Đề xuất giảm xe cá nhân, tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông của TP.HCM năm 2030 đang nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Để hiểu rõ hơn về những đề xuất này, PV có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa kỹ thuật giao thông, Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM:
-Thưa ông, tình hình ùn tắc giao thông tại TP.HCM hiện đang ở mức độ nào?
Hiện nay, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông tại TP.HCM đã ở mức báo động. Hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hầu như ở các hành lang và nút giao thông trọng điểm. Nhiều nhất là ở các cửa ngõ ra vào thành phố chứ không riêng khu vực trung tâm.
TP.HCM hiện nay có lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, mật độ trung bình của xe gắn máy lưu thông trên đường chiếm từ khoảng 79% so với các loại xe khác, nên hầu hết những vụ kẹt xe là do có quá nhiều xe máy lưu thông.
-Vậy, có thể hiểu xe máy chính là nguyên nhân gây kẹt xe phải không, thưa ông?
TP.HCM hiện có khoảng 7,5 triệu xe máy, thời gian gần đây, mỗi năm lượng xe máy tăng khoảng từ 400.000 - 450.000 chiếc, tốc độ tăng trung bình hàng năm là 7 - 8%. Tính trung bình có 910 xe máy/1.000 dân, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới.
Do thói quen dùng xe máy làm phương tiện đi lại chính của người dân, vì vậy mà TP phải cần hơn 91 triệu m2 đường, gấp 3,5 lần diện tích đang có mới đáp ứng đủ lượng xe máy hiện có hoạt động theo tốc độ cho phép. Trong khi quỹ mặt đường hiện nay tại TP.HCM khoảng 26 triệu m2 là đã không đủ khả năng chứa 75% - 80% lượng xe gắn máy hoạt động đúng tốc độ cho phép.
Do đó, tắc nghẽn giao thông xảy ra là tất yếu vì lượng xe lưu thông trên đường rất lớn, vượt quá khả năng chứa của mặt đường.
Ngoài ra, xe máy cũng là thủ phạm chính gây ra tai nạn giao thông với tỷ lệ 71% tai nạn giao thông có liên quan đến ze máy. Số liệu thống kê cho thấy hàng năm tại TP.HCM tai nạn giao thông làm chết 700 - 800 người và hàng ngàn người bị thương. Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu tại nội đô và chủ yếu do xe máy.
Tính trên phạm vi cả nước, có khoảng 10.000 người chết do tai nạn giao thông, con số này tương đương với số người chết vì 43 tai nạn máy bay rơi. Cứ thử tưởng tượng nếu Việt Nam một năm có 43 chiếc máy bay rơi thì ai cũng thấy quá sức kinh khủng, sẽ không còn ai dám đi máy bay nữa. Nhưng vì xe máy gây ra các vụ nhỏ lẻ và trải đều nên ít ai quan tâm.
Việc không quyết liệt loại bỏ xe máy đã kéo lùi sự phát triển của TP.HCM. Bởi theo tính toán sơ bộ, tổng thiệt hại do xe gắn máy gây ra cho TP.HCM ước khoảng 6,184 tỉ USD mỗi năm, chiếm 13,4% GDP của TP, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của TP hàng năm (chỉ đạt khoảng 7-8%)
Xe máy đang gây ra nhiều bất tiện, bất lợi và thiệt hại đối với cộng đồng nên nhất thiết phải giảm sự lưu thông của loại phương tiện này.
-Hiện lượng xe máy lưu thông là quá lớn, vậy làm cách nào để hạn chế được xe máy, thưa ông?
Về giải pháp nguồn, phải giảm nguồn cung, không nhập khẩu xe máy, hạn chế phát triển công nghiệp xe máy; tăng phí mua mới, thu phí cao người sở hữu từ 2 xe trở lên, tăng phí giữ xe ở các khu trung tâm, tuyền thông về tác hại của xe máy….
Cụ thể, TP. có thể triển khai thu phí vào khu trung tâm bằng cách tăng dần mức phí đậu xe vào trung tâm và hạn chế tổ chức chỗ đậu xe, không quy hoạch khu vực đậu xe ở khu trung tâm, tổ chức phố đi bộ ở khu trung tâm… thì người dân sẽ không sử dụng xe máy ở các khu vực này.
Khuyến khích người nghèo, học sinh, sinh viên, công chức đi xe buýt với giá vé thấp hoặc vé zero (miễn giảm vé hoàn toàn cho người nghèo và học sinh, sinh viên một thời gian nhất định trong năm) và qua đó giảm được lượng xe máy lưu thông.
-Thưa ông, hạn chế xe máy, tiến tới loại bỏ xe máy khỏi hệ thống giao thông thành phố, nhưng trong điều kiện giao thông công cộng chưa phát triển, hoàn thiện thì người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì?
Trong khi thực hiện sẽ xảy ra sự lộn xộn nhưng chúng ta phải chấp nhận trong thời gian quá độ này. Trước mắt, người dân có thể đi xe buýt đi làm, hay có công việc gì phải di chuyển.
Theo nghiên cứu khoa học, có 65% người dân có thể tiếp cận đi xe buýt và họ chỉ cần đi bộ 300-500m. Và, trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo điều kiện cho người dân đi xe buýt nhiều hơn, bằng việc trợ giá, trợ cấp. Như vậy, đây là biện pháp để dần dần người ta từ bỏ xe cá nhân để đi xe buýt.
-Phát triển hệ thống giao thông công cộng để giàm lượng xe gắn máy, xe cá nhân là biện pháp tối ưu nhất hiện nay, thưa ông?
Việc hạn chế xe gắn máy chỉ có hiệu quả khi tỷ lệ hành khách đi xe buýt hay hệ thống giao thông công cộng (GTCC) đạt từ 40% trở lên, đây đúng là biện pháp tối ưu nhất hiện nay, qua đó từng bước giảm ùn tắc giao thông.
Cần quy hoạch tái cấu trúc lại mạng lưới tuyến xe buýt sao cho người dân có thể tiếp cận xe buýt trong khoảng 500m trở lại. Nên ưu tiên phát triển GTCC với lộ trình đi từ hệ thống các xe buýt, xe điện, metro,... Việc xây dựng lộ trình để thực hiện các dự án này là khả thi và có thể thực hiện được trong khoảng từ nay đến năm 2030.
Ở các nước phát triển trên thế giới, hệ thống giao thông công cộng (GTCC) chiếm trên 40% - 75%, văn hóa giao thông tốt, chế tài giao thông theo luật, vì vậy khi chính phủ các nước có hệ thống GTCC phát triển đưa ra các chính sách giảm xe cá nhân kèm theo các chính sách giảm phí hoặc miễn phí GTCC để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng GTCC, người dân sẽ có nhiều lựa chọn và từ đó có thể sẽ giảm kẹt xe.
-Xin cảm ơn ông!
Công Thư (thực hiện)