Chuyện BOT giao thông đang nóng rẫy: Điểm tránh Cai Lậy thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang mấy chục anh lái xe dùng tiền lẻ trả phí đường BOT gây tắc nghẽn giao thông; phía đầu tư và quản lý BOT có văn bản đề nghị không cho dùng tiền lẻ mua phí đường BOT; vài cơ quan ngôn luận lên tiếng xử lý hình sự mấy anh lái xe; ĐBQH bảo mấy anh lái xe dùng tiền lẻ mua phí là “có vấn đề về văn hoá ứng xử”; ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải về BOT...
Ông Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát ngôn: “Dân không thích thì không đi đường BOT”. Ông này đại diện cho dân có khác, bảo vệ quyền lựa chọn của dân.
Nhưng thưa ông, nhiều BOT đã tước quyền lựa chọn này của dân. Sâu xa hơn nữa, BOT đã chia các vùng miền ra nhiều đoạn.
Xin dẫn ra một số thí dụ:
Trạm BOT đặt giữa thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Người nửa thị trấn này sang nửa thị trấn kia phải trả phí BOT.
Trạm BOT Cai Lậy đang nóng vì chặn cả Quốc lộ 1 cũ để thu tiền.
Hành trình tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên 65km thu phí BOT 4 lần ở 3 trạm: Pháp Vân - Cầu Giẽ Nhà nước đầu tư, cho tư nhân sửa chữa, tráng nhựa để thu phí BOT như đường mới làm; Cầu Giẽ - Đồng Văn tráng nhựa trên Quốc lộ 1 có từ thời Pháp để thu phí BOT cũng như đường mới; cầu Yên Lệnh thu gộp cả BOT cầu và đường Vực Vòng - cầu Yên Lệnh. Người chỉ sử dụng cầu vẫn phải nộp phí cả hai.
...
Tóm lại thế này: BOT là cần thiết khi Nhà nước thiếu vốn. Nhưng một số BOT đã xây dựng xong mô hình: BOT là cái rọ, bộ Giao thông Vận tải, bộ Tài chính và chính quyền địa phương có BOT kết lại thành bờ xua dân vào rọ.
Nhóm lợi ích bao gồm: Nhà đầu tư BOT, một số quan chức bộ Giao thông Vận tải, bộ Tài chính và chính quyền nơi có BOT đã ăn cắp của Nhà nước và tước đoạt quyền lựa chọn của dân!
Trần Quang Vũ