Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn không ngừng leo thang. Vào ngày 16/4 Bình Nhưỡng lại tiếp tục thử tên lửa. Dù vụ thử tên lửa này thất bại song các chuyên gia cho rằng vụ việc có thể làm gia tăng áp lực lên Trung Quốc.
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà sáng lập Triều Tiên và vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ngày 16/4, Ủy viên Quốc vụ việnTrung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã điện đàm và trao đổi quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Dương cho rằng, các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước nên được duy trì, trong khi những bất đồng về quan điểm nên được tôn trọng. Ông Tillerson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên lạc và hy vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ phát triển hơn nữa.
Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa và vụ việc xảy ra ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trên trang cá nhân, hôm Chủ nhật, ông Trump cho biết, Bắc Kinh đang cùng Mỹ thảo luận về vấn đề Triều Tiên.
Ông Lu Chao, Giám đốc viện Nghiên cứu biên giới thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Liêu Ninh nhận định, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên tuy thất bại song có thể là một thông điệp từ Bình Nhưỡng rằng Triều Tiên sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn trước những mối đe dọa về hành động quân sự của Mỹ.
Động thái này có thể sẽ càng khiến Mỹ gia tăng sức ép, khi mà Washington trước đó đã ra lệnh điều hai nhóm tàu sân bay đến khu vực, ông Lu cho biết.
"Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực lớn hơn từ Mỹ khi nước này đòi hỏi Bắc Kinh phải có thêm hành động, trong đó có việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng", ông Lu cho biết thêm.
Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã đẩy Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nước này đang chịu sức ép từ Mỹ trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng, song lại lo ngại rằng hành động quyết liệt có thể "làm khó" Bình Nhưỡng.
Ông Trump gần đây thề sẽ có hành động cứng rắn đáp trả Bình Nhưỡng nhưng ông cũng thừa nhận ông đã hiểu lầm về khả năng của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Triều Tiên.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ông Liu Ming, chuyên gia đến từ viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải của Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh không thể thúc đẩy hành động trong giai đoạn này trừ phi Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân mới.
Còn Li Lifan, chuyên gia nghiên cứu về Nga của viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải nhận định, Bắc Kinh và Moscow đang chuẩn bị cho những kịch bản về sự đối đầu do vấn đề Triều Tiên.
"Hai bên có thể thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó với bất cứ cuộc xung đột nào có thể nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù khả năng xung đột quân sự là thấp", ông Lifan cho biết.
Trung Quốc “bắt tay” hợp tác với cả Mỹ và Nga
Theo Trung tướng Lục quân của Mỹ, Lt.Gen. H.R McMaster, Washington và Bắc Kinh đang thảo luận "một loạt giải pháp" về Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng về các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Hai bên nhất trí "tình hình này không thể tiếp diễn".
Lời bình luận này được đưa ra sau khi Triều Tiên vừa phóng tên lửa thất bại và có cuộc diễu binh lớn.
Những lời bình luận trên là lời khẳng định đầu tiên rằng hai nước đang hợp tác với nhau về cách giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Tướng McMaster, người vừa đến Thủ đô Kabul của Afghanistan, cho biết sẽ có phản ứng "có lợi nhất cho người dân Mỹ".
"Tổng thống (Trump) nói rõ, ông không thể chấp nhận chuyện Mỹ và các đồng minh và đối tác trong khu vực bị đe dọa từ chính quyền thù địch có vũ khí hạt nhân này", ông McMaster cho biết.
Bắc Kinh, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, đang thực sự chịu sức ép từ Washington để gây áp lực cho nước láng giềng Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để làm dịu căng thẳng về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thông tin trên được Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga – động thái diễn ra sau khi Bắc Kinh cảnh báo về xung đột có thể leo thang về Triều Tiên.
Trong cuộc điện thoại với ông Sergei Lavrov ngày 14/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết mục tiêu chung của hai quốc gia là "đưa tất cả các bên trở lại bàn đàm phán".
"Trung Quốc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Nga để giúp bình ổn nhanh nhất có thể tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khuyến khích các bên liên quan tiếp tục đối thoại", ông Vương nói với Lavrov, đề cập đến các cuộc đàm phán 6 bên - đã bị đình trệ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, có sự tham gia của Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Xem thêm >> Ẩn số sức mạnh loại tên lửa Triều Tiên mới phóng thử
Đào Vũ