Liều mạng với bọn cướp
Hiệp sĩ Đ T. (thị xã Dĩ An, Bình Dương) kể: "Có lần, tôi chứng kiến hai tên cướp giật chạy xe gắn máy ép xe một cô gái té xuống đường, rồi cướp xe, bỏ mặc cô gái đang đau đớn vì những vết thương. Tôi nhanh chóng nhảy vào chộp cổ được một tên, tên kia rút dao ra đe dọa. Lúc ấy, tôi cũng hơi "choáng", vì mình tay không, trong khi bọn chúng có hung khí. Trong lúc đấu trí, bất ngờ có ba thanh niên xuất hiện lao tới hỗ trợ tôi. Bọn cướp đành buông tay chịu trói. Sau vụ ấy, tôi và ba thanh niên ấy âm thầm bắt tay nhau đi "rình" bọn tội phạm...". Bốn chàng "Lục Vân Tiên" ấy là anh Đức T., anh Sơn A., anh Ph. và Tăng T. đều ngụ phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương. Họ trở thành "khắc tinh" của bọn tội phạm ở khu vực cầu vượt Sóng Thần.
Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh T. bắt tội phạm.
Hiệp sĩ Sơn A. bộc bạch: "Chúng tôi bắt tội phạm không phải vì nổi hứng "máu anh hùng" mà không có bài bản. Mỗi lần gặp kẻ gian, chúng tôi đều bàn bạc rất kỹ và có phương án riêng, nếu không thì rất nguy hiểm". Các anh sàng lọc, khoanh vùng và theo dõi đối tượng từ khi chúng chưa ra tay phạm pháp, sau đó phân công nhau theo dõi những hoạt động của chúng hàng ngày, chỉ chờ đến khi bọn chúng "ra tay" là ngay lập tức các anh xuất hiện bắt quả tang và bắt giao cho công an xử lý.
Năm 2010, nghe tin quần chúng báo có một cô gái vừa bị giật dây chuyền đang đứng khóc giữa đường, lập tức các hiệp sĩ Sơn A. và Tăng T. âm thầm đi truy lùng bọn cướp giật. Nhờ nắm vững địa bàn và "điểm danh" được bọn tội phạm nên các hiệp sĩ "đón đầu" bọn chúng trước cửa tiệm vàng. Đúng như dự đoán, hai tên cướp giật hí hửng đến tiệm vàng để bán "chiến lợi phẩm", các anh bí mật đi theo về "hang ổ" bọn chúng. Xui cho các anh, trên đường đi, bọn chúng phát hiện liền rút mã tấu và roi điện giấu trong cốp xe ra chống trả. Kết quả, hiệp sĩ Tăng T. bị gãy lìa tay, còn anh Ph. bị cháy xém cổ. Dù bị thương nặng nhưng các hiệp sĩ vẫn "túm cổ" được hai tên cướp giao cho công an xử lý.
Chỉ cần những lời cám ơn
UBND tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định thành lập các câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở các đơn vị xã, phường. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 10 CLB hoạt động ở các phường Tân Đông Hiệp (Dĩ An); Bình Hòa, An Phú (Thuận An); Hiệp An, Phú Lợi, Phú Hòa (Thủ Đầu Một)...
Hiệp sĩ của các câu lạc bộ này đều được cấp thẻ hoạt động và được chính quyền, công an xã, phường hỗ trợ nghiệp vụ rất tích cực. Thành viên của các câu lạc bộ này đều là những hiệp sĩ "tình nguyện" và không hưởng lương. Được biết, ở một số phường, xã dù chưa có điều kiện thành lập CLB nhưng những anh em hiệp sĩ vẫn xin tự nguyện "dấn thân" vào nguy hiểm để bắt tội phạm. Những lúc rảnh rỗi, họ tìm đến nhau để làm quen, trao đổi kinh nghiệm và cũng để "chia sẻ hồ sơ mật" của các đội tượng để cùng nhau theo dõi, bắt "nóng".
Cũng nhờ thường xuyên giữ liên lạc nên các hiệp sĩ đã kịp thời thông báo, hỗ trợ cho nhau khi có vụ án mới. Như trường hợp ở tỉnh Đồng Nai có vụ mất cắp xe gắn máy, nhận được thông báo và đặc điểm nhận dạng, biển số xe, các hiệp sĩ ở Bình Dương trong quá trình "dạo phố" đã phát hiện biển số xe đúng như trình báo vừa bị mất cắp đang được một đối tượng L. điều khiển đi tiêu thụ. Lập tức đối tượng L. và chiếc xe được các hiệp sĩ bắt giao cho công an xử lý. Và liên tiếp sau đó, các "hiệp sĩ đường phố" cũng đã phá nhiều vụ trộm kính xe hơi.
Trong những lần lê la ở các quán cà phê, các hiệp sĩ nghe được những lời bức xúc của các "đại gia" xe hơi rằng, thường xuyên bị kẻ gian trộm kính chiếu hậu xe đắt tiền. Từ những bức xúc đó, các hiệp sĩ ở Phú Hòa âm thầm theo dõi và phát hiện có một kẻ thường xuyên lai vãng gần nơi đậu xe, trên xe máy của hắn có một giỏ xách khả nghi. Chờ cho kẻ tình nghi lôi từ túi xách ra chiếc kìm cộng lực để chuẩn bị tháo kính xe hơi thì các hiệp sĩ xuất hiện. Thấy không thể chối tội, kẻ gian cúi đầu thừa nhận hành vi trộm kính xe hơi của mình. Tại cơ quan công an, hắn khai tên là T., thợ sửa xe hơi ở một garage ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Khám xét chỗ ở của tên T., công an thu được nhiều bằng chứng phạm tội và một mã tấu.
"Nỗi buồn" của các "hiệp sĩ đường phố" hiện nay là các anh không được cho phép sử dụng công cụ hỗ trợ, trong khi bọn tội phạm rất hung hăng và có hung khí. Nhưng dù sao đi nữa, các hiệp sĩ vẫn không chùn bước khi đối diện với bọn tội phạm.
Nhiều anh em hiệp sĩ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mà họ lại là trụ cột chính trong gia đình nên khi bị trọng thương khi làm nhiệm vụ thì gia đình họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ chỉ biết cắn răng chịu đựng, chứ không dám kêu ca, than phiền với ai. Chỉ khi được báo chí phản ánh thì các hiệp sĩ bị thương mới được các tổ chức, cơ quan, cá nhân đến thăm hỏi, động viên. Và khi nhận từ tay những Mạnh Thường Quân chút quà, tiền và cái nắm tay là các "hiệp sĩ đường phố" mừng đến rơi nước mắt. Đối với họ, như thế cũng đủ ấm lòng, cũng đủ tiếp thêm sức mạnh cho họ tiếp tục xả thân giữ bình yên cho xã hội.
Các hiệp sĩ không hề vụ lợi Đại úy Phạm Mạnh Cường (trưởng Công an phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương) cho biết: "Khi còn làm trưởng Công an phường An Bình, tôi được các hiệp sĩ tiếp sức rất nhiều. Nhờ các anh mà bọn tội phạm, côn đồ không dám lộng hành như trước nữa. Tôi biết hoàn cảnh các anh còn khó khăn nhưng các anh vẫn sẵn sàng hy sinh thân mình không chút vụ lợi nào, mục đích của các anh là mang lại sự bình an cho người dân, sự ổn định an ninh trật tự của cộng đồng xã hội. Chúng tôi rất trân trọng điều đó". |
Huyền Thoại