Tưởng mỏi chân, tay hóa... viêm khớp
Chị Thu Trang (Từ Liêm, Hà Nội) thấy con trai đi học về cứ than phiền đau chân. Cứ nghĩ do con ham chơi, đá bóng, chạy nhảy nhiều nên chân mới mỏi và sưng nên chị dùng dầu xoa cho con. Thế nhưng, càng xoa càng thấy đầu gối con sưng hơn lại kèm theo hiện tượng sốt không rõ ràng, ăn xong thỉnh thoảng con lại nôn ra. Thấy vậy, chị tá hỏa đưa con đến bệnh viện khám thì mới biết con mình bị viêm khớp. Chị Trang chia sẻ: "Tôi không nghĩ là mới 6 tuổi mà con tôi có thể bị viêm khớp nhưng ai ngờ cháu bị viêm cả hai khớp gối. Trước đây, cháu không hề có biểu hiện gì bất thường".
Nhiều trẻ đến khám và điều trị viêm khớp tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Theo thạc sỹ - bác sỹ Nguyễn Hương Giang - Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương thì cháu Bảo (con chị Trang) bị viêm khớp tự miễn, viêm khớp dạng này do tự cơ thể cháu tiết dịch ra, không thể tránh được. Tuy nhiên do phát hiện sớm nên có thể dùng thuốc tại nhà là khối dịch trong gối có thể sẽ tự đào thải ra ngoài.
Anh Trung Kiên (Ba Đình, Hà Nội) thấy con gái than phiền đau tay. Cứ nghĩ cháu Hải Anh (8 tuổi) chỉ mỏi tay do xách cặp hoặc nô đùa với bạn nên anh cũng không mấy bận tâm. Đến khi thấy con sốt kéo dài, khuỷu tay sưng to anh mới đưa con đi khám. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, các bác sỹ phát hiện Hải Anh bị viêm khớp khuỷu tay nặng. Cháu phải nằm lại viện để điều trị lâu dài.
Hoảng sợ hơn là trường hợp của bé Khánh Hà (Sóc Sơn, Hà Nội), mới 9 tháng tuổi mà bé đã bị viêm cả khớp tay lẫn khớp gối. Theo mẹ của Hà: "Khi thấy con gái biếng ăn, khả năng chân tay cháu đưa lên hạ xuống bị hạn chế, tôi chỉ nghĩ do trời quá nóng, thời tiết oi bức, ngột ngạt nên cháu mới thấy mệt mỏi trong người. Vài ngày sau, tôi thấy cháu sốt cao, xanh xao. Vội vàng đưa con đến bệnh viện khám, tôi hoảng hồn khi biết con mình bị viêm cả khớp tay lẫn khớp chân".
Theo bác sỹ điều trị cho Khánh Hà, vì gia đình cháu Hà đã không phát hiện sớm, đưa cháu đến đi khám chữa kịp thời nên tình trạng của Khánh Hà đã khá nặng, Khánh Hà phải nhập viện điều trị lâu dài.
Cũng theo bác sỹ Hương Giang, thời gian gần đây, số trẻ nhập viện vì viêm khớp có xu hướng tăng mạnh. Hằng ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phải tiếp nhận khám và điều trị cho nhiều trẻ bị viêm khớp mạn tính dưới nhiều thể như thể toàn thân (hay còn gọi là bệnh Still), thể tổn thương nhiều khớp, thể tổn thương ít khớp.
Có khả năng bị tàn phế
Bác sỹ Trần Tuyết Minh - khoa Điều trị tự nguyện Bệnh viện nhi Trung ương cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ở trẻ em như, viêm khớp do vi khuẩn, viêm khớp do tự miễn, viêm khớp do vi rút và viêm khớp do trẻ bị chấn thương mãn tính...
Trường hợp viêm khớp do tự miễn là do cơ thể bé tự tiết ra, còn trường hợp do vi khuẩn, vi rút là do cơ thể bé bị nhiễm trùng. Trước tất cả những trường hợp này, các mẹ cần phải tinh ý, phát hiện thật sớm để đưa bé đi khám, kịp thời chữa trị tránh trường hợp để khớp của các bé bị tổn thương nghiêm trọng.
Các bác sỹ chuyên khoa Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chứng viêm khớp mạn tính thường gặp ở trẻ em dưới 16 tuổi. Chứng bệnh này rất nguy hiểm cho trẻ, nếu phát hiện quá muộn, gây tổn thương khớp nghiêm trọng sẽ dẫn đến tàn phế. Vì vậy khi thấy có những biểu hiện bất thường về khớp nên đưa trẻ đi khám kịp thời để có biện pháp điều trị hữu hiệu nhất. Nếu phát hiện kịp thời, các bác sỹ có thể giúp các bé tìm ra cách điều trị phù hợp nhất, giúp các bé trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, các bác sỹ cũng khuyến cáo, sau khi khỏi bệnh trẻ vẫn cần được khám khớp và theo dõi định kì để tránh trường hợp bị lại.
Bích Ngọc