Ca sĩ Đồng Lan tự sự về mối tình đầu dang dở

Ca sĩ Đồng Lan tự sự về mối tình đầu dang dở

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Yêu tới cùng kiệt là sự cô đơn, tự ví mình như một khu vườn hoang dại, sống hết mình với những ngày tháng đam mê và hát cho tới giọt máu cuối cùng, đó là cách Đồng Lan tự định nghĩa về mình.

Học cách từ bỏ để tìm cho mình một hướng đi mới

Cách đây hai năm, khi lần đầu tiên bước chân vào Sài Gòn, tôi hẹn đến nhà một người bạn chơi. Bấm chuông, lúc sau một cái đầu xù thò ra cười rất tươi tắn. Lúc ấy, tôi nào có biết con người đang đứng trước mặt mình lại là một ca sĩ, thậm chí một ca sĩ đã có tiếng ở Sài Gòn.

Lan ăn mặc khá giản dị, ngồi cười nói tía lia mặc dù giọng đang khản đặc vì bị cảm. Ngồi chơi đến tối thì Lan vào chào tạm biệt để đi diễn, tôi ngạc nhiên vì chị gần như lột xác, trông thực sự quyến rũ và rất đàn bà. Đến khi ngồi nghe nhạc chị hát lại càng ngạc nhiên hơn nữa, tiếng ca như rút ruột ra, trôi từ một miền thẳm sâu nào đó, có phần u buồn. Những bản nhạc Pháp của chị thì tính phiêu và thổn thức cứ hun hút người nghe để cùng đau, cùng vui buồn, cùng hạnh phúc. Tôi đâm ra nghiện chị, nói với Lan, Lan chỉ cười: "Chào một "nạn nhân" nữa đến với vườn hoang".

Có thời gian, chị lại ngồi đàn, hát cho bạn bè nghe. Trong khu chung cư cũ, tiếng hát cứ lặng lẽ len qua từng chấn song cửa sắt, người ta nghe và biết Lan “điên” đang hát và đang phiêu. Cũng chẳng có ai phiền lòng vì những tiếng hát có phần ngẫu hứng của chị, kể cả lúc đêm khuya. Bẵng một thời gian, đột ngột thấy Lan trên sân khấu The Voice, người ta nhắc nhiều đến cái tên Đồng Lan. Nhắn tin hỏi chị, chị vẫn cười toe toét trong điện thoại rồi nhủ: "Lúc nào rảnh sang vườn chị nghe hát nha".

Xã hội - Ca sĩ Đồng Lan tự sự về mối tình đầu dang dở

Làm cô nuôi dạy trẻ được một thời gian, đi học tiếp sư phạm 1 rồi lại đột ngột rẽ hướng sang làm biên tập viên chuyên viết kịch bản cho các chương trình dành cho thiếu nhi. Bạn bè, người thân vẫn chưa kịp hoàn hồn thì Lan lại đột ngột tuyên bố vào nam lập nghiệp bằng nghiệp hát.

Với Lan, âm nhạc thực sự là một trong những điều kì diệu và khó hiểu nhất, khi đã yêu rồi thì không cách nào gỡ ra được và Lan bắt đầu tin vào duyên, đã là duyên thì chẳng thể tránh. Có mạo hiểm không khi từ bỏ tất cả để chỉ hát? Cho đến giờ hỏi lại việc từ bỏ một công việc được đào tạo bài bản và cũng yêu thích như vậy có tiếc nuối không? Lan chỉ cười: "Cuộc đời con người cũng như một dòng sông, có lúc này lúc khác. Ở mỗi thời điểm đều chính là con người của Đồng Lan. Ca hát là một màu sắc đặc biệt, làm cô giáo hay biên tập cũng thế. Nhưng mình không thể tham cùng một lúc nhiều việc được. Quan trọng là phải biết học cách từ bỏ để lựa chọn cho mình một hướng đi mới".

Cái duyên nghề đột ngột rẽ ngang khi một lần, trong chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung do CLB guitar Lê-Nguyễn-Trần tổ chức ở nhà VH Thanh Niên- Hà Nội. Hôm đó, chị mặc một chiếc váy xanh lá cây, rụt rè ôm đàn say mê hát một ca khúc của nhạc sĩ Tuấn Khanh- "Chiếc lá đầu tiên” và không ngờ ca khúc đầu tiên này được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả, cổ vũ nóng cả khán đài với những tiếng hò reo và pháo tay khen ngợi. Đến bây giờ, Lan vẫn giữ lại file nhạc đó, lâu lâu lôi ra xem như một động lực.

Tôi nhớ có lần hỏi chị một câu ngớ ngẩn: “Tại sao chị lại hát?”. Lan chỉ cười rồi nhét cái máy nghe nhạc vào tai tôi, bắt nghe. Chiếc lá đầu tiên đã đưa Lan tới sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp, bởi sau đó Lan được nghệ sĩ guitar Lê Hùng Phong giới thiệu tới ban nhạc Lãng Du và mọi thứ bắt đầu... Lan luôn nhắc biết ơn 2 người thầy, người bạn đã thay nhau giúp đỡ, chỉ dẫn cho Lan trong những ngày đầu tiên. Nghệ sĩ guitar Lê Hùng Phong và Trần Việt Anh (trưởng ban nhạc Lãng Du).

Một quyết định xê dịch lớn. Rời Hà Nội, Lan vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, một mình, không tiếng tăm, không nhiều mối quan hệ, tất cả phải dò dẫm lại từ đầu. Chị thú nhận thời gian đầu như bị lạc lõng giữa thành phố lạ: Từ hương vị món ăn, cách sinh hoạt, trò chuyện và ứng xử, phải thay đổi rất nhiều thói quen. Nhớ nhà, nhớ những người bạn thân, thèm cà phê bên góc hồ quen, thèm cảm giác hơi lạnh phả vào mặt lạnh tái, rụt cổ, tay cắm vào túi áo xuýt xoa, thèm được lạnh cóng đứng ăn kem Tràng Tiền,...

Thời gian khi còn ở Hà Nội, Lan hát nhiều thể loại nhạc. Năm 2008, Lan giành được giải nhất trong cuộc thi hát tiếng Pháp toàn miền Bắc với ca khúc La vi en rose ( cuộc đời màu hồng). Từ đó, Lan hát nhạc Pháp nhiều hơn. Mang theo duyên với nhạc Pháp vào Sài Gòn, những bản tình ca Pháp đưa giọng hát Đồng Lan chạm tới tâm hồn khán giả. Với chất giọng lạ, cô ca sĩ nhỏ nhắn đất Bắc này đã chinh phục khán giả bằng sự tươi mới, phiêu linh rất duyên dáng, tự nhiên, nồng nhiệt từ giọng hát tới phong cách biểu diễn. Mỗi lần đứng trên sân khấu, bất kể lớn nhỏ, nhiều hay ít khán giả Lan đều cháy hết mình, cháy trong từng câu chữ, từng khúc hát. Lan lên sân khấu cứ như lên đồng nên bạn bè thường hay trêu chọc là Lan Đồng. Cái tên Đồng Lan cứ thế dần định hình trong lòng khán giả

Xã hội - Ca sĩ Đồng Lan tự sự về mối tình đầu dang dở (Hình 2).

Đồng Lan cá tính ở ngoài đời

Tình yêu với âm nhạc vẫn là mối tình thủy chung nhất

Sinh ra ở Hải Dương, trong một gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng với chị, bố lại là người nghệ sĩ vĩ đại nhất. Ảnh hưởng của mẹ tính kiên cường, bố cho một trái tim nhạy cảm mà nhiều lúc thành đa đoan. Cô bé Đồng Lan yêu ca hát từ những ngày bập bẹ học nói. Cứ nghe đâu có giai điệu là hát là nhún nhảy ngúc ngoắc theo. Có những tối, cả nhà quây quần bên nhau. Bố thổi sáo, anh chơi ghita, mẹ và các em nghêu ngao hát phụ họa ngẫu hứng. Lan tâm sự, có lẽ đó là ước mơ lớn mà trong cuộc đời chị hay bất kì người đàn bà nào khác cũng phải hướng tới: Một gia đình hạnh phúc và những đứa con ngoan.

Ngoài hai mươi tuổi, Lan mới chịu biết yêu lần đầu. Những kỉ niệm tình đầu trong sáng và tròn đầy, đến giờ vẫn mỉm cười khi nhớ lại. Yêu theo kiểu trẻ con, lãng mạn và nhẹ nhàng, thậm chí hơi sến. Lần giận hờn lâu nhất của hai người kết thúc bằng việc chàng gọi điện thều thào hát bức thư tình đầu tiên cho nàng nghe. Rồi những buổi trốn học ra bãi sông Hồng, nắm tay nhau chạy qua những luống cây đào ươm tết, hoa lộc lún phún, cùng nhau khiêu vũ trên cát,... có thời gian, chàng lại ngồi ôm đàn cho nàng hát. Từ những bản tình ca lãng mạn cho tới những ca khúc thiếu nhi đáng yêu. Tình đầu không bền nhưng đẹp, đẹp vẹn nguyên.

Trải qua hơn một lần yêu, hơn một lần đổ vỡ, Đồng Lan hiểu cái giá của hạnh phúc. Đã có thời sau khi chia tay, Lan lâm vào tình trạng mệt mỏi, mất dần niềm tin, thậm chí sợ yêu. May nhờ còn có đam mê giúp nguôi ngoai và cân bằng lại, Lan hiểu rằng chính những nỗi đau là người thầy tốt nhất, chỉ có bao dung, làm mọi thứ dịu nhẹ mới giúp lòng thanh thản, đừng hoài đổ lỗi cho họ, lỗi chính là do bản thân đã đặt quá nhiều kỳ vọng. Đó cũng là lý do tự tạo bi kịch cho mình.

Tình yêu lớn của chị giờ không gắn với đích danh một ai, là tất cả những gì Lan yêu quý trong cuộc sống: Một công việc để đam mê, những người bạn tri kỉ, có những thú vui (du lich, chụp ảnh, tụ tập bạn bè, xem phim, nấu nướng, vẽ tranh, khiêu vũ, sáng tác thơ, nhạc, học những nhạc cụ mà mình chưa biết chơi, làm đồ da tặng bạn bè...) có bao thứ Lan ham muốn mà chưa biết, chưa thỏa chờ mình thực hiện. Lan sợ phải giam mình với một tình yêu duy nhất với một ai đó. Hãy cứ để hình bóng ấy là hơn một tình yêu như vậy tình yêu sẽ bớt nặng nề và được nhẹ bay lên. Cái gì tới rồi sẽ tới, đừng phí sức chơi trò đuổi bắt, giữ sức để làm những điều tốt đẹp, ý nghĩa.

Gia Lê


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.