Đặc biệt, với người Khùa, phần hồn quan trọng hơn phần xác. Họ cho rằng, con người chết đi, lý trí được thăng hoa lên cõi trời để định đoạt đường đi của trần gian. Chính vì thế nên đây là tộc người duy nhất làm đám cưới cho cả những người đã khuất.
Bí ẩn về con "ma" của người Khùa
Đến vùng núi cao Quảng Bình, không khó để nhận ra nhà sàn của người Khùa vì nhà ai cũng có bậc cửa vào ra để thờ...ma. "Ma" của những người Vân Kiều ở khu vực này cũng có những điểm rất lạ lùng. Nó làm cho người ta sợ nhưng cũng làm cho người ta có cảm hứng kể chuyện, làm cho người Khùa biết hát, làm cho người Khùa biết uống rượu, làm cho người Khùa biết sinh tồn.
Đàm cưới của một cặp tình nhân trẻ.
Người Khùa có thế giới quan của mình là ma, dường như văn hóa của họ đang còn rất hạn chế nên mọi thứ không lý giải được bằng hiện thực cuộc sống mà họ hồn nhiên gọi đó là ma. Ma thuốc, ma khói, ma lạnh, ma nóng, ma lửa.
Để hài hòa các loài ma mà tổ tiên người Khùa đã định, một nhạc cụ có tên khèn Tà riềng được sáng tạo ra để cả tộc người tin vào đó như một vị thần tối thượng, điều tiết mọi ngõ ngách tâm hồn con người biết ứng xử bình tĩnh, tự tin trước “ma”.
Tà riềng (một loại nhạc cụ) làm từ cây lồ ô nhỏ của vùng núi cao nhất bản, thanh âm trong vắt dễ ru ngủ linh hồn ma phiêu bạt về trú ngụ trong từng căn nhà, phù trợ cho mỗi tâm hồn tai qua nạn khỏi, hòa bình cho mọi tộc người.
Thế giới quan mộc mạc nhưng rất nhân văn, bởi họ nghĩ đến con người, đến hòa bình. Có lẽ cũng chính từ đó mà mọi thành quả lao động, chăn nuôi, trồng trọt, người Khùa dùng chủ yếu vào cúng bái lễ tục hơn là mưu sinh. Từ những quan điểm về cuộc sống hậu trần gian như thế nên họ có những phong tục độc nhất vô nhị.
"Ở xã ta, cặp vợ chồng nào cũng làm ba đám cưới thật to để chứng minh tình yêu đôi lứa, cũng như đánh dấu những cột mốc trong cuộc đời. Có người khi còn sống quá khó khăn nên không tổ chức được đám cưới cuối cùng trong cuộc đời mình. Sau đó, con cái của họ lớn lên, ăn nên làm ra thì tổ chức đám cưới ma cho cha mẹ. Bất cứ ai, đã là người Khùa thì chắc chắn phải có ba cái đám cưới, dù còn sống hay đã chết", ông Hồ Tuân, chủ tịch UBND xã Dân Hóa chia sẻ.
"Cướp vợ"
Ở huyện miền núi Minh Hóa, người Khùa vẫn truyền tai nhau những lời hát, những câu chuyện đẹp đẽ về tình yêu đôi lứa. Họ yêu nhau bên dòng suối trong lành, có sự chứng dám của những đồi lau trắng muốt, các đôi trai gái thề nguyền bên nhau. Khi đã có sự thống nhất của cả hai bên nam nữ, tục bắt vợ mới được thực hiện.
Ngày bắt vợ diễn ra êm đềm nhưng tràn đầy hạnh phúc của đôi trẻ. Đang đêm, họ nhà trai đến đập mạnh vào chân cầu thang nhà sàn, bố mẹ cô gái ra cửa canh. Ông cậu của chàng trai đưa vào một thanh kiếm, một con gà và một hũ rượu làm lễ. Bố mẹ vợ giả vờ ngồi uống rượu say sưa với ông cậu. Nhân cơ hội này, chàng trai rón rén vào phòng đưa cô gái về nhà làm vợ.
Khi mọi sự đã rồi, một tuần sau, chàng trai đưa cô dâu về lại bố mẹ vợ làm lễ cơm thưa trình thành con rể. Để thể hiện bản lĩnh cũng như khả năng làm chồng của mình, chàng rể ở lại một ngày, đốn củi đầy bếp mới về như cái ơn bố mẹ đã sinh ra người vợ cho mình.
Đến bản Hà Vy, xã Dân Hóa, thấy chúng tôi có vẻ tò mò về một đám cưới của cặp trai gái trong bản, ông Hồ Tuân (anh trai cô dâu) phân trần: "Chúng nó yêu nhau được gần 2 năm rồi, đẹp đôi nhất của xã mình đấy. Dù đã quen với tục cướp vợ nhưng đêm hôm trước, khi nghe tiếng đạp cột của nhà trai, cả nhà gái giật mình vì người ta đến hơi muộn. Hôm nay tổ chức đám cưới, cả nhà ai cũng mừng, cái bụng của thằng rể này tốt lắm, nó thương con Trang (cô dâu - PV) thật mà. Cướp được vợ rồi, ngày hôm sau người con trai làm một cái lễ gồm 4 con gà, một mâm cơm, một hũ rượu cần tới nhà bố mẹ vợ tạ tội, coi như lễ cưới đầu. Về ở với nhau rồi, khi nào có điều kiện thì tổ chức lễ cưới thứ hai."
Hồ Phòm, người được cho là thông thái nhất của bản Hà Vy (Dân Hóa) xa xôi trên núi Mù Bui, cho biết: "Làm người đàn ông Khùa mà không cưới được ba lần cho đời vợ thủy chung là không phải trai tráng rồi. Dù có tốn kém đến đâu thì cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cuộc đời mình nếu không muốn làm phiền đến con cái sau này. Đó là tục lệ của cha ông, đã là người Khùa thì không bao giờ được bỏ. Sau khi đã đến được với nhau, hai vợ chồng về sinh sống làm ăn, sinh con đẻ cái. Đến khi cả hai đều đã qua tuổi 40, họ dồn của cải làm lụng, chắt góp được để tổ chức lễ cưới lần thứ hai. Lễ cưới lần này, lễ vật nhất thiết phải có một con heo, một con bò để mổ thịt mời cả bản cùng chung vui. Đám cưới này là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự thành công trong cuộc sống của mỗi gia đình người Khùa."
Chuyện “đám cưới ma”
Lễ cưới thứ ba mới là lễ cưới quan trọng nhất trong đời. Lễ vật lúc đó phải gấp đôi lễ vật của lễ cưới lần hai, tức là phải hai con heo, hai con bò, hàng chục hũ rượu cần. Người Khùa mới chính thức thành vợ, thành chồng sau lễ cưới này, khi cả làng đã được ăn thịt heo, thịt bò và uống rượu cần thỏa thích.
Vợ chồng ông Hồ Phòm đang kể về "đám cưới ma".
Đám cưới đó thể hiện uy lực của bản lĩnh người Khùa khi quanh họ có con đàn, cháu đống về bên sân nhà sàn, bưng đầy từng chén rượu, từng cái áo truyền thống đính dày các đồng bạc quanh cổ áo. Heo được mổ, bò được cột bên nhà sàn chờ thịt, gạo nếp, khách khứa vào ra ăn uống tấp nập. Đám cưới tốn kém nhưng đó là phong tục phải làm. Một người già ở bản La Trọng (Trọng Hóa) tỏ ra tự hào: “Tao năm nay đã gần 80 rồi, mới cưới xong năm ngoái đây thôi. Ôi dào, vui thì vui đấy nhưng tốn kém lắm, dù thế nào cũng phải giữ gìn phong tục của cha ông”.
Cũng vì quá tốn nên phong tục này cũng đã gây ra nhiều điều nghiệt ngã cho người dân ở đây. Nhiều người Khùa lớn tuổi nhưng vì quá nghèo đã không thể thực hiện được cái đám cưới quan trọng nhất nên đành bỏ dở. Họ chết đi, con trai trưởng phải gánh vác trọng trách làm đám cưới cho ba mẹ. Người Khùa gọi đó là đám cưới ma. Đấy là cách thể hiện đạo hiếu trong sâu thẳm tâm linh người Khùa gửi gắm vào niềm tin ở thế giới khác.
Hồ Phòm nói: “Người Khùa không thể bỏ đám cưới ma được, chết rồi cũng có thương có nhớ. Con cháu phải làm đám cưới ma, không làm không phải con cháu người Khùa. Lúc này, con trai trưởng đứng ra chủ lễ đám cưới ma, đó là đám cưới linh thiêng nhất của mỗi gia đình người Khùa chúng ta”.
Bàn về vấn đề này, ông Hồ Tuân (chủ tịch UBND xã Dân Hóa) cho biết: "Người Khùa họ còn nhiều khó khăn lắm nhưng vì tục lệ nên không bỏ được. 100% các cặp vợ chồng người Khùa đều phải làm đủ ba lần đám cưới. Khó khăn thì chuyển sang thế hệ con cháu, họ làm đám cưới ma để thể hiện đạo hiếu đối với thân sinh của mình”.
Bên cạnh những nét văn hóa về tục lệ “đám cưới ma” của người Khùa ở huyện Minh Hóa, đây còn là gánh nặng kinh tế cho nhiều người dân nghèo truyền từ đời này sang đời khác. Rất mong các cấp chính quyền vào cuộc, vận động người dân xóa bỏ tục lệ cổ xưa - tục lệ đã gây ra nhiều khốn khó cho người Khùa.
Hồ Ngọc