"Bé quê" lọt mắt xanh "ông bầu"
Sau bao năm nghe Thanh Tuyền hát trong băng, đĩa khán giả cũng được gặp chị giữa Thủ đô vào tháng 12 năm nay. Thanh Tuyền xúc động: "Thanh Tuyền thực sự hạnh phúc khi được hát ở Nhà hát Lớn giữa Thủ đô, trái tim của cả nước. Đây là niềm mơ ước của Thanh Tuyền từ những năm còn trẻ, nay đã thỏa ước nguyện". Thời gian của ca sỹ Thanh Tuyền thật gấp gáp, chị sẽ trở lại Mỹ trước Giáng sinh, nên một cuộc hẹn để trò chuyện lâu là rất khó.
Ngược thời gian, Thanh Tuyền nhớ lại thời kỳ còn là cô bé Như Mai sinh sống và học tập ở xứ Đà Lạt sương mù. Cô bé được trời phú cho một giọng hát trong veo, tiếng hát ngân nga như giọng họa mi của miền cao nguyên Langbiang. Mẹ chị người Đà Nẵng, bố người Quảng Ngãi nhưng Như Mai được sinh ra ở Đà Lạt. Như Mai yêu ca hát, có khiếu về ca nhạc từ khi còn nhỏ.
Những buổi văn nghệ do trường tổ chức, gần như không bao giờ Như Mai vắng mặt. Cũng chính vì vậy mà khi mới được hơn 10 tuổi, dự thi giải "Thần Đồng" của Đà Lạt vào năm 1959 Như Mai đã đoạt giải nhất với nhạc phẩm "Nắng đẹp miền Nam". Từ đó giấc mộng trở thành ca sỹ nơi Như Mai càng lớn hơn.
Ca sĩ Thanh Tuyền
Ngày ấy, tại Sài Gòn có hãng đĩa nhạc Continental của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông nổi tiếng. Một lần tình cờ nghe tiếng hát của Thanh Tuyền trên radio, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã cho Mạnh Phát lên Đà Lạt tìm cô bé Như Mai. Mùa hè năm 1964, Như Mai về đến Sài Gòn và nhạc sỹ Mạnh Phát có dịp được nghe chị hát trong một buổi lễ phát phần thưởng do Trường Bùi Thị Xuân tổ chức ở hội trường Hòa Bình. Tại đây ông đã chú ý ngay đến giọng ca này, và đó cũng là người có công khám phá ra giọng hát trong số những giọng hát tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam sau này để giới thiệu với nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông. May mắn đến với Như Mai, hãng đĩa nhạc Continental của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông đã mời chị ký giao kèo độc quyền ngay sau khi chân ướt chân ráo từ Đà Lạt về.
Như Mai thật hạnh phúc trước lời đề nghị ấy. Và cô bé Như Mai còn may mắn hơn nữa khi được gia đình cô chấp thuận cho đi theo con đường ca hát, đúng như ước nguyện của cô. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại duy nhất là tuổi Như Mai khi đó còn quá nhỏ, nếu phải sống xa gia đình thật là một điều khó khăn. Cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết ổn thỏa bằng cách nhạc sỹ Mạnh Phát đề nghị với bố mẹ chị để nhận chị làm con nuôi, và đề nghị trên đã được bố mẹ cô bé chấp thuận.
"Cặp" với Chế Linh ru "tình sầu"
Một phần do giọng hát thiên phú, một phần do nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông đã dồn mọi nỗ lực trong việc "lăng xê" "dòng suối trong của Đà Lạt" trên báo chí cũng như trên đài phát thanh, chỉ trong một thời gian ngắn từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng nhắc nhở tới một giọng ca mới Thanh Tuyền.
Từ một "cô bé lọ lem", giọng hát còn non nớt, Thanh Tuyền được hai người thầy rèn giũa, được vợ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông chỉ cho nhiều bí quyết khiến giọng hát đạt những đỉnh cao với các nhạc phẩm làm nên tên tuổi chị như "Dấu xưa kỷ niệm", "Nỗi buồn hoa phượng"... Thanh Tuyền gắn mình với những câu chuyện tình buồn dang dở.
Có người nói, “Nỗi buồn hoa phượng” là bài hát ruột của Thanh Tuyền vì nó gắn với tình đầu của chị. Giờ đây, chị chia sẻ rất thật: "Thời gian đó, khoảng 1963-1964, lúc đó tôi là một ca sỹ áo trắng, không phấn son, tôi thường mặc áo dài như học sinh để lên sân khấu, bài hát của nhạc sỹ Thanh Sơn phù hợp với lứa tuổi và cả với hình ảnh của tôi, lời ca dễ thương, âm điệu da diết. Có lẽ bài hát cũng vì vậy mà đi vào ký ức nhiều người và gắn liền với tên tuổi của tôi, thật ra tôi có nhiều bài ruột chứ không phải chỉ bài "Nỗi buồn hoa phượng".
Nữ ca sĩ hạnh phúc khi được hát giữa Thủ đô
Nhắc đến Thanh Tuyền, nhiều người nhớ đến thời kỳ chị hát cặp với Chế Linh làm nghiêng ngả các vũ trường, quán bar Sài Gòn. Thanh Tuyền nhớ lại, đó là những năm 1967- 1968 thời kỳ Chế Linh đang cộng tác với hãng đĩa Continental. Vì muốn có sự thay đổi và nhất là tránh cho thính giả nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên ông đã đưa ra sáng kiến là để Thanh Tuyền song ca với Chế Linh. Đĩa nhạc đầu tiên trong đó có nhạc phẩm "Hái trộm hoa rừng" của Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và "ăn khách" một cách không ngờ. Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác để mời Thanh Tuyền - Chế Linh hát cặp.
Sự thành công của cặp song ca Chế Linh - Thanh Tuyền một phần nhờ ở hình thức mới lạ, một phần nhờ những nhạc phẩm soạn riêng cho song ca, thích hợp với tâm trạng của những người yêu nhau. Về sau này, Thanh Tuyền tâm sự: "Tôi không biết khi hát với Chế Linh hay như thế nào... có người nói là giọng của chúng tôi phù hợp với nhau... Sau đó tôi mới tìm hiểu ra vì giọng tôi là giọng cao, có thể hát 'note' của giọng nam được, chính vì đó những bài người nam hát với tôi họ rất vui vì họ không phải hạ giọng xuống"... Và vì lẽ đó, cặp song ca này với những tình khúc buồn đã làm mê đắm người nghe nhạc từ trước 1975 cho đến bây giờ.
Mới đây khi Chế Linh về nước làm đêm nhạc, anh đã dí dỏm cho biết, những bài hát song ca với Thanh Tuyền đã làm nổi danh hai người. Nhưng Thanh Tuyền không về hát cặp với Chế Linh nên "không cặp được với cô chị thì bắt cóc cô em". Chế Linh cách đây không lâu đã hát "Mai lỡ mình xa nhau" với Sơn Tuyền (em gái Thanh Tuyền) nhạc phẩm quen thuộc của hai người xưa kia đã từng nổi danh.
Nghệ danh của ca sỹ thường gắn với những câu chuyện riêng của mỗi người và Thanh Tuyền - dòng suối trong - cũng không ngoại lệ. Chị nhớ lại: "Khi về ký độc quyền với hãng đĩa Continental tôi được nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông và nhạc sỹ Mạnh Phát chọn cho tên này để thay thế tên thật. Cái tên Thanh Tuyền mang nhiều ý nghĩa. Tôi đến từ Đà Lạt là nơi có nhiều thác, nhiều suối nên được hai nhạc sỹ trên đặt cho tên là Thanh Tuyền nghĩa là suối nước trong... Nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông và nhạc sỹ Mạnh Phát, thường khoe với mọi người là họ đã khám phá được một dòng suối trong ở Đà Lạt". |
Vương Hà - Hương Lan
Kỳ 2: Bí mật mê hoặc của giọng ca làm nghiêng ngả Sài Gòn một thuở.