Sau những cuộc tranh cãi nảy lửa, nhiều văn bản buộc phải hủy bỏ hoặc tạm dừng thi hành. Thậm chí, có những dạng văn bản (đóng dấu cơ quan Nhà nước) khôi hài tới mức phân công trực đám ma, tổ chức đám cưới (việc nhà) một lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị... Tất cả những điều trái khoáy ấy chưa có cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm nên các văn bản "trên trời" vẫn có cơ hội "tái xuất". Rõ ràng, ở đây cần có giải pháp, có một chế tài, quy trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, người đứng đầu để hạn chế tối đa dạng văn bản gây bức xúc dư luận. Xoay quanh vấn đề này, PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Trái khoáy, vô cảm
Thưa ông, thời gian qua có nhiều Nghị định, Thông tư (văn bản quy phạm pháp luật) vừa ban hành đã buộc phải thu hồi, hoặc mới là dự thảo đã bị dư luận phản ứng vì bất cập thậm chí vô lý. Ông bình luận gì về thực tế này?
Theo tôi, còn rất nhiều cái tồn tại mà chưa được giải quyết, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã cố gắng thể chế hóa nhưng chưa hoàn chỉnh. Có rất nhiều vấn đề của quản lý xã hội, đời sống nhưng cơ quan ban hành văn bản chỉ đưa ra văn bản để quản lý chứ chưa hướng đến người dân.
Nghị định về phạt xe không chính chủ và quy định phạt mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn của các bộ, ngành đã gặp phản ứng mạnh mẽ của người dân.
Các cơ quan địa phương ban hành văn bản cũng chưa hiểu hết, không có quyết định đúng đắn để phục vụ đại đa số quần chúng. Trong đó có nhiều cái không phù hợp lòng dân, không đáp ứng thực tiễn.
Bên cạnh đó, thủ tục và quy trình ban hành các văn bản pháp luật không chặt chẽ, tùy tiện dẫn đến chất lượng văn bản kém. Từ thực trạng ban hành văn bản pháp luật trong thời gian vừa qua, tồn tại lớn nhất là văn bản của các bộ ngành và địa phương.
Như vừa qua, theo Văn phòng Chính phủ, một loạt văn bản dưới dạng Nghị định, Thông tư đã ban hành hoặc chuẩn bị ban hành gần đây do các bộ, ngành chuẩn bị cũng bị lỗi rất nhiều. Lỗi không chỉ ở câu từ, ngữ pháp... mà có không ít quy định có nội dung xa rời thực tế, thiếu tính khả thi và không phù hợp, đồng bộ với quy định của các luật đã có.
Như vậy, thưa ông điều này có thể lỗi sai xuất phát từ tư duy của những người soạn thảo văn bản?
Ở một góc độ nào đó, có thể coi đây là những văn bản "trong phòng máy lạnh" do các cán bộ, chuyên viên soạn thảo chỉ ngồi một chỗ nghĩ ra, trình ký mà không có những khảo sát, đánh giá vấn đề phải giải quyết trên thực tiễn từ nhu cầu bức xúc trong dân sinh. Cho nên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đang còn là dự thảo hoặc chỉ mới ban hành được ít ngày đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận, thậm chí từ chính các cơ quan Nhà nước khác, từ cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp) nên đã ngay lập tức phải sửa đổi hoặc hủy bỏ.
Cụ thể nhất là Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT được ban hành ngày 28/2 của liên bộ Khoa học và công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông - Vận tải ký về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trong đó quy định phạt với người đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng như đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, từ 100.000 đến 200.000 đồng. Ngay khi vừa ban hành, tuy chưa đến thời điểm áp dụng như trong Thông tư này nêu, quy định trên đã vấp phải phản ứng rất mạnh trong dư luận. Bộ Tư pháp cũng ngay lập tức có ý kiến phản đối quy định này.
Chính vì thiếu thực tế, lợi ích cục bộ, không vì lợi ích của người dân nên nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã gặp những phản ứng gay gắt từ dư luận?
Những văn bản tùy tiện, nhiều sai sót nó có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất do trình độ của những người làm trong cơ quan công quyền, chưa có tầm bao quát vấn đề. Những người này thường xuất phát từ cách nhìn mang tính cục bộ. Ví dụ như bộ, địa phương đưa ra văn bản thì thường là tính tới lợi ích của ngành, địa phương mình. Họ không thực sự nghĩ đến lợi ích của người dân. Chính vì trình độ hiểu biết kém như vậy dẫn đến ban hành những văn bản xa rời thực tiễn.
Thứ hai, chính những cơ quan, bộ ngành, địa phương ban hành văn bản thiếu cái tâm, thậm chí có sự vô cảm. Từ những chuyên viên soạn thảo văn bản đến người ký duyệt cũng thiếu bao quát, thiếu góc nhìn toàn cục của nhà quản lý. Hay như trước đó nữa, một văn bản nghị định của Chính phủ- Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ban hành ngày 17/12/2012 quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức, trong đó quy định ở Điều 4: "Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài". Quy định này có phần hơi lủng củng về ngôn từ và đặc biệt là thiếu tính khả thi, không có tình và cũng không có lý. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có văn bản đề nghị rút lại quy định này.
Đó là các dạng văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng không có tính khả thi, bị phản ứng mạnh nên phải rút, thu hồi lại. Nhưng cũng có rất nhiều quy định thiếu tính khả thi đã phải rút ngay từ khi còn đang dự thảo lần đầu... Ví dụ như quy định người xuất cảnh, người đi nghĩa vụ quân sự... trên 2 năm thì xóa tên khỏi sổ hộ khẩu trong dự thảo Luật Cư trú hay quy định thu phí bảo trì đường bộ với người đi xe đạp điện trong một Thông tư của bộ Tài chính.
Tuy việc sửa đổi, gỡ bỏ các quy định thiếu tính khả thi đó có thể cho là bình thường do vẫn còn đang trong quy trình xây dựng, lấy ý kiến, cái gì chưa hợp lý thì bỏ đi. Nhưng tần suất số quy định thiếu tính khả thi mà quá nhiều thì cũng phản ánh tư duy, thậm chí là "não trạng" của người làm chính sách ở nhiều cơ quan, ban ngành đang rất có vấn đề.
Ông Vũ Mão cho biết: “Việc ban hành những quy định trái khoáy, không phù hợp sẽ khiến người dân mất niềm tin vào luật pháp”.
Đẩy khó cho dân
Thưa ông, ông suy nghĩ như thế nào khi một số bộ ngành, địa phương ban hành văn bản để dễ quản lý, đẩy khó cho dân?
Việc làm đó dẫn đến hậu quả là không yên lòng dân. Tính nghiêm trọng của nó rất lớn bởi chúng ta đang xây dựng một xã hội đòi hỏi mọi người phải tôn trọng và làm theo pháp luật. Người dân rất buồn phiền về những việc không đáng có này.
Rõ ràng trách nhiệm, trước hết thuộc về cơ quan (và những người) có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật. Thứ nữa là cơ quan có thẩm quyền kiểm soát các văn bản pháp luật là bộ Tư pháp. Thường thì Bộ nào đó ban hành một thông tư thì phải thông qua bộ Tư pháp xem xét. Bộ Tư pháp có quyền phản bác nếu thấy văn bản, thông tư đó làm sơ sài, thiếu hợp lý.
Đấy là trách nhiệm của những công chức (bao gồm cả người lãnh đạo) của các cơ quan hành pháp. Theo tôi, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng không thể thoái thác trách nhiệm của mình theo chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến định. Các cơ quan của Quốc hội có quyền giám sát các bộ ngành và địa phương trong việc ban hành và thi hành pháp luật. Những cái này cơ quan giám sát vẫn chậm và còn yếu.
Thời gian vừa qua, một văn bản pháp luật nhưng nhiều Bộ liên quan có ý kiến khác nhau gây ra phản ứng dư luận xấu. Đứng ở góc độ là một người dân ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Đúng là thời gian vừa qua có nhiều văn bản đưa ra gây tranh cãi như Nghị định 71 giữa bộ Giao thông Vận tải và bộ Công an. Một bên yêu cầu tiếp tục xử phạt xe không chính chủ, một bên yêu cầu hoãn. Ở góc độ một công dân, tôi thấy không thể chấp nhận được.
Theo quy định của luật, để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành phải có ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này đôi khi chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ. Mặt khác, việc thống kê, tập hợp xử lý ý kiến góp ý của người dân hiện vẫn là khâu yếu. Người dân khi gửi ý kiến đến các cơ quan chức năng thường không nhận được phản hồi có được tiếp thu hay không, nếu không thì vì lý do gì?
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn My - Cao Tuân