Tuy nhiên, hiện nay có vẻ tình hình đã đổi khác khi mà các trường công lập, thậm chí là những trường thuộc tốp trên cũng phải "tung chiêu" nhằm thu hút thí sinh vào học.
Trường công lập cũng gặp khó
Hiện nay khó khăn trong việc tuyển thí sinh đầu vào không đơn thuần chỉ là chuyện của những trường đại học ngoài công lập mà còn là vấn đề đau đầu của những trường công, nhất là các trường thuộc khối khoa học xã hội. Thực tế là một loạt các biện pháp tuyển sinh được các trường đưa ra nhằm hạn chế sự sụt sảm lượng thí sinh đăng kí đầu vào như: Cấp học bổng, hỗ trợ học phí, mở rộng khối thi đầu vào ... nhằm khuyến khích thí sinh.
Tại ngày hội tuyển sinh do Bộ Giáo dục - Đào tạo và báo Tuổi trẻ tổ chức mới đây ở Hà Nội, Thạc sĩ Đinh Việt Hải, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH KH,XH&NV Hà Nội (đây là một trong những trường đào tạo khoa học xã hội hàng đầu Việt Nam) phải thừa nhận thực tế: "Trong năm 2012 lượng thí sinh thi khối C của một số chuyên ngành giảm khoảng 20% so với các năm trước, tuy nhiên tổng số thí sinh thi vào trường vẫn không giảm vì số thí sinh thi các khối A,B,D đều tăng lên".
Tuy cho rằng số lượng thí sinh vào trường không giảm, nhưng Thạc sĩ Hải lại cho biết trong năm 2013 nhà trường sẽ có những biện pháp thiết thực hỗ trợ cho người học như: Hỗ trợ học phí cho một số ngành đào tạo (Văn học, Lịch sử, Triết học, Chính trị học, Hán Nôm và Nhân học) với số tiền bằng tiền học phí, bên cạnh đó thí sinh còn được tham gia miễn phí các khóa học phát triển năng lực hoặc có cơ hội nhận nhiều học bổng nước ngoài...
Tuyển sinh đầu vào đang là bài toán khó cho nhiều trường công lập.
Hiện, không chỉ trường ĐH KH,XH&NV Hà Nội mà nhiều trường công lập khác cũng có những biện pháp nhằm thu hút thí sinh như vậy. Lí giải cho hiện tượng này, GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho các trường bởi số sinh viên được tuyển mỗi năm đều có tiêu chí cụ thể, được các trường đưa ra dựa trên những điều kiện thực tế của mỗi trường như đội ngũ cán bộ giảng dạy, mặt bằng đào tạo... Các trường đại học có nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí nhất định chứ không thể tùy tiện trong việc tuyển sinh. Nếu làm không đúng Bộ có quyền thanh tra xử phạt, rút bớt chỉ tiêu, thậm chí Bộ có thể không cho các trường đào tạo tiếp".
Trên quan điểm cá nhân GS Phạm Minh Hạc hoan nghênh những biện pháp mà một số trường đề ra để thu hút thí sinh.
Đến lượt các ngành hot đau đầu
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhu cầu việc làm trở thành một vấn đề rất lớn của các tân cử nhân. Nếu các khối trường khoa học xã hội gặp khó trong việc tuyển thí sinh đầu vào thì việc giải quyết đầu ra cho sinh viên lại không thuộc về riêng ai. Hiện nay không chỉ có các ngành khoa học xã hội khó khăn khi tìm kiếm cơ hội việc làm mà ngay cả các ngành được coi là hot cũng đối mặt với tình trạng trên. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm (2009-2011), thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế chiếm khoảng 41% tổng số hồ sơ, trong đó ngành tài chính, ngân hàng lại chiếm ưu thế. Riêng năm 2011, có tới 248 trên tổng số 416 trường tuyển sinh ngành kinh tế. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp ngành hot ra trường không có việc làm đang ngày càng tăng lên.
Theo một nhân viên của trung tâm Giới thiệu việc làm ở Hà Nội, chỉ trong một tháng, danh sách người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp là gần 2.000 người. Trong danh sách đó, số lượng nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán chiếm một lượng không nhỏ. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty chứng khoán, ngân hàng phải cắt giảm nhân sự thì số lượng như vậy không có gì đáng ngạc nhiên. Thậm chí trong một phát biểu của mình với báo giới, Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông, cho biết khi quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra mạnh mẽ thì việc một số ngân hàng giảm 10% - 15% nguồn nhân lực là điều bình thường.
Phạm Thiệu