Tôi đến gặp ca sĩ Thùy Dung khi chị đang bận rộn với lớp học thanh nhạc của các em nhỏ từ 7 - 11 tuổi tại trường nghệ thuật Seedlink. Cũng với chiếc đàn Piano, chị đang đệm nhạc cho các em nhỏ tập một bài hát mới. Nhiều người thường thắc mắc rằng, vì sao Thùy Dung lại "nỡ" từ bỏ showbiz - một môi trường sôi động, náo nhiệt để về làm một cô giáo dạy nhạc. Nhưng có chứng kiến Thùy Dung cười, Thùy Dung nói và tâm huyết với các em học sinh nhỏ mới thấy rằng, chị đã thông minh khi tìm cho mình một lối đi riêng...
Thùy Dung hạnh phúc bên chồng
Làm cô giáo bận rộn hơn... đi hát
Thùy Dung nói với tôi, dù là cuối tuần nhưng chị không được nghỉ. Chị lên lớp từ 8h sáng đến 18h chiều. Trường nghệ thuật Seedlink là ngôi trường tư của Thùy Dung và chồng mở ra, dành cho những ai yêu nghệ thuật. Đối tượng của trường là những em bé từ 6 tuổi đến những cô, bác đã bước vào tuổi... 60. Tuy ngoài trời còn những cơn mưa nặng hạt nhưng các em nhỏ vẫn đến lớp đông đủ. Ở trường Seedlink, chị đầu tư để dạy các môn nghệ thuật như: Thanh nhạc, Piano, múa, vẽ và tiếng Anh... những môn này không những giúp các em phát triển năng khiếu mà còn giúp học sinh phát triển tư duy, trí thông minh.
Trụ sở trường nghệ thuật Seedlink của ca sĩ Thùy Dung chính là nhà của chị tại một ngõ nhỏ phố Xã Đàn, Hà Nội. 5 tầng dưới được dùng làm nơi dạy nghệ thuật cho các bé và học viên, gia đình Thùy Dung ở 2 tầng 6 và 7. Khởi động từ tháng 1/2010, đến nay, trường đã có nhiều lớp học sinh đủ các lứa tuổi, mô hình trường nghệ thuật của ca sĩ Thùy Dung rất quy củ và thân thiện. Hàng năm cô ca sĩ xinh đẹp ấy còn tổ chức tổng kết năm học cho các bé học tại trường ở nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài việc giảng dạy tại khoa Thanh nhạc ở học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì trường Seedlink chính là niềm đam mê của Thùy Dung.
Học sinh của ca sĩ Thùy Dung vừa đoạt giải nhất, nhì, ba của hai cuộc thi Festival Piano của TP. Hà Nội ngày 18/8/2013 và Cup Piano Club toàn quốc mở rộng ngày 20/8/2013 vừa qua. Thành tích này là động lực để ca sĩ Thùy Dung tận tụy hơn trong sự nghiệp trồng người. |
Hỏi Thùy Dung, chị có bao giờ nuối tiếc khi rời xa showbiz không, chị cho biết: "20 năm đứng trên sân khấu, tôi đã được rất nhiều. Bây giờ tôi vẫn sống trong âm nhạc nên tôi không hối tiếc mà thấy hạnh phúc với hiện tại: Có một gia đình êm ấm, một công việc yêu thích... Dù bận rộn, nhưng vợ chồng tôi vẫn rất lãng mạn. Sau giờ lên lớp, sau khi các con học bài, chồng và tôi thường đi dạo với nhau vào 21h tối".
Tiếp xúc với chị, người trò chuyện cũng vui lây khi khuôn mặt của Thùy Dung luôn toát lên vẻ hạnh phúc của một người đàn bà viên mãn. Theo Thuỳ Dung, 3 người con của chị cũng là học sinh của mẹ trong trường nghệ thuật Seedlink. Chị không chỉ dạy về chuyên môn mà Thùy Dung còn hướng cho các em học sinh những suy nghĩ thiện. Lúc tôi đến là lúc chị đang dạy cho các bé từ 7 - 11 tuổi bài hát "Mẹ yêu", không chỉ dạy chuyên môn mà chị còn giảng cho các em ý nghĩa của bài hát để hướng các em đến những suy nghĩ thiện tâm, nhân ái. "Nhiều hôm học bài hát mới, khi nói về ý nghĩa của bài hát, cả cô và trò đều sụt sùi nước mắt vì xúc động" - Thuỳ Dung kể.
Với mục đích mở trường nhạc để phổ cập âm nhạc đến với mọi người, vì thế "học sinh" của Thùy Dung có cả những cô, bác lớn tuổi và nhiều nhà ngoại giao cũng đến học. Học trò của chị thường tham gia cuộc thi như Festival Piano, thanh nhạc và thường đoạt giải cao. Thuỳ Dung bộc bạch: "Hai năm gần đây, học sinh trong lớp Piano của tôi đi thi Festival đều đoạt giải nhất. Nhiều em học sinh sau khi được học ở trường, đều thi đỗ vào khoa Thanh nhạc của các trường nghệ thuật như cao đẳng Nhạc họa TW, đại học Nghệ thuật Quân đội.... Khác biệt đầu tiên ở Seedlink là trường nói không với dạy tập thể ở những môn học như piano hay các nhạc cụ khác, mà chỉ một thầy, một trò”.
Chị cười nói với tôi: " Có người bảo tôi "dại" thế, sao không dạy lớp tập thể, một cô nhiều trò để đỡ kinh phí trả cho cô giáo. Nhưng tôi lại suy nghĩ khác, tôi muốn Seedlink là một ngôi trường nghệ thuật nghiêm túc và chất lượng. Bạn thử hình dung xem, trong thời lượng 1 tiếng (60 phút), 1 giáo viên dạy 10 học sinh thì thời gian dành cho mỗi em là bao nhiêu? Tôi đã đi dạy nhiều và kiểm chứng hiệu quả của việc học tập thể với học cá nhân đối với những bộ môn chuyên ngành này như thế nào và mô hình 1 thầy 1 trò trong 45 phút là lựa chọn tối ưu nhất. Với sự chuyên nghiệp đó, các em sẽ được học với chất lượng tốt nhất và được phát huy khả năng của mình nhiều nhất. Ngoài ra, Seedlink là một môi trường thân thiện, các em học sinh cũng chính là những người bạn của các cô giáo ở đây".
Hãnh diện vì chồng yêu chiều
Thùy Dung cho tôi biết, chị mở trường nhạc thời điểm này là hợp lý, có những cái đến tự nhiên với mình mà khi 25 tuổi hay 30 tuổi có muốn làm cũng không được. Với kinh nghiệm 23 năm đứng trên sân khấu, tốt nghiệp khoa Thanh nhạc và Piano, chị tự tin rằng, mình sẽ truyền đạt được những kiến thức âm nhạc, phong cách biểu diễn tốt nhất đến các học sinh của mình một cách đầy đủ nhất... Thùy Dung tâm sự: "Tôi may mắn khi người chồng rất hiểu và chiều mình. Tôi thấy hạnh phúc khi ở bên anh. Chồng chiều tôi đến mức, một mình anh đóng nhiều vai, vừa phải là bạn gái, là bạn trai, bạn thân, làm bồ và... chồng nữa...". Nhìn cách chị kể về chồng, về gia đình, tôi hiểu rằng, có lẽ sự lựa chọn của Thùy Dung là hoàn toàn đúng đắn, bởi một người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc là khi họ cảm nhận được tình yêu từ gia đình và công việc.
Hỏi chị, nếu một ngày nào đó, chị được mời tham gia làm giám khảo trên các chương trình truyền hình chị có nhận lời không? Thuỳ Dung cho biết: "Seedlink bây giờ là cuộc sống của tôi. Tôi khó mà rời xa được nó trong một thời gian dài để làm giám khảo các gameshow. Trong 3 năm thành lập, hè này tôi mới "dám" bỏ trường 10 ngày để cùng gia đình du lịch ở Đà Nẵng". Theo lý giải của chị, thì việc đi dạy ở học viện Âm nhạc có vẻ dễ chịu hơn việc mở trường tư, bởi dạy ở trường nghệ thuật thì phụ thuộc rất nhiều vào sự hài lòng của phụ huynh học sinh, các em phải thích học thì mới giữ được học sinh ở lại trường. Vì thế, sát sao với công việc ở trường nghệ thuật cũng là cách chị "nâng tầm" trường mình lên.
Hiện tại, ngoài dạy âm nhạc ở Học viện Âm nhạc và trường nghệ thuật Seedlink, thỉnh thoảng Thùy Dung có nhận lời mời đi diễn ở những chương trình yêu thích và làm việc với những nhạc sĩ đã từng gắn bó với chị. Như trong chương trình "Lênh đênh Hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng tại nhà hát Lớn năm 2012, chị đã làm khán giả rất xúc động với bài Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng khi hát cùng ca sĩ Phương Nga. Chị và ca sĩ Phương Nga với hai chất giọng khác nhau nhưng để lại cho khán giả sự thích thú. Thùy Dung kể lại, chị chính là người "đạo diễn" để bài hát Biển hát chiều nay có sự kết hợp thú vị như vậy. Mỗi người hát một nửa bài hát nhưng cảm xúc và âm hưởng lại liền mạch và sang trọng.
Tuy rời xa đời sống showbiz, nhưng Thùy Dung vẫn cập nhật những thông tin mới về đời sống âm nhạc hiện nay. Khi nói về các ca sĩ trẻ, Thùy Dung cho rằng, không nên quá khắt khe với các ca sĩ trẻ, bởi cái nghề này rất ngắn và quy luật đào thải rất khắc nghiệt, nếu có tài và bản lĩnh thì các ca sĩ sẽ đi tiếp nếu không, thì chỉ được vài năm sẽ... chìm. Thực tế, showbiz rất ngắn ngủi. Có một thực tế đáng buồn là dù nổi tiếng thế nào, đẳng cấp, danh hiệu nhiều bao nhiêu thì người đời vẫn hay gọi là "con ca sĩ". Dù khi nghe "con ca sĩ" hát, họ vẫn vỗ tay, vẫn hâm mộ. Trong khi những người làm nghề nghiêm túc cố gắng rất nhiều để chữ ca sĩ được nhắc đến trân trọng hơn thì có người lại làm tầm thường chữ ấy hơn nữa trong mắt khán giả. Thuỳ Dung nghe được một thống kê đâu đó là các ngôi sao nhạc pop trên thế giới có những màn trình diễn thiếu thẩm mỹ đều không xuất thân từ tầng lớp gia đình học thức... Có lẽ, với những suy nghĩ nghiêm túc với nghề, chị sẽ dạy cho những em học sinh của mình một kiến thức mới để nghiêm túc hơn trong cuộc sống, cho dù các em sau này có theo nghề ca hát hay không... |
Lạc Thành