Tôi năm nay 27 tuổi, hiện đang là giáo viên dạy múa của một trung tâm ở Hà Nội. Từ nhỏ, tôi đã thích học múa hát, thích được thả hồn mình theo những nốt nhạc. Khi đỗ vào một trường cao đẳng nghệ thuật ở Hà Nội, tôi bật khóc.
Bố mẹ ban đầu cấm đoán, muốn tôi theo ngành kinh tế, nhưng rồi không ai cản nổi niềm đam mê của tôi. Chỉ khi cầm trong tay giấy báo nhập học, bố mẹ tôi mới gật đầu: “Nếu con đã quyết bố mẹ không cản nữa”.
Ra trường tôi sớm xin được việc làm. Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, tôi chẳng may bị tai nạn trên đường đi làm. Mất 2 ngón chân tôi suy sụp hoàn toàn. Rời bệnh viện tôi nhốt mình 1 tháng trong phòng không muốn tiếp xúc với ai. Tôi cũng không muốn trở lại trung tâm nữa, bởi nhìn thấy các em học sinh, tôi càng thấy số phận mình hẩm hiu.
Một buổi chiều, bố vào phòng tôi mang theo một cuốn nhật ký rồi nói: “Từ ngày xưa, bố đã thích viết lách…”. Sau đó, bố lật từng trang và dừng lại ở giữa cuốn nhật ký. Bố không nói mà bảo tôi đọc nó đi.
Từng dòng chữ bố viết là dòng cảm xúc sâu sắc về một vận động viên bơi lội bị khuyết tật, nhưng anh ta vẫn cố gắng giành được giải thưởng cao nhất. Ngày xưa, bố từng theo dõi các buổi huấn luyện của chàng trai này.
Bố nói với tôi: “Chỉ cần có niềm tin, nuôi dưỡng đam mê, không gì là không thể cả”. Sau đó, hai bố con tôi đã ôm nhau và khóc.
Hiện tại, tôi đã trở lại với công việc, nhưng những điều bố nói ngày hôm đó tôi không thể nào quên, chính bố đã tiếp thêm nghị lực để tôi tự tin bước tiếp, theo đuổi đam mê của mình. Tận sâu thẳm con tim, tôi muốn nói cảm ơn bố rất nhiều!
Xem thêm:
Vợ sắp sinh, tôi nghẹn đắng khi biết mình không phải bố đứa bé
Thanh Bình (Ghi theo lời kể của Hán Thị Yên, Thanh Hóa).