Trước và sau khi chính thức nhậm chức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, tỷ phú Donald Trump vốn không phải người được lòng giới chính trị trong nước. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu những nhân viên liên bang vốn không hài lòng với ông Trump có chịu phục tùng chính quyền mới hay không.
Peter Van Buren là một cựu viên chức ngoại giao đã có kinh nghiệm 24 năm làm việc qua nhiều đời ông chủ Nhà Trắng nên ông là người rất hiểu rõ những trường hợp như vậy.
Hiện đang có nhiều tranh luận về những gì sẽ diễn ra trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump mà bao gồm cả việc bổ nhiệm hàng nghìn nhân viên mới. Các phương tiện truyền thông chỉ trích ông Trump bổ nhiệm những vị trí theo quyết định của cá nhân mình, trong khi kêu gọi các quan chức tình báo nên từ chức hàng loạt để phản đối điều này.
Nhiều người nói rằng nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ đi ngược lại với truyền thống, tuy nhiên Van Buren cho rằng sự thay đổi về nhân sự là một phần của cuộc bầu cử cũng như trong sự chuyển đổi về mặt ý thức hệ. Tuy nhiên, nhiều người dường như đang quá lo sợ quá trình này sẽ ảnh hưởng không tốt.
Ông cho rằng, sự hiểu nhầm bắt nguồn từ việc hầu hết các viên chức liên bang hiện tại đều thiếu kinh nghiệm. Tính chung, một nhân viên chính phủ có kinh nghiệm ít hơn 14 năm, có nghĩa là nhiều người trong số đó chưa từng làm việc cho bất kỳ đời tổng thống nào khác ngoài Barack Obama và chỉ có hơn một nửa là được chứng kiến thời kỳ chuyển giao quyền lực giữa đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa.
Trên thực tế, mỗi nhân viên liên bang có lời tuyên thệ phục vụ tận tụy với Hiến pháp nước Mỹ, không phải là lời hứa trung thành với riêng vị tổng thống mà họ đang làm việc cùng dù là Barack Obama hay Donald Trump.
Chính phủ là cơ quan thực thi các chính sách của tổng thống đại diện cho nước Mỹ. Do vậy những nhân viên đang phục vụ cho đất nước dưới hình thức "việc công" chứ không phải phục vụ cho cá nhân tổng thống. Điều này là nguyên do sẽ không có chuyện các nhân viên liên bang bất mãn với ông Trump sẽ từ chức hàng loạt.
Theo Van Buren việc "người đến kẻ đi" ở Nhà Trắng là việc bình thường và không có vị tổng thống nào tại vị mãi mãi. Cũng theo ông, ý tưởng chính sách được quảng bá trong chiến dịch tranh cử có thể thay đổi theo chiều hướng khác khi bộ máy nội các vào guồng quay.
"Một số người cảm thấy khó khăn khi làm việc dưới chính quyền mới thường tìm các công việc ở văn phòng mới với đặc thù ít va chạm giữa các đảng phái. Trong khi các nhân viên khác thường muốn thể hiện tiếng nói của mình trước các chính sách mà họ không hài lòng", Van Buren viết trên Reuters.
Những người phản đối mạnh mẽ để một chính sách hay chương trình nào đó của chính quyền còn lựa chọn một số cách thức không vi phạm pháp luạt như cung cấp thông tin với nhà báo để khuếch đại mối quan tâm trên truyền thông.
Đọc thêm>>> Nhà Trắng thừa nhận ông Trump không viết diễn văn nhậm chức
Trong vòng 15 năm qua, những khía cạnh xoay quanh cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ vẫn gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức. Điều này dẫn đến việc có nhiều nhân viên của chính phủ liên bang chống đối lại quyết định của tổng thống. Các cuộc gọi hoặc email cung cấp các nguồn tin dưới dạng giấu tên trước khi gửi đến các hãng truyền thông đều được sự tư vấn của luật sư có trình độ. Tuy nhiên các nguồn tin dưới dạng không chính thức như vậy thường làm mất lòng chính phủ liên bang và các nhân viên này cũng sẽ "không được đối xử một cách tử tế".
Một trong những sự kiện gây chia rẽ nhất trong Bộ Ngoại giao thời gian gần đây đó là quyết định gửi các nhân viên ngoại giao với số lượng lớn tới Iraq để hỗ trợ cho cuộc xâm lược hồi năm 2003.
Mâu thuẫn nội bộ dâng cao đến nỗi sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã đe dọa và ép buộc tất cả những người có tên phải làm việc ở Iraq, phá vỡ truyền thống lâu đời về việc chỉ chọn những người tình nguyện đối với các nhiệm vụ nguy hiểm.
Tuy nhiên trong lực lượng lao động lên tới hàng ngàn người tại Bộ Ngoại giao, chỉ có ba người từ chức vì cắn rứt lương tâm trong cuộc chiến Iraq, một người khác có liên quan đến cuộc chiến Afghanistan. Còn trong quá khứ cũng chỉ có một số ít nhà ngoại giao xin từ chức khi cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam lên cao.
Nói về việc liệu có chuyện hàng nghìn nhân viên chính phủ từ chức vì không muốn làm việc với Tổng thống Trump hay không - ông Buren cho rằng, rời bỏ công việc đáng giá ở chính phủ liên bang là một lựa chọn ảnh hưởng đến rất nhiều điều: mối quan hệ trong gia đình, an ninh, hợp đồng công việc trong tương lai, các khoản vay học tập và sức khỏe tinh thần. Lương hưu và các khoản trợ cấp hưu trí khác yều cầu 20 năm làm việc để đủ điều kiện, tuy nhiên vài người chỉ được 17 năm đã từ bỏ. Quyết định mạo hiểm này có tác động sâu sắc và thường không thể được thực hiện đồng loạt.
Van Buren là người không hài lòng với tình trạng gian lận và quản lý yếu kém trong chương trình tái thiết Iraq dưới thời Tổng thống Bush và Obama. Tuy nhiên khi mọi thứ vẫn ở trong giới hạn lương tâm, vị cựu viên chức ngoại giao này vẫn tham gia và hoàn thành công việc mình được giao phó. Nhưng sau đó, khi các chính sách dưới thời các tổng thống này không có gì tiến triển, Buren lựa chọn việc nêu quan điểm của mình thông qua các cuốn sách tự viết.
Chia sẻ trên Reuters, Van Buren nói ông đã phản đối một chính sách mà được cả hai nhà lãnh đạo nói trên theo đuổi, dù một người đã từng được ông ủng hộ thông qua việc vận động hàng lang. "Bộ Ngoại giao đã tống tôi vào nhà giam, cố gắng để sa thải và cuối cùng đẩy tôi về nghỉ hưu sớm", cựu viên chức ngoại giao cho hay.
Quốc Vinh