Cãi nhau vì... cái quần lót

Cãi nhau vì... cái quần lót

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Vợ chồng My "chiến tranh lạnh" cả tuần nay. Mâu thuẫn xuất phát từ sở thích mua đồ lót của My.

Thu nhập của vợ, của chồng đều khá nên My khá thoáng trong chi tiêu. Vốn thích thay mới đồ lót, lại chuộng hàng hiệu nên My rất chịu khó lang thang tìm kiếm và “tậu” về những bộ đồ lót đẹp.

Một lần, do My sắm liền 3 bộ đồ lót với giá vài triệu bạc nên chồng My không hài lòng: “Sắm vừa thôi, suốt ngày mua với sắm, chỉ phí tiền”. My cãi lại ngay: “Em mua bằng tiền của em chứ có phải tiền của anh đâu mà lo”.

Thấy chồng cau có: “Lần sau mà còn ‘vung tay’ thế nữa thì anh không đưa lương hàng tháng nữa”, My bực tức: “Nói lại nhé, đồ này là mua bằng tiền của em. Mà anh thích thì lương anh cứ việc giữ, thằng nào có thằng đấy ăn. Góp thêm tiền nuôi con, coi như xong”.

Pháp luật - Cãi nhau vì... cái quần lót

Chồng My nhìn vợ hằn học, không nói thêm câu nào rồi bỏ ra ngoài. Còn My ấm ức: “Đàn ông gì mà đếm từng cái quần lót của vợ”... Sau bữa ấy, vợ chồng My không nói chuyện với nhau. My bực vì thấy chồng mình sao mà đàn bà quá mức, săm soi cả những chuyện tủn mủn của vợ.

Thực chất xung đột giữa vợ chồng My là do bất đồng trong cách chi tiêu. Mâu thuẫn về tiền bạc không chỉ nảy sinh trong những gia đình eo hẹp kinh tế mà còn bùng nổ ở cả những cặp vợ chồng dư dả, thậm chí người vợ có thu nhập khá, không hề lệ thuộc vào tiền của chồng.

Ở đây, tâm lý sai lầm phổ biến thường thấy ở những người vợ là: “Tiền mình kiếm được, vậy thì mình có quyền tự do tiêu”. Những thứ được phụ nữ ưa chuộng thường là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, trang sức hoặc vật dụng phục vụ cho bản thân người vợ như đổi điện thoại, laptop, mua sắm cho con...

Do suy nghĩ là tiền của mình nên nhiều người vợ tiêu tùy thích, tiêu theo ngẫu hứng và không cần thông qua ý kiến chồng (chẳng lẽ lại “alô” hỏi chồng: “Cho em đi mua quần lót nhé”).

Nhiều người chồng cũng không tiếc vợ mình mua sắm, làm đẹp, thậm chí ai cũng khoái có vợ đẹp nhưng khi thấy vợ quá đà thì người chồng lại phản ứng, cho là vợ mình quá lãng phí, không nên mua sắm tràn lan như thế nữa...

Lúc này, người vợ thấy chồng mình sao mà bỗng dưng “nhỏ mọn”, mua cái quần, sắm cái áo mà cũng khó chịu nên quyết không sửa đổi theo ý chồng. Hoặc thậm chí, người vợ còn bảo thủ là mình không hề sai, người cần sửa đổi là người chồng (đàn ông thì không nên tính toán, săm soi với vợ như thế)...

Kết cục, vợ chồng rơi vào thế “đối đầu”, không ai chịu ai, có thể gây căng thẳng, rạn nứt không đáng có.

Ở vào hoàn cảnh này, người vợ khi được chồng góp ý thì nên tránh vội trách ngược lại chồng keo kiệt. Thay vào đó, nên bình tĩnh xem xét lại cách chi tiêu của mình.

Ngay cả khi xông xênh tiền bạc thì vợ chồng cũng cần bàn bạc, thống nhất về cách tiêu tiền hàng tháng, để không ai bị ấm ức hoặc xót ruột tiếc của vì bạn đời “phóng quá tay”.

Người phụ nữ vẫn được coi là nội trợ trong nhà nên cần có những ghi chép về từng khoản mục chi tiêu để minh bạch với chồng, tránh phung phí tiền bạc mà nên có khoản tiết kiệm đề phòng rủi ro.

Với những khoản mua sắm nhỏ trong năng lực bản thân, người vợ có thể tùy ý quyết định nhưng nên báo qua với chồng một tiếng. Với những thứ đắt tiền như đồ điện tử thì nên bàn bạc với chồng từ trước.

Bởi với người chồng, được vợ hỏi ý kiến tức là được vợ tôn trọng. Còn một khi người vợ tùy ý sắm sửa thì người chồng lúc đó có khi không phải là tiếc tiền mà tức giận vì có cảm giác bị vợ bỏ qua, khinh thường. Do đó, người vợ nên hiểu tâm lý này của chồng mình.

N.Linh (Theo Mẹ&Bé)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.