Như Người đưa tin đã thông tin, Hội đồng tuyển dụng tiến hành phỏng vấn không hỏi về chuyên môn, kỹ thuật về điều dưỡng, lại đưa ra các câu hỏi về cách nêu và đập bóng chuyền, quy định dài rộng của sân bóng chuyền, quy cách của lưới trong sân bóng chuyền… Cách tuyển dụng nữ hộ lý không dựa vào chuyên môn, y đức mà lại căn cứ vào kỹ năng đánh bóng chuyền quả là xưa nay hiếm.
Tiêu chuẩn tuyển...lạ đời
Thế mới có chuyện, trường hợp được tuyển chọn nữ hộ sinh do có các kỹ năng đánh bóng chuyền thuần thục, còn học lực chuyên môn chỉ là trung bình khá. Còn hai trường hợp có đơn cáo giác cách tuyển lạ đời này có nộp hồ sơ với học lực khá, giỏi và là con thương binh lại không được ưu tiên.Theo đề án của Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình thì diện con thương binh được ưu tiên cộng thêm 30 điểm vào kết quả thi tuyển. Rõ ràng, nếu thi chuyên môn nữ hộ sinh với học lực khá giỏi, cộng với điểm ưu tiên thì 2 người cáo giác trên hoàn toàn đủ điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, với những câu hỏi về kỹ năng bóng chuyền, họ lại yếu hơn nhiều so với đồng nghiệp nên bị đánh trượt. Nhưng điều lạ là kết quả thi tuyển vẫn được giữ nguyên với lý do vì sự phát triển phòng trào đơn vị?!.
Câu chuyện tuyển nữ hộ sinh ở Quảng Bình khiến nhiều người liên tưởng đến chuyện cách đây không lâu khi 12 giáo viên mầm non huyện Tân Sơn (Phú Thọ) bị rớt trong cuộc thi tuyển viên chức vì thiếu số đo vòng một đã gây bức xúc trong dư luận.
Thời điểm đó, UBND huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có tổ chức xét duyệt 185 viên chức cho sự nghiệp giáo dục mầm non, trong đó 6 người sẽ được tuyển làm cán bộ quản lý và 179 được tuyển làm giáo viên. Sự việc sẽ chẳng có gì nếu không phát sinh chuyện lùm xùm cười ra nước mắt của 12 trường hợp bị trượt. Họ đều là những người có điểm số khá cao, vượt trội hơn hẳn điểm số của những giáo viên còn lại, gây thắc mắc, khiếu nại. Chuyện lạ đời là trong kết luận của hội đồng xét tuyển gửi tới các trường hợp kiếu nại, đích thân phó chủ tịch UBND huyện Tân Sơn (đồng thời là chủ tịch hội đồng xét tuyển) khẳng định, sở dĩ các cô giáo bị trượt bởi trong giấy khám sức khỏe của mình, đã kê khai thiếu mất một chỉ số quan trọng. Đó là số đo vòng một (vòng ngực).
Văn bản trả lời đó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, khiến người bức xúc càng thêm bức xúc. Không chịu bị loại một cách oan uổng, các cô giáo "thiếu vòng một" đã đưa nhau đến bệnh viện, nơi khám sức khỏe để thắc mắc. Cán bộ bệnh viện khẳng định, giấy khá sức khỏe cấp ra là hoàn toàn hợp lệ. Các trường hợp trên đều đủ điều kiện sức khỏe học tập và công tác, còn ngành giáo dục huyện có quy định riêng về số đo vòng một thì bệnh viện chưa nắm được.
Vẫn liên quan đến sự tréo ngoe trong các quy định, năm 2008, Bộ Y tế đưa ra quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới. Theo đó, người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45m, trọng lượng dưới 40 kg) không được đi xe máy trên 50 phân khối. Nhưng điều đó khiến dư luận không “sốc” bằng quy định về... bộ ngực. Người có vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm (tức là ngực lép - PV) sẽ không được cấp bằng lái hạng A1, không được đi xe trên 50 phân khối”. Trong khi đó, phần lớn các bác sĩ quả quyết không phải cứ “ngực to” là lái xe tốt hơn “ngực lép”.
Áp dụng...luật riêng
Xung quanh câu chuyện tuyển công chức với những quy định…lạ đời, nhiều ý kiến cho rằng, cái thiếu nhất trong việc tuyển dụng ở ta từ trước đến nay không phải là thiếu luật. Mà vấn đề là người ta áp dụng luật như thế nào và áp dụng luật gì. Cuối tuần trước, khi Sở Y tế Quảng Bình tổ chức thi tuyển nữ hộ sinh bằng luật bóng chuyền, rất nhiều bạn đọc than phiền, thi tuyển công chức hiện nay có thể áp dụng bất cứ luật gì.
Nguyễn Thu Hà (sinh viên Đại học Y) thắc mắc: “Chẳng lẽ ý đức không sánh bằng tài đánh bóng chuyền? Một người không giỏi luật cũng có kiến thức sơ đẳng là luật bóng chuyền không liên quan đến luật viên chức. Kỹ năng đánh bóng, cũng không thể thay thế cho kiến thức hộ sinh. Khi đưa luật bóng chuyền vào việc tuyển dụng, ngành y tế Quảng Bình, gần như đã “ném” các quy định về tuyển dụng vào sọt rác. Câu chuyện luật bóng chuyền ở Quảng Bình rõ ràng mang đặc điểm của…“luật riêng”. Trong đó người có quyền tuyển dụng, được đề ra luật và tự mình thực thi.
Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến trong phiên Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn bộ trưởng Bộ Nội vụ, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Lê Như Tiến đặt câu hỏi: “Có phải do khâu tuyển dụng của ta có vấn đề?”. Ông Tiến còn dẫn ra những con số đáng giật mình: hiện chỉ có khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% phải cầm tay, chỉ việc và hơn 30% còn lại là cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm.
N.Giang- H.Mai
Kỳ tới: Chuyện gia phản biện