Sau một hồi trò chuyện cởi mở, ông giới thiệu mình có học hàm tiến sỹ kinh tế được đào tạo ở nước ngoài hẳn hoi và có thâm niên nhiều năm giảng dạy tại các trường đại học uy tín trong nước. Khi chúng tôi nhắc đến phiên toà xét xử 4 năm về trước ở Hà Nội mà ông là bị cáo, phạm nhân Nguyễn Viết Tài lặng người đi trong chốc lát.
"Phao cứu sinh" cho sĩ tử "chạy trường"
Trước khi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải thụ án 13 năm tại trại giam Thanh Xuân (bộ Công an), có thể nói cuộc đời của vị tiến sỹ Nguyễn Viết Tài (SN 1948) khá oanh liệt. Thời trai trẻ, Nguyễn Viết Tài có hơn 10 năm học du học ở nước ngoài. Về nước với tấm bằng tiến sỹ kinh tế, ông Tài được nhiều trường đại học có uy tín trong nước mời giảng dạy.
Những năm thời bao cấp, cuộc sống của phần lớn người dân gặp khó khăn, nhưng đối với gia đình ông Tài lúc nào cũng sung túc. Hai đứa con (một trai, một gái) của vợ chồng ông học hành đến nơi đến chốn, đều là con ngoan, trò giỏi. Năm 2002, ông tiến sỹ Tài về hưu, tưởng chừng cuộc sống gia đình đã viên mãn nhưng lại là lúc giông bão ập đến. Nguyên do có thâm niên trong nghề giáo viên giảng dạy đại học, ông Tài quen biết khá rộng. Nhiều người trong số đó thường khoe họ có khả năng "chạy" vào các trường đại học, đặc biệt là các trường trong ngành công an. Vì tin tưởng khả năng của bạn bè, ông Tài trực tiếp đứng ra nhận tiền, lo chạy trường, chạy việc cho con em một số người thân quen của mình.
Phạm nhân Nguyễn Viết Tài. Ảnh: Bảo Lâm.
Theo tài liệu của cơ quan tiến hành tố tụng, từ cuối năm 2008, tiến sỹ Nguyễn Viết Tài đã nhận 180 triệu đồng của ba gia đình, hứa "chạy" cho con em học vào trường T36 bộ Công an và Phòng CSGT- công an TP. Hà Nội. Tuy nhiên, mọi chuyện không như ông Tài đã hứa. Người nhờ xin việc, chạy trường cho con đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.
Từ đây, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông tiến sỹ kinh tế bị phơi trần ra trước bàn dân thiên hạ. Được biết, trước đó, ông Tài và đồng bọn tung tin, hứa hẹn chạy trường, xin việc trong các đơn vị thuộc lực lượng công an với giá từ 45 - 210 triệu đồng/suất. Sau khi nhận tiền của bị hại, ông Tài và đồng bọn thu thập các giấy tuyển sinh, nhập học, quyết định nhận công tác của các trường trong ngành cảnh sát, T36, sau đó thuê người làm giả y như thật (giá mỗi tờ giấy này 1,5 triệu đồng/tờ).
Những loại giấy tờ này đều có đóng dấu đỏ hẳn hoi, mắt thường không thể nhận ra được là giấy tờ giả. Chính vì thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi này, Nguyễn Viết Tài và đồng bọn đã lấy hàng trăm triệu đồng của nhiều gia đình muốn chạy trường, chạy việc cho con. Chỉ đến khi con cái họ cầm tờ giấy trúng tuyển, giấy nhập học đến trường thì mới ngã ngửa đây là giấy tờ giả. Tính đến thời điểm tra tay vào còng số 8, Nguyễn Viết Tài và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt 1,96 tỷ đồng của 17 gia đình.
Vào thời điểm này, hầu hết người thân trong gia đình, bạn bè không thể ngờ được rằng ông tiến sỹ Nguyễn Viết Tài lại dám làm chuyện tày trời như vậy. Bởi trong mắt mọi người, vị tiến sỹ kinh tế là người mẫu mực về đạo đức nhà giáo, hiền lành, hiếm khi gây mâu thuẫn lớn với ai, đặc biệt là chuyện tiền nong. "Vợ con tôi đã khóc rất nhiều vì chuyện này. Vì thiếu hiểu biết pháp luật, tôi không nghĩ hành vi của mình là lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phạm nhân Tài bộc bạch.
Kéo cả con gái vào vòng lao lý
Quá trình điều tra, những người thân ông tiến sỹ Nguyễn Viết Tài hết sức bất ngờ khi nghe thông tin vị tiến sỹ này đã lôi kéo cả con gái vào vòng lao lý. Cơ quan điều tra xác định cô con gái là đồng phạm với bố, giúp sức cho Nguyến Viết Tài lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cách đây bốn năm, hai bố con ông Tài phải ra trước vành móng ngựa TAND TP. Hà Nội, chịu sự xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt sản. Ông bố bị kết án 13 năm tù, cô con gái lĩnh án 6 năm tù.
Đã bốn năm trôi qua, nhưng phạm nhân Nguyễn Viết Tài vẫn nhớ như in ngày ông được gặp gia đình trong thời gian đang bị tạm giam. Ai cũng nước mắt lưng tròng, đau đớn tột cùng vì tình cảnh cửa tan, nhà nát. Vợ và con trai trách ông bao nhiêu, thì ông trách mình hàng trăm lần vì đã vô tình đẩy con gái vào vòng lao lý. "Con gái tôi học rất giỏi. Cháu vừa tốt nghiệp trường đại học Bách Khoa, đã có nhiều nơi mời về làm việc. Chưa kịp có một việc làm ổn định, cháu đã phải vào tù". Phạm nhân Tài nhớ lại chuyện cũ với giọng buồn buồn. Sau cặp kính cận, chúng tôi thấy mắt ông Tài ngấn lệ.
Đưa tay vuốt mái tóc điểm bạc, vầng trán cao của ông không che nổi những nếp nhăn của thời gian. Nhìn ông, tôi thấy tiếc và không khỏi xót xa. Lẽ ra ở tuổi này, vị tiến sỹ kinh tế thong dong ngồi trà dư tửu hậu đàm đạo với bạn bè chứ không phải hằng này ngồi thu mình trong trại giam đếm ngược thời gian. Ông kể với chúng tôi, những ngày đầu bị bắt, con gái ông đã khóc rất nhiều, cháu bị khủng hoảng về thần kinh. "Trong trại tạm giam, cháu chỉ khóc, ít nói và gầy đi trông thấy. Con gái tôi là một trí thức, ít va chạm với pháp luật nên cháu bị sốc nặng khi bị giam giữ trong một thời gian dài", ông Tài chua chát nhớ lại.
Qua câu chuyện của người cha già, chúng tôi cảm nhận được sự hối hận, tình thương con vô bờ bến vì đã làm liên luỵ đến con gái. Nỗi day dứt này không biết bao giờ mới nguôi ngoai, khi mà hằng ngày trong trại giam, ông ngồi đếm từng ngày, mong chờ phút giây gia đình đoàn tụ. Vẫn biết, ngày ấy đang đến gần nhưng mỗi tích tắc trôi qua, nhớ lại gương mặt vợ con, ông không khỏi bùi ngùi, ân hận xen lẫn hổ thẹn. Ông bảo, đó là bản án dai dẳng và nghiêm khắc nhất của cuộc đời ông, còn đáng sợ hơn bản án 10 năm toà tuyên.
Ảnh minh họa.
Tâm sự của người cha già phạm tội
Cũng là người làm cha, làm mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi ân hận, thương con của phạm nhân Nguyễn Viết Tài. Tội lỗi lớn nhất trong đời ông phạm phải đã khiến ông phải trả một cái giá quá đắt. Giờ đây, thụ án trong trại giam Thanh Xuân, phạm nhân Tài đã dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Vị tiến sỹ ngày nào đã gắng gượng tìm lại được nụ cười khi nói chuyện với chúng tôi.
Ông phấn khởi cho biết, con gái ông sắp được ra tù rồi, "cháu đã khá lên rất nhiều, sống có bản lĩnh và còn nhắc nhở bố cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Hai bố con tôi thường trao đổi thư từ cho nhau, thông báo tình hình sức khoẻ, gia đình và hoàn cảnh sống hiện tại. Qua những lá thư, tôi vẫn bảo cháu nghiên cứu, tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo trong trại giam để chuẩn bị hành trang cho ngày trở về với xã hội. Con gái luôn nhắc tôi phải giữ gìn sức khoẻ lúc tuổi già, hẹn ngày bố con đoàn tụ với gia đình khi mãn hạn", phạm nhân Tài giọng vui vẻ.
Chia sẻ với chúng tôi về chuyện gia đình, trong lúc vui vẻ, ông Tài cho biết thêm, cậu con trai của mình sau khi đi du học bên Trung Quốc về đã tìm được công việc ổn định trong một ngân hàng lớn. Cháu là nguồn động việc của cả gia đình ông, thay bố và em gái chăm sóc mẹ ở nhà.
Chia tay tiến sỹ-phạm nhân Nguyễn Viết Tài, ông bảo với chúng tôi: Mọi tội lỗi đều phải trả giá và ông chấp nhận hình phạt pháp luật dành cho mình. Đã đi được 1/3 quãng đường cải tạo, ngày trở về của vị tiến sỹ tuy còn dài nhưng chúng tôi hy vọng ông sẽ gột rửa mọi tội lỗi để sống thanh thản. Ông còn bảo: Tôi luôn tự nhủ lòng mình phải vững tâm cải tạo tốt, tuân thủ nội quy trại giam để được hưởng ân xá, giảm án.
Thiên Long