Hành xử đặc biệt của ông Putin
Trên thực tế, Moscow quan tâm tới vụ thử tên lửa của Triều Tiên vì điện Kremlin có những lý do riêng. Nga là một trong số ít quốc gia có đường biên giới chung với Triều Tiên, tổng cộng khoảng 17km. Nếu xảy ra xung đột hạt nhân, mây phóng xạ từ Triều Tiên có thể bay sang Nga theo gió, nên Moscow sẵn sàng nỗ lực để ngăn chặn khủng hoảng bùng phát gần biên giới. Nói cách khác, Nga quan tâm tới vấn đề Triều Tiên là để bảo vệ chính mình.
Với vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhẹ nhàng tới mức khiến nhiều người ngạc nhiên, dù tên lửa đã rơi cách Nga không xa.
Nói một cách đơn giản, Triều Tiên không phải là quốc gia gây ra mối quan ngại an ninh hàng đầu đối với Nga. Thay vào đó, Moscow quan tâm tới những vấn đề khác gồm Ukraine, Syria, quan hệ với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và mối đe dọa khủng bố từ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Vì thế, Điện Kremlin dường như vui vẻ để Bắc Kinh giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Theo các chuyên gia phân tích, mối quan tâm duy nhất của điện Kremlin trên bán đảo Triều Tiên là làm sao để kiềm chế sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh lại quan tâm sâu sắc tới số phận của Bình Nhưỡng hơn. Đồng thời, Moscow cũng thấy mình có tiềm năng đóng vai trò ngoại giao hữu ích giữa các bên liên quan xung quanh vấn đề Triều Tiên, qua đó Nga có vị thế trên trường quốc tế.
Thêm vào đó, Nga cũng hiểu được giá trị của việc sở hữu một kho vũ khí hạt nhân. Trong những năm 90, Nga đã sử dụng công cụ này để đối mặt với những chỉ trích của phương Tây về cuộc chiến ở Checknya. Ông Boris Yeltsin trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng với cương vị Tổng thống Nga vào năm 1999, từng nhắc nhở cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Nga với tư cách là một cường quốc hạt nhân “sẽ không để Mỹ quyết định quy tắc cho toàn bộ thế giới”.
Nga muốn gì ở Triều Tiên?
Vì vậy, không như nhiều quốc gia phương Tây khác, Moscow không cảm thấy Bình Nhưỡng đang hành động khác thường, hoặc có gì đó không hợp lý khi phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân. Trên thực tế, từ quan điểm của Nga, sự can thiệp của phương Tây ở Nam Tư cũ, Iraq, Libya và ủng hộ cho những cuộc biểu tình Maidan ở Ukraine còn nguy hiểm với Nga gấp nhiều lần so với kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Nga có lẽ là quốc gia duy nhất trong khu vực thực sự không mặn mà với việc liệu Hàn Quốc và Triều Tiên có hóa giải căng thẳng thống nhất đất nước hay không. Trong khi đó, các quốc gia khác đã đặt ra nhiều giả định và tính toán trong trường hợp Bình Nhưỡng và Seoul quyết thống nhất.
Hàn Quốc lo lắng về khoản chi phí khổng lồ sẽ phải bỏ ra để tái thiết, nếu thống nhất hai miền đất nước, đặc biệt khi khoảng cách phát triển giữa Bình Nhưỡng và Seoul là quá xa.
Trong khi đó, Tokyo lại quan ngại về đối thủ tiềm năng – một Triều Tiên thống nhất, cân bằng với sức mạnh của Nhật Bản cả về quy mô và dân số. Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai bên vẫn căng thẳng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và những di sản thời hậu thuộc địa của Nhật Bản vẫn còn lưu vết tại bán đảo Triều Tiên.
Còn với Bắc Kinh, sự tồn tại của Triều Tiên dù đôi khi gây phiền hà cho giới lãnh đạo nhưng nó là một phần chiến lược không thể thiếu đối với an ninh lãnh thổ Trung Quốc. Tương tự như vậy, đối với Mỹ, mối đe dọa trực tiếp từ Triều Tiên là lý do tốt nhất để Lầu Năm Góc duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực – dường như để chống lại Bình Nhưỡng, nhưng thực chất về lâu dài là để kiềm chế Trung Quốc.
Cho tới nay, Nga dường như vẫn đang hài lòng với tình trạng hiện tại ở bán đảo Triều Tiên, nhưng không muốn xung đột leo thang tới mức nguy hiểm không thể chấp nhận được.
Xem thêm: Mỹ dội bom đoàn tăng Syria: Tử huyệt là vùng ‘tam giác vàng’ ?
Danh Tuyên