Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc: "Sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn"
Theo Reuters, Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu để thông qua lệnh trừng phạt cứng rắn nhất có thể nhằm vào Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6. Thông tin này do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho hay vào hôm 5/9.
Triều Tiên tuyên bố, nước này đã thử thành công bom nhiệt hạch hôm 3/9.
Ngay sau đó, Mỹ cảnh báo sẽ tung phản ứng quân sự “mạnh” nếu nước này và các đồng minh bị đe dọa.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cảnh báo, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cho thấy nước này đang “cầu xin chiến tranh”. Đồng thời, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt chế tài cứng rắn nhất có thể, để trừng phạt việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
“Chiến tranh không bao giờ là điều mà Mỹ mong muốn. Chúng tôi không hề muốn nó xảy ra ở hiện tại. Nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn. Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ và đồng minh của chúng tôi”, bà Haley cho hay.
“Mỹ sẽ điều tra mọi quốc gia đang làm ăn với Triều Tiên và viện trợ cho kế hoạch phát triển hạt nhân liều lĩnh, nguy hiểm của Bình Nhưỡng”, vị Đại sứ nói.
Đồng thời, vị Đại sứ cũng cam kết sẽ đề xuất nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng trong tuần này để kịp bỏ phiếu vào đầu tuần sau.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gỡ bỏ giới hạn về khối lượng đầu đạn trên tên lửa của Hàn Quốc như một biện pháp hữu hiệu chống lại các nguy cơ từ Triều Tiên, sau vụ thử hạt nhân mới nhất. Thông tin trên được Nhà Trắng đưa ra vào ngày 4/9.
Hàn Quốc đã mua bao nhiêu vũ khí từ Mỹ?
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump đã "chấp thuận về quan điểm” để Hàn Quốc có thể mua nhiều tỷ USD vũ khí và thiết bị quân sự từ Mỹ.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý loại bỏ giới hạn khối lượng đầu đạn cũng như áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh nhất và tạo nhiều áp lực lên Triều Tiên thông qua Liên Hợp Quốc.
Theo một thỏa thuận trước đây giữa hai bên, Seoul bị giới hạn mức tối đa cho khối lượng đầu đạn trên tên lửa đạn đạo là 500kg.
Thỏa thuận được sửa đổi mới nhất vào năm 2012 này vẫn đang trong quá trình thay đổi sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt các vụ thử tên lửa trong năm nay.
Hàn Quốc muốn trang bị đầu đạn lớn hơn để tăng khả năng răn đe. Tuy nhiên, Seoul chỉ được sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm bắn tối đa 800km. Và phạm vi này không thể thay đổi.
Mỹ đã bán gần 5 tỷ USD vũ khí cho Hàn Quốc từ năm 2010 đến năm 2016, theo một phân tích của viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Trong giai đoạn nói trên, Hàn Quốc xếp thứ 4 trong danh sách những nước mua vũ khí nhiều nhất từ Mỹ, sau Saudi Arabia, Australia và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã "nhấn mạnh mối đe dọa nguy hiểm từ hành động khiêu khích mới nhất của Triều Tiên với toàn thế giới" và "đồng ý gia tăng áp lực với Triều Tiên đến mức tối đa, sử dụng mọi biện pháp có thể".
Xem thêm >> Chặt đứt huyết mạch 1,5 tỷ USD, Trung Quốc vẫn "bó tay" với Triều Tiên?
V.T.H