Các nhà nghiên cứu tại Viện hệ thống và vi mạch điện tử đã phát triển ra một cảm biến sinh học cho phép đo lượng đường trong máu. Hệ thống này có thể gửi các kết quả tới thiết bị di động qua một kết nối không dây.
Thay vì lấy mẫu máu của người dùng, thiết bị cảm biến có thể đo liên tục nồng độ đường bằng cách sử dụng các dịch mô, chẳng hạn như mồ hôi hay nước mắt. Các cảm biến này không phải là mới nhưng trước đó chúng đã quá to và độ chính xác chưa cao; đồng thời tiêu thụ quá nhiều nội lực. Các cảm biến sinh học mới bao gồm 1 chip có kích thước chỉ 0,5 x 2 mm và tiêu thụ chưa đến 100 microampe với mức điện thế 5V.
Công nghệ cảm biến sinh học giúp các bệnh nhân tiểu đường thoát khỏi tình trạng đau đớn trong việc đo lượng đường trong máu
Con chip của thiết bị tích hợp một nanopotentiostat giúp đo nồng độ hydrogen peroxide (H2O2) và các hóa chất khác, được tạo thành từ kết quả từ một phản ứng điện hóa với sự trợ giúp của một enzyme gọi là glucose oxidase. Thiết bị này sử dụng nồng độ của các hóa chất để đo lượng đường bên trong cơ thể của bệnh nhân.
Ngoài ra, chip của thiết bị cũng được tích hợp một công cụ chuyển đổi giúp chuyển đổi các tín hiệu điện thành dữ liệu kỹ thuật số. Từ đó, máy phát có thể gửi dữ liệu tới một máy thu là điện thoại di động qua hệ thống không dây.
Kỹ thuật mới cho phép bệnh nhân kiểm soát liên tục lượng đường trong máu. Ngoài ra, cảm biến này có thể được hỗ trợ bằng sóng vô tuyến.
"Trước kia, các bệnh nhân phải sử dụng một bảng mạch có kích thước bằng nửa trang giấy cùng một bộ điều khiển", ông Tom Zimmermann, quản lý bộ phận kinh doanh tại IMS cho biết. “Tuy nhiên, những thứ đó là không còn cần thiết với bộ cảm biến mới của chúng tôi”.
Tương tự như các kính áp tròng điện tử được phát triển bởi một nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington và Microsoft, thiết bị cảm biến nhỏ xíu có thể được đặt cạnh mắt của bệnh nhân và có khả năng truyền dữ liệu không dây đến một máy bơm insulin cấy ghép.
Quan trọng hơn, nhà sản xuất thiết bị này - công ty công nghệ y tế NovioSense, Hà Lan cho biết, chi phí để sản xuất ra các cảm biến này không cao và phù hợp với việc sản xuất đại trà. Nhờ công nghệ này mà các bệnh nhân tiểu đường có thể hoàn toàn thoát khỏi các đau đớn từ việc chích máu trên đầu ngón tay.
Thanh Vân (Theo Gizmag)