Ngày đầu tiên, hai vợ chồng cùng đi làm, đứa con gái 4 tuổi gửi nhà trẻ. Thường lệ, Thảo là người đón bé. Giờ, chúng tôi giao hẹn: “Ai rảnh thì đưa đón con”.
Sáng hôm đó, chồng tôi lãnh nhiệm vụ đưa con gái đi nhà trẻ, chiều thì tôi đón. Nhưng công việc cứ cuốn tôi đi hết khảo sát thực tế đến gặp gỡ khách hàng nên quên khuấy việc đón con.
Gần 7h chồng tôi gọi: “Em đón con chưa?”. Tôi sực nhớ ra, cuống cuồng chạy đến trường mẫu giáo, chẳng thấy con gái đâu. Bảo vệ trường cho biết: không còn bé nào ở trường.
Vì thói quen lệ thuộc vào ôsin nên khi ôsin vắng nhà mọi chuyện bị đảo lộn hết lên
Tôi hoảng hốt gọi cho chồng, anh gắt: “Chờ cô đến đón chắc con bé ngất vì đói và sợ”. Biết chồng đã đón con, tôi vội về nhà. Vừa mở cửa, chồng tôi đã chắn ngay lối vào với nét mặt giận dữ. Không kịp để tôi thanh minh, anh la lớn: “Cô ở đâu, làm gì mà gọi điện không được?
Tôi đã nói chiều cô ghé đón con, mà cô làm gì để con chờ khóc khan cả tiếng. Bảo mẫu gọi cho cô cũng không được. Tôi đã phải bỏ buổi tiếp khách, bỏ cái hợp đồng để đón con. Làm mẹ như vậy coi được sao?”.
Biết mình có lỗi nên tôi xuống nước: “Em... em bận quá mà điện thoại lại hết pin”. Chồng tôi gầm lên: “Việc gì quan trọng hơn con? Đàn bà gì mà nội trợ chẳng biết, cả việc chăm con cũng giao cho người giúp việc. Tối ngày chúi mũi vào công việc, hết kế hoạch này rồi đến kế hoạch khác. Cô dọn vô trong công ty ở luôn đi”.
Chạm tự ái, tôi cũng xù lên: “Vậy anh là người chồng, người cha thế nào? Một tuần anh ăn được mấy bữa cơm nhà? Tiếp khách này, khách kia, khuya lắc khuya lơ mới về. Giờ còn lên giọng ta đây”.
Sau trận khẩu chiến là chiến tranh lạnh, nhưng hôm sau, chẳng ai im lặng được. Anh réo: “Cái quần tây đen và cà vạt màu xanh của anh đâu? Hôm nay anh phải họp”. Tôi thì lúng ta lung túng khi sáng mở mắt ra là lo sửa soạn quần áo, cặp sách cho con; lại phải ủi đồ cho chồng, cho mình. Chiều còn phải lăn vào bếp nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp nhà, giặt giũ...
Làm không xuể, tôi cáu kỉnh: “Đi làm thì thôi, về nhà là anh chúi đầu vào game, xem tivi, chẳng thèm chơi với con hay giúp gì cho vợ. Em có phải là đầy tớ của nhà này đâu?”. Chồng tôi phản pháo: “Có khối người giỏi việc bên ngoài nhưng vẫn đảm việc nhà. Em nghĩ lại xem, mình cũng là phụ nữ mà sao không quán xuyến việc nhà được?”.
Vậy là vợ chồng lại giận hờn, gây gổ. Thế nhưng sau đó, dường như cả hai chúng tôi cũng phần nào nhận ra những khuyết điểm mà bấy lâu nay mình không để ý...
Nếu cô bé giúp việc không vắng nhà, có lẽ tôi và anh khó mà thấy được sự thiếu sót của bản thân đối với gia đình, cũng không có cơ hội để điều chỉnh.
YHM