Tháng 1/2017, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội (BRT 01 hay Hanoi BRT) đã được chính thức đưa vào khai thác. Tuyến BRT 01 nằm trên trục đường xuyên tâm đông đúc nhất của Hà Nội. Trục đường này có mật độ dân cư cao, mật độ chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại... khá dày đặc nên rất thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn.
Đây là tuyến giao thông công cộng hiện đại đầu tiên của Hà Nội được đưa vào khai thác nên các nhà quy hoạch kỳ vọng rằng tuyến xe buýt nhanh này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông hiệu quả.
Trước những ý kiến đánh giá dự án xe buýt nhanh BRT của Hà Nội đã thất bại và gây lãng phí, chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang (viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội) đã có nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân, hạn chế và các giải pháp khắc phục.
Theo số liệu của Transerco, lượng khách trên tuyến Hanoi BRT thấp nhất vào các ngày Chủ Nhật là 11.000 hành khách/ngày và lượng khách các ngày trong tuần ổn định khoảng 14.000-15.000 hành khách/ngày. Do vậy, có thể suy luận rằng lượng hành khách sử dụng BRT để đi làm, đi học vào các ngày làm việc trong tuần chỉ khoảng 4.000-5.000 hành khách/ngày, chiếm khoảng 30%; và 70% lượng khách còn lại sử dụng BRT cho các mục đích khác, không phải đi làm, đi học.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cho biết, qua những số liệu có thể thấy rằng, Hanoi BRT chưa đủ sức hấp dẫn để những người trong độ tuổi đi làm, đi học sử dụng xe buýt nhanh thay cho xe máy hàng ngày. So với các nước khác trên thế giới, năng lực vận chuyển của tuyến Hanoi BRT còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 10% so với năng lực vận chuyển BRT của thế giới. Như vậy, tiềm năng vận chuyển của tuyến BRT còn rất lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Việc đi lại của người dân sống trong phạm vi hành lang tuyến Hanoi BRT đã được mô phỏng, sử dụng mô hình GIS. Thời gian đi làm trung bình của người sử dụng xe buýt nhanh BRT được tính toán và so sánh với người sử dụng xe máy, với giả thiết rằng họ cùng ở và đi làm cùng địa điểm trong phạm vi bán kính 500m quanh các điểm dừng BRT.
Kết quả cho thấy: Với khu vực đầu tuyến, từ Yên Nghĩa đến Vạn Phúc, những người sử dụng xe máy mất khoảng 20-25 phút để đi làm thì những người sử dụng xe buýt nhanh phải mất khoảng hơn 40 phút; Với khu vực từ Vạn Phúc đến bến Kim Mã, trong khi những người sử dụng xe máy chỉ mất dưới 20 phút để đi làm thì những người sử dụng BRT phải mất khoảng 30 phút; khu vực quanh khu đô thị mới Văn Phú đến bến xe Yên Nghĩa có thời gian đi làm trung bình cao nhất, khoảng hơn 40 phút.
Phạm vi thực sự có ảnh hưởng của BRT còn khá hạn chế, chỉ trong khoảng 300m quanh các điểm dừng BRT. Những người sống hoặc đi làm ngoài phạm vi 300m này sẽ không sử dụng BRT do thời gian trung bình để đi làm quá khả năng chấp nhận được. Có thể đây là một trong những lý do giải thích tỉ lệ người trong độ tuổi lao động sử dụng BRT còn thấp.
Nguyên Mạnh