"Tôi lấy ví dụ về trường hợp của bức ảnh nụ cười Việt Nam được đưa lên tràn lan cả trong và ngoài nước để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, chẳng ai chịu trả tiền bản quyền cho cô gái trong bức ảnh. Cô gái có khiếu nại thì cũng không có ai giải quyết. Cũng tương tự, trường hợp hình ảnh thổi đo độ cồn của anh Trần Văn Quang bị treo trên pano, áp phích cũng vậy. Việc lấy ảnh của anh ấy làm pano là ý của các cơ quan có chức năng, không phải của cá nhân, khi xảy ra khiếu nại không có đơn vị nào chịu trách nhiệm. Anh Quang có quyền khiếu nại để dỡ bỏ hình ảnh đó với lý do sau khi nộp phạt hành chính thì anh đã hết nghĩa vụ với pháp luật. Hình ảnh vi phạm đó không còn ý nghĩa nữa. Tóm lại, xung quanh chuyện quyền cá nhân có rất nhiều việc, luật phải điều chỉnh cho phù hợp", luật sư Đăng nói.
Luật sư Hà Đăng
Luật sư Nguyễn Văn Tú, giám đốc Công ty luật Fanci (Hà Nội) khẳng định, quyền cá nhân là một khía cạnh rất rộng, tùy từng trường hợp bị xâm phạm mà có mức xử phạt cụ thể. Tuy nhiên, ở nước ta vấn đề thông tin cá nhân hầu như chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm một cách cụ thể. Cũng theo luật sư Tú, thông tin cá nhân được coi là một quyền cơ bản của con người. Việc xâm phạm quyền cá nhân về bản chất là dân sự nhưng tùy vào mức độ nghiêm trọng, hành vi, động cơ mức độ ghê gớm có thể chuyển hóa thành hình sự. Thực tế, nhiều người ngang nhiên dùng thông tin cá nhân, hình ảnh của người khác không xin phép nhưng vẫn nghĩ mình đúng. Điều này do luật về quyền cá nhân chưa được hiểu sâu rộng, chưa được phổ biến rộng rãi. Hơn nữa, tại Việt Nam, những vi phạm này hầu như không bị xử lý, không được giải quyết bởi tòa án mà chỉ dừng ở mức khiếu nại sơ sài.
Bên cạnh đó, phần lớn các website mua bán trực tuyến và website của các doanh nghiệp Việt Nam không có một cam kết việc đảm bảo giữ bí mật các thông tin cá nhân mà họ thu thập được khi khách hàng điền những thông tin về mình lúc mua hàng. Khách hàng cũng không được biết những thông tin điền vào sẽ được sử dụng cho mục đích gì ngoài việc phục vụ cho giao dịch thương mại đang tiến hành. Ở đây, các website này chưa làm đúng luật để bảo vệ quyền cá nhân cho khách hàng, mặt khác cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam còn khá dễ tính.
Nói về vấn đề này, TS. Lê Đình Nghị, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm, pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng về bí mật đời tư, nhưng không có nghĩa vì thế mà quyền về bí mật đời tư không được đề cao và bảo vệ, nhất là trong một xã hội phát triển.
Có thể bị “đòi” bồi thường “thiệt hại” Đầu năm 2012, anh Trần Văn Quang (Hà Nội) bị xử phạt hành chính vì nồng độ cồn vượt mức cho phép khi tham gia giao thông. Chưa đầy một tuần xảy ra sự việc, hình ảnh của anh Quang với bộ dạng mặt đỏ như gà chọi đang thổi đo máy thử nồng độ cồn xuất hiện trên nhiều tấm pano trong và ngoài thành phố. Liền sau đó, anh Quang bỗng dưng được gán cho biệt danh Quang nghiện, Quang nát, Quang Chí Phèo. Hơn nữa, một trong những tấm pano đó lại treo cạnh cổng trường đứa con trai khiến bé bị bạn bè trêu chọc. Quá bức xúc, anh Quang đến Ban an toàn giao thông đề nghị tháo tất cả hình ảnh của anh xuống và đòi bồi thường thiệt hại. |
Yến Mây