Đó là lời trăng trối của bà Gưch (77 tuổi, dân tộc Bahnar) trước khi tuyệt thực chết theo con trai là anh Byut (60 tuổi), cùng trú tại làng H'Lim, xã Lơ Pang, Mang Yang, Gia Lai. Câu chuyện khiến nhiều thương cảm nhưng không phải ai cũng đồng tình với hành động của bà. Bởi có nhiều cách để thể hiện tình cảm và mạng sống mỗi con người là thiêng liêng, không ai được quyền tước đi sinh mạng một con người, dù đó là của chính mình.
Tình mẫu tử thiêng liêng
Sau khi con trai bị bệnh ung thư qua đời, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm khi tiếng gà vừa gáy, bà Gưch đã có mặt tại nhà mồ của con trai mình khóc trong nỗi đau đớn tột độ. Sau một tháng tuyệt thực vì thương nhớ con trai, bà Gưch đã chết và được chôn cất ngay cạnh mộ người con trai mà bà yêu thương nhất như lời trăng trối.
Những ngày đầu tháng 2/2012, trong chuyến công tác về các huyện của tỉnh Gia Lai, chúng tôi vô tình được nghe câu chuyện cảm động trên và tìm đến UBND xã Lơ Pang. Anh A Dư - trưởng Công an xã Lơ Pang và cũng là người trú tại làng H'Lim xác nhận câu chuyện hoàn toàn có thật.
Theo anh Dư: Bà Gưch lấy chồng sớm và sinh được hai người con, một trai và một gái. Nhưng không may người con gái và chồng của bà Gưch đều chết sớm vì bị bệnh tật. Ngôi nhà đông vui ngày nào chỉ còn bà và người con trai hiếu thảo, nên tất cả tình thương bà đều dồn hết cho người con trai duy nhất là anh Byut.
Dù luôn bận bịu với công việc nương rẫy nhưng người mẹ lam lũ, chịu thương chịu khó vẫn luôn dành thời gian chăm sóc cho con trai đến từng bữa cơm giấc ngủ. Bù lại, người con trai của bà cũng luôn biết vâng lời, thương yêu và hiếu thảo với mẹ. Tình mẫu tử của hai mẹ con bà Gưch luôn được dân làng ca ngợi. Lúc nào họ cũng thấy hai mẹ con siêng năng lên rẫy, cùng nhau đi rừng, cùng nhau cuốc cỏ, trồng rau trong vườn.
Tình mẫu tử của người mẹ đáng kính dù đã ở thế giới bên kia vẫn được người đời ca tụng.
Người con trai hiếu thảo
Không muốn rời xa mẹ nên dù đã đến tuổi lấy vợ, bao nhiêu thiếu nữ trong làng lớn lên đều muốn được lấy người con tháo vát, hiếu thảo của bà Gưch làm chồng, nhưng Byut đều từ chối. Mãi đến hơn 40 tuổi, sau nhiều lần mẹ khuyên nhủ và thuyết phục, Byut mới đồng ý cưới một người con gái cùng làng đã chờ đợi anh từ lâu. Sau khi cưới vợ, Byut đề nghị vợ về nhà mẹ của mình cùng ở với bà chứ anh quyết không rời xa mẹ để về ở rể nhà vợ. Cảm động trước sự hiếu thảo và tình yêu của chồng, chị Zăk đồng ý ngay.
Cả ba người sống hòa thuận và hạnh phúc vì luôn dành tình cảm và sự quan tâm chăm sóc cho nhau mỗi ngày. Vợ chồng Byut đã sinh cho mẹ được hai người cháu ngoan. Đứa lớn tên Thao năm nay 14 tuổi và đứa bé tên Xoen 8 tuổi.
Tình cảm của hai mẹ con bà Gưch dành cho nhau vẫn là thứ tình thương vô bờ bến mà không điều gì có thể sánh nổi. Thế nhưng Yàng (trời) đã không thương bà, cách đây 7 tháng, không may anh Byut chết vì bị bệnh ung thư. Trời đất như sụp đổ trước mắt bà. Anh Byut, đứa con trai mà bà hết mực yêu thương nằm đó khiến bà chết lặng. Không biết nói gì bà chỉ biết khóc thét lên và nói đi nói lại lời trăng trối với mọi người, rằng: "Dù tôi còn sống hay tôi đã chết, xin hãy cho tôi được mãi mãi ở bên cạnh con trai của tôi, đừng bắt tôi phải xa con trai yêu quý, cho tôi được chết theo con trai của tôi để mãi mãi được ở bên cạnh con".
Dù rất đau đớn nhưng bà Gưch vẫn gắng gượng để lo hậu sự cho con trai. Là người nghèo khổ, vất vả quanh năm, nhưng sau khi con trai chết, bà đã gom hết toàn bộ tài sản và số tiền mà bà dành dụm được mấy chục năm trước, xây cho con trai một ngôi mộ khang trang và đẹp nhất làng, ngôi mộ của con trai bà giống như những ngôi mộ của những người Kinh giàu có trong vùng.
Nhà mả của bà Gưch (mái tôn) được xây bên cạnh, trước người con trai của bà.
Quyết tuyệt thực chết theo con
Lo hậu sự cho con trai chu đáo, nhưng trong lòng bà Gưch vẫn không nguôi ngoai được nỗi đau mất con. Vì quá thương nhớ con, hàng ngày bà Gưch đều ra nhà mồ của con trai để hương khói. Mỗi lần như vậy bà đều ngồi khóc rất thảm thiết.
Khu nhà mồ của làng lại nằm ngay bên cạnh con đường liên xã, nên mỗi khi đi qua đoạn đường có khu nhà mồ này, nghe tiếng kêu khóc và nỗi đau thương xé lòng của người mẹ tội nghiệp, ai ai cũng xót thương. Từ sáng đến tối, bà chỉ biết nằm khóc bên mộ con. Thương mẹ chồng tội nghiệp, người con dâu là chị Zăk dù rất đau buồn mỗi khi nhớ đến chồng cũng đành giấu những giọt nước mắt buồn đau vào trong để động viên mẹ chồng, nhưng mẹ vẫn không nghe.
"Không chỉ khóc lóc thảm thiết bên cạnh nhà mồ của con trai", mà bà Gưch còn không chịu ăn bất cứ thứ gì, bà quyết tâm tuyệt thực, hàng ngày bà chỉ uống nước để thoi thóp sống qua ngày. Mặc cho con cháu và họ hàng năn nỉ, bắt ép bà ăn, nhưng bà vẫn mím môi kiên quyết không chịu ăn. Mỗi lần như vậy, mọi người chỉ biết gạt nước mắt thở dài", anh A Dư kể lại. Thời gian nặng nề trôi qua, sau gần một tháng tuyệt thực vì đau khổ, nhớ thương con trai, bà Gưch cũng đã trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà sàn mà bà và người con trai sinh sống hàng chục năm nay.
Tìm về ngôi nhà mà trước đây bà Gưch đã sống cùng con cháu của mình, chúng tôi nhận thấy nơi đây giờ trở nên vắng vẻ. Chỉ có bé Xoen, cháu gái bà ở nhà, bé cho biết mẹ đi trả công từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Khi nhắc về bà nội và cha mình, bé tâm sự: "Lúc còn sống bố rất thương bà, bà cũng rất thương bố. Khi bố chết, bà không chịu ăn uống gì cả, mẹ và anh cứ năn nỉ bà ăn rồi đưa bà ra mộ nhưng bà cứ nằm một chỗ không chịu ăn. Bà nói bà thương và nhớ bố, bố còn trẻ mà lại chết trước bà. Bà không muốn sống nữa mà chỉ muốn chết để mau chóng được gặp lại bố và về ở với bố như trước kia thôi. Từ khi bố và bà chết, mẹ và anh em cháu buồn lắm. Nhiều lần mẹ cũng muốn dọn về nhà ngoại ở nhưng thương nhớ bố, mẹ lại không dọn đi. Mẹ và anh em cháu ở lại đây để được thấy bố và bà mỗi ngày".
Và ngôi nhà mồ của bà Gưch không phải nằm gần mồ của chồng mình, mà được con dâu và bà con trong làng xây bên cạnh ngôi nhà mồ của con trai bà, theo tâm nguyện của bà lúc con sống là mãi mãi được ở bên cạnh con trai.
Tình mẫu tử thiêng liêng của bà Gưch với con trai thật cảm động. Tuy nhiên cách thể hiện tình cảm của bà bằng cách đánh đổi sinh mạng của mình thì bà con trong bản, cũng như trong xã hội đều không đồng tình với cách làm của bà. Vì không ai được quyền tước đi sinh mạng của con người, dù đó là của chính mình. Hy vọng lần đầu tiên và cũng là lần cuối tôi cũng như mỗi chúng ta được nghe, được thấy câu chuyện tương tự...
Nguyễn Tâm