Các “Thượng đế” đang bỏ rơi bóng đá Việt Nam

Các “Thượng đế” đang bỏ rơi bóng đá Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Chủ tịch Hội CĐV Thanh Hóa Trần Xuân Vui khẳng định, người hâm mộ không chịu bỏ tiền mua vé đi xem bóng đá nữa vì chán ngán những chuyện tiêu cực.

Hai giải bóng đá chuyên nghiệp quốc nội đều đang đi đến giai đoạn cuối kịch tính và căng thẳng. Nhưng càng gần đến ngày các câu lạc bộ “về đích”, lượng khán giả đến sân lại càng giảm sâu. Con số thống kê sụt giảm liên tục mà VPF hàng tuần vẫn đều đặn công bố không chỉ khiến người ta phải giật mình về một hiện tượng. Mà quan trọng hơn, phía sau đó là hồi chuông báo động về sự xuống cấp của nền bóng đá quốc nội khiến “Thượng đế” mất niềm tin.

Bóng đá Quốc tế - Các “Thượng đế” đang bỏ rơi bóng đá Việt Nam

Khán đài trống vắng là hình ảnh thường thấy ở V-League

Sân nóng, khán đài lạnh

Cuối mùa giải, cuộc chiến tại V-League trở nên vô cùng kịch tính. Bầu Thụy quyết định bơm tiền, thanh toán lương thưởng đầy đủ, khiến thầy trò huấn luyện viên Trần Tiến Đại đá như lên đồng, thắng cả 4 trận gần đây, nhảy vào cuộc đua vô địch với anh em nhà bầu Hiển là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Ở cuối bảng, cuộc chiến trụ hạng còn khốc liệt hơn gấp bội khi hàng loạt đội bóng như Kiên Long Kiên Giang, Khatoco Khánh Hòa, TĐCS Đồng Tháp, Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội phải chạy thục mạng để tránh cảnh theo gót V.Hải Phòng xuôi về Hạng Nhất Quốc Gia.

Trên sân cỏ kịch tính là thế, nhưng trớ trêu thay, khán đài lại ngày càng nguội lạnh, Theo thống kê của Ban tổ chức, số lượng cổ động viên tới sân theo dõi V-League vào cuối tuần đã giảm mạnh ở những vòng đấu cuối.

Nhờ sự ra đời của VPF và cuộc chiến hao tổn nhiều giấy mực về bản quyền truyền hình giữa VPF và AVG, V-League được nhận liều doping truyền thông mạnh mẽ, nhờ đó hút khán giả hơn. Ở những vòng đầu, lượng khán giả tới sân xem V-League trên cả nước chỉ đạt trung bình hơn 6000 người/trận, nhưng cùng với thời gian, con số trên đã tăng lên rất ấn tượng, giữa mùa luôn đạt được từ 7000 đến 8000 khán giả/trận. Đỉnh điểm, vòng 15, tổng số khán giả tới sân lên tới 69.500, trung bình 9.900 người/trận.

Những tưởng con số trên sẽ tăng lên theo sự kịch tính của giải thì bất ngờ nó giảm xuống rất mạnh kể từ vòng 21. Ở vòng 21, chỉ có khoảng trung bình 7.500 fan hâm mộ tới sân cỗ vũ cho mỗi trận đấu tại V-League và con số trên ở vòng 22 giảm xuống còn 7.429 khán giả/trận. Đỉnh điểm là ở vòng 23, chỉ còn trung bình 5.857 cổ động viên (CĐV) tới sân cỗ vũ ở mỗi trận, thấp nhất kể từ khi V-League 2012 chính thức bước vào khởi tranh.

Ở vòng đấu gần nhất, dù rất nhiều đội bóng có lực lượng cổ động viên hùng hậu như Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng, SLNA được chơi trên sân nhà thì số lượng khán giả trung bình tới sân cũng chỉ đạt được 6.643 người/trận. Cá biệt có những sân như Hàng Đẫy, nhiều trận đấu, hầu như hai khán đài C,D phải đóng cửa vì không thu hút nổi một fan hâm mộ nào.

Lý giải về hiện trạng số lượng khán giả giảm sút nghiêm trọng ở những vòng cuối mùa, Ban tổ chức V-League chỉ nói ngắn gọn: “CĐV có quyền của họ, họ thích đi thì đi, không thích thì ở nhà, không ai ép được. Có thể ở thời điểm này người hâm mộ không hứng đi xem bóng đá, thêm vào đó thời tiết khắc nghiệt cũng cản trở họ tới sân”. Tuy nhiên, những người trong cuộc thì đều hiểu rằng nguyên nhân thực sự không phải là CĐV có hứng hay không có hứng.

“Những CĐV trung thành như chúng tôi thì nắng hay mưa, đá sân nhà hay sân khách cũng sẵn sàng tới sân cỏ vũ cho đội nhà. Cái quan trọng là các cầu thủ thể hiện ra sao. Rất có thể, ở những vòng đấu cuối, các CĐV biết nhiều đội diễn kịch nên không muốn tới sân xem. CĐV giờ người ta tỉnh táo lắm, không ai dại để tới sân xem đóng kịch đâu” - chủ tịch hội CĐV Thanh Hóa Trần Xuân Vui chia sẻ.

Cứ như những gì ông Vui nói, thì khán giả nhìn nhận đánh giá rất tinh. Những trận đấu mà chưa đá đã bị đồn biết trước kết quả như Sài Gòn Xuân Thành tiếp The Vissai Ninh Bình hay Khatoco Khánh Hòa gặp Hoàng Anh Gia Lai, lượng khán giả tới sân giảm trầm trọng, thậm chí chưa đạt 4.000 người/trận.

Sẽ lôi kéo khán giả... từ mùa giải tới

Bóng đá muốn sống, muốn phát trển cần phải có khán giả, VPF quá hiểu điều ấy nhưng lại bất lực trong việc thay đổi thực trạng. Những giải pháp khắc phục, thực tế cũng đã được đặt ra, nhưng để đi vào thực tiếp áp dụng thì chỉ có thể bắt đầu từ mùa giải mới.

Trao đổi cùng PV Người đưa tin, ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch Hội đồng quản trị VPF) cho biết: “Khi sang Nhật Bản công tác, tôi vô cùng ấn tượng với hình ảnh các khán đài luôn chật kín khán giả, không khí cực kỳ cuồng nhiệt. VPF đã ký thỏa thuận hợp tác với J-League và chúng tôi sẽ học tập mô hình của họ, giúp bóng đá Việt Nam ngày càng có nhiều CĐV hơn”.

“Thêm vào đó, các cầu thủ cũng phải gần gũi với khán giả hơn, có nhiều hoạt động có ích hơn. Bên Nhật Bản, cầu thủ thường tới chơi và dạy các em nhỏ ở một số trường học chơi bóng, tôi thấy phương pháp này rất hay, chúng ta nên học tập. Song song đó, cũng cần thu hẹp khoảng cách giữa các CLB với các hội CĐV. Có như vậy lượng người hâm mộ tới sân xem thi đấu mới tăng được, ông chủ của đội Đồng Tâm Long An tâm sự.

Tuy vậy, theo nhận xét của nhiều chuyên gia uy tín trong giới, VPF phải nỗ lực hơn nữa trong việc làm sạch bóng đá Việt Nam. Khi tiêu cực còn tồn tại, khi các đội bóng, các cầu thủ còn “diễn kịch” với nhau, chuyện “Thượng đế” từ chối bỏ tiền mua vé vào sân là lo-gic hoàn toàn dễ hiểu.

An ninh không đảm bảo

Tại Nhật Bản hay các nền bóng đá phát triển tại châu Âu, mỗi trận vào dịp cuối tuần được xem là một ngày hội. Các nhà tổ chức không chỉ mang đến những trận cầu hấp dẫn về chuyên môn mà hơn thế, công tác đảm bảo an ninh, nâng cao dịch vụ hỗ trợ (vui chơi, ăn uống, mua sắm) còn được thực hiện một cách hoàn hảo. Nhưng nhìn vào thực trạng bóng đá Việt Nam, ngay chuyện thiết thực nhất là công tác bảo vệ an ninh cũng chưa được làm đến nơi đến chốn. Mùa giải vừa qua, hàng chục vụ CĐV nổi loạn ném vật thể lạ, hành hung trọng tài và đe dọa fan hâm mộ đội khách vẫn diễn ra. Nếu đi xem bóng đá để mua thêm cả nỗi lo lắng, sự bất an về sức khỏe, thậm chí tính mạng, thì V-League khó lòng “mua chuộc” được các “Thượng đế”.

Gia An


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.