Nụ cười ám ảnh nơi xó núi
Chúng tôi đến Làng Thượng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng một chiều mưa ảm đạm. Xóm nghèo vẫn vắng ngắt đến thê lương. Những ngôi nhà trình đất lụp xụp đã xiêu vẹo vẫn cài then, đóng cửa im ắng. Sự sống của những người dân nơi đây cứ trôi ngày qua ngày trong âm điệu tẻ nhạt.
Trên con đường làng lầy lội, bùn đất nhão nhoét, một đứa trẻ đang đứng hứng mưa cười ngặt nghẽo. Hỏi ra mới biết, đó là cháu Lường Văn Việt, SN 1995, bị thiểu năng trí tuệ. Hình ảnh cháu Việt lủi thủi, quẩn quanh ở ngôi làng nhỏ bé này với một bộ quần áo rách rưới nhuốm đầy bùn đất, cười ngặt nghẽo đã trở thành quen thuộc với người dân nơi đây. "Lúc nào Việt cũng cười, gặp ai cũng cười, vui cũng cười, buồn cũng cười, ốm đau, bệnh tật cũng cười. Chỉ cần nghe tiếng cười là biết Việt đang đến". Anh Nông Văn Hiếu, người cùng thôn cho biết. Có lẽ chỉ tiếng cười của Việt là âm điệu da diết, khác lạ hơn so với âm điệu tẻ nhạt của xó núi này.
Điều khác lạ, mỗi khi Việt cười, dân làng lại cảm thấy đau nhói. Bởi người phát ra tiếng cười ấy là một đứa trẻ mồ côi cả bố và mẹ. Thật tủi thân khi chúng sinh ra đã mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, không biết bố mẹ là ai, chỉ biết cười.
Theo anh Lường Văn Thọ (chú ruột cháu Việt), mọi sự sống của hai cháu nhỏ đều do bà nội đã ngoài 80 tuổi gánh vác
Bố mất, mẹ bỏ đi
Tiếp chúng tôi trong căn nhà được xây thô từ gạch ba - banh, mái lợp bờ - lu, anh Lường Văn Thọ, SN 1967, chú ruột của Việt tâm sự: "Đây là ngôi nhà do Nhà nước tài trợ, dân làng chung sức dựng thành nơi trú ngụ cho những số phận bất hạnh. Người bà nội năm nay đã 80 tuổi, là trụ cột gia đình, chăm lo cuộc sống cho hai người cháu Lường Văn Việt, SN 1995 và Lường Thị Hương, SN 1996 (cả hai cháu đều bị mắc chứng bệnh về tâm thần bẩm sinh từ nhỏ)".
Được biết, hoàn cảnh gia đình của hai em Việt và Hương rất bất hạnh. Mẹ bỏ đi tha hương lúc Việt mới tròn một tuổi, còn Hương thì mới chào đời. Gánh nặng cuộc sống gia đình được dồn lên vai người bố là Lường Văn Tính khi phải một mình nuôi con nhỏ và mẹ già. Cách đây hai năm, trong một chuyến đi khai thác gỗ trên rừng, anh Tính đã gặp phải tai nạn và chết một cách thương tâm. Bố mất, hai đứa trẻ mồ côi, bị tật nguyền chung sống cùng người bà nội Nguyễn Thị Khuyển, ngoài 80 tuổi.
Anh Thọ cho hay: "Tôi là chú của cháu Việt và Hương nhưng cũng chẳng giúp được gì cả. Gia đình của tôi cũng vất vả, khó khăn không kém. Ở mảnh đất nghèo này, chẳng có nghề nào khác ngoài nghề nông. Chúng tôi làm quần quật cả năm cũng chẳng đủ để ăn, lại còn phải nuôi con, nuôi cháu. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng chỉ góp được vài ba ký gạo để giúp ba bà cháu nghèo khổ, còn sự sống của hai đứa trẻ chủ yếu đều do bà nội lo lắng".
Cháu Lường Văn Việt trong bộ quần áo rách rưới
Bà cụ già còng lưng nuôi hai cháu nhỏ tật nguyền
Thời điểm chúng tôi đến thăm, bà Nguyễn Thị Khuyển đang phải đi chăn trâu trên núi. Được biết, bà Khuyển đã già yếu nhưng hàng ngày bà vẫn phải vật lộn kiếm sống và nuôi hai cháu tật nguyền. Công việc chủ yếu của bà là đồng áng. Ngoài ra, bà Khuyển vẫn phải cố dùng chút sức mọn còn sót lại của mình để làm thuê cuốc mướn, ai thuê gì bà nhận làm đó. Bà chắt chiu từng cắc bạc lẻ để đong gạo nuôi hai đứa cháu nội tật nguyền. Có thể nói cuộc đời của cụ Khuyển là điệp khúc buồn, xót xa.
Cuộc đời bà cũng không có một ngày được sung sướng. Vốn sinh hạ được tổng cộng 10 người con, cả trai lẫn gái, tần tảo nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Tuy nhiên, các con bà đều bỏ đi nơi khác làm ăn, có người vào tận miền Nam kiếm kiếm sống. Tưởng rằng lúc về già sẽ được con cái phụng dưỡng, nhưng cụ lại phải tiếp tục gánh lên đôi vai gầy yếu của mình trọng trách còn nặng nề hơn, chăm sóc hai đứa cháu nội bị tâm thần bẩm sinh.
Cả ba bà cháu chỉ có một sào ruộng cắm dùi. Mỗi vụ mùa, bà cụ lại tự gieo mạ, tự cấy. Lúa thu hoạch xong cũng không đủ nấu vài bữa đã hết sạch. Đói vẫn hoàn đói. Trong hai cháu, duy chỉ có Việt hàng tháng được trợ cấp 180.000 nghìn đồng theo diện người khuyết tật, còn Hương thì không có. Không để các cháu phải đói, bà cụ lại phải vay mượn bà con hàng xóm. Vụ sau lại trả.
Tuy cuộc sống có khó khăn, nhưng bao nhiêu năm trời bà vẫn chăm lo cho các cháu từng bữa cơm, giấc ngủ. Hàng ngày bà phải chăm lo từng bữa ăn, vệ sinh cho hai cháu. Sáng dậy nấu cơm, nấu cháo cho cháu ăn xong, bà lại lặn lội lùa trâu vào rừng, trưa lại tranh thủ về nhà lấy cháo cho cháu ăn, nhiều hôm đi xa, không kịp về thì cháu bà nhịn đói, thế rồi bà dậy sớm nấu cả nồi cháo to, sau đó bà nhờ hàng xóm rằng, đến bữa không thấy bà về thì "múc" cháo cho các cháu bà ăn. Có nhiều hôm, dân làng thấy cụ hốt hoảng chạy khắp xóm tìm hai người cháu lạc, không biết đường về. Có đêm các cháu đau ốm, bà lại chạy khắp xóm tìm người giúp đưa đi trạm xá. Người ta thường nói, trẻ cậy cha, già cậy con, nhưng ở gia đình của cụ Khuyển giờ đây đang diễn ra một nghịch lý.
Trao đổi với chúng tôi, anh Ma Văn Hùng, bí thư chi bộ thôn Làng Thượng cho hay: "Thấy hoàn cảnh thương tâm, bà con láng giềng vẫn thường góp cho vài ba đấu gạo, ít rau xanh, mắm muối, chủ yếu vẫn là củ khoai, củ sắn. Cuộc sống của ba bà cháu luôn gắn với đói nghèo. Khổ nhất là bà cụ, ngày ngày vẫn phải làm thuê để kiếm sống và nuôi cháu".
Chúng tôi rời Làng Thượng khi trời đã tối mịt, người dân nghèo mới vội vã về nhà. Căn nhà tạm đã chìm khuất sau lưng đồi, nhưng hình ảnh về ba bà cháu bất hạnh vẫn ám ảnh khôn nguôi.
Mong các nhà hảo tâm cứu giúp Anh Ma Văn Hùng, Bí thư chi bộ làng Thượng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hoàn cảnh của gia đình cụ Khuyển là một trường hợp đặc biệt khó khăn ở đây. Tuy gia đình cụ đã có sổ hộ nghèo, nhưng ngoài việc hỗ trợ tiền điện hàng tháng, thì không có thêm nguồn kinh phí gì. Rất mong Nhà nước, các nhà hảo tâm có thể quan tâm, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh này. |
Hoàng Thế Tào