hâm mộ đã quá quen với thông tin Navibank Sài Gòn có thể sẽ bán lại đội bóng trong nay mai. Không phủ nhận, nhưng luôn trong tình trạng "mất tích", lãnh đạo Navibank Sài Gòn như thể "tiếp tay" cho những tin đồn tiêu cực ngày một lan rộng.
"Sốc" nhất, có lẽ là công văn trả lời VFF về tình trạng "một ông chủ nhiều đội bóng" của bầu Hiển. Ông chủ nổi tiếng căn cơ và có ảnh hưởng sâu rộng trong làng bóng đá Việt Nam này đã nói thẳng rằng ông không vi phạm quy định của VFF, nhưng sẽ xem xét thoái vốn khỏi hai đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, đồng thời rút chân luôn khỏi địa hạt bóng đá. Im ắng hơn và cũng chưa thể hiện bằng văn bản công khai như bầu Hiển, song bầu Thụy, ông chủ của Sài Gòn Xuân Thành cũng đã bóng gió nói đến khả năng tìm "bà đỡ" mới cho CLB của mình.
Nếu ai đó quan tâm đến phát biểu về số lượng CLB có thể tham dự V-League và hạng Nhất mùa tới của ông bầu một đội bóng (vừa nhắc đến ở trên), thì sau khi chứng kiến thực trạng đang diễn ra, họ có thể sẽ thấy nó thậm chí chưa phản ánh tận cùng thực trạng của vấn đề. Lúc này, không chỉ bầu Hiển, bầu Thụỵ, Ngân hàng Bắc Á, Navibank, mà ngay cả ông bầu có thâm niên 7 năm đầu tư bóng đá Hoàng Mạnh Trường cũng chưa chắc tiếp tục cuộc chơi.
Nó có nghĩa, ít nhất 6/14 đội bóng dự V-League, trực thuộc doanh nghiệp hoặc liên quan đến doanh nghiệp, đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí giải thể. Điều đó khẳng định, chuyện SLNA lao đao vì nhà tài trợ Bắc Á không đơn thuần là chuyện nội bộ của bóng đá xứ Nghệ nữa. Cả nền bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng và đáng nói hơn, khi cuộc khủng hoảng này vẫn chưa có dấu hiệu "chạm đáy".
Bầu Hiển tuyên bố muốn rút lui khỏi bóng đá Việt Nam
Khi BĐVN như "người khổng lồ, chân đất sét"
Sự ra đời của VPF trong mùa giải vừa qua được đánh giá là tín hiệu tích cực để hướng bóng đá Việt Nam cấp độ CLB hướng dần đến sự phát triển lành mạnh. Việc xúc tiến hợp tác cùng J-League, giải VĐQG thành công nhất châu Á, có thể coi là bước đi đúng đắn trong nỗ lực khắc phục những bất cập như giá chuyển nhượng, lương, thưởng dành cho cầu thủ cao đến phi lý, đồng thời xây dựng mô hình hoạt động thực sự chuyên nghiệp giúp các CLB tự nuôi sống bản thân mình. Nhưng đáng tiếc là khi sự hợp tác giữa hai bên mới chỉ ở giai đoạn đầu, thì bóng đá Việt Nam đã đứng trước nguy cơ tự đổ vỡ bởi những hệ lụy từ thời gian dài đánh đu cùng những giá trị "ảo".
Đối tác J-League có thể nhiệt tình, song họ cũng chẳng thể giúp các đội bóng Việt Nam "lột xác" chỉ sau thời gian ngắn. Sự thực, 100% đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam hiện giờ không thể dùng doanh thu từ bóng đá (gồm tiền thưởng thành tích, bản quyền truyền hình, bán vé, hoạt động thương mại) để tự nuôi sống mình, khi thực tế nguồn thu này quá nhỏ và manh mún.
Trong khi đó, như bầu Hiển từng than vãn khi hé lộ ý định trao lại đội trẻ Đà Nẵng cho thành phố, thì kinh phí duy trì đội hạng Nhất này mùa giải vừa qua lên đến 40 tỷ đồng. Con số ấy, theo những thống kê chưa được kiểm chứng cụ thể, thường phải đội lên gấp đôi với các CLB dự V-League. Điều này cũng có nghĩa, 14 CLB chuyên nghiệp hiện nay có thể ngốn hàng nghìn tỷ đồng mỗi mùa, khoản bội chi thực sự kinh khủng trong bối cảnh doanh nghiệp chịu tác động lớn từ khủng hoảng kinh tế.
Từ thực trạng này, có thể hiểu tại sao khi các ông bầu "sổ mũi, hắt hơi", hàng loạt CLB lập tức lao đao, thậm chí đứng trước nguy cơ xóa sổ. Bản thân Tổng giám đốc SLNA Nguyễn Hồng Thanh đã phải kêu gọi: "VFF có trách nhiệm báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chính phủ để tìm ra hướng giải cứu bóng đá Việt Nam. Nếu cần thiết, nên hoãn mùa giải mới lại để các CLB, các doanh nghiệp lấy lại sức".
Kiến nghị của ông Thanh, như một chuyên gia nhận định là "sự phản ánh chân thực nhất nhưng cũng rất đau lòng về hiện trạng khủng hoảng của nền bóng đá Việt Nam". Hiện chưa rõ, VFF sẽ xử lý tình huống nan giải như thế nào? Nhưng ai cũng hiểu, giai đoạn khủng hoảng này chính là thử thách khó vượt qua nhất của bóng đá Việt Nam. Dù đâu đó, người ta đã thấy thấp thoáng ý kiến về một cuộc cách mạng, nhằm đưa nền bóng đá nước nhà trở lại giá trị thực.
Cả CLB bóng đá Hà Nội cũng chưa rõ tương lai Thời điểm này, tương lai của CLB bóng đá Hà Nội cũng được dư luận trong làng bóng coi là chủ đề "nhạy cảm". Bầu Kiên, ông chủ thực sự của đội bóng đã vướng vòng lao lý. Việc quản lý đội bóng hiện vẫn được dàn xếp ổn thỏa, khi có sự can thiệp của bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên). Lương, thưởng của các cầu thủ CLB bóng đá Hà Nội nhờ thế đã được thanh toán đầy đủ. Nhưng về lâu dài, chuyện bà Đặng Ngọc Lan có tiếp tục duy trì đội bóng, nếu bầu Kiên gặp bất trắc, sẽ là dấu hỏi lớn. Nên nhớ, bà Lan trong suốt chục năm làm bóng đá của bầu Kiên chưa bao giờ được coi là người có chung niềm đam mê với chồng. |
Khánh Vân