Việc xây dựng trung tâm được thông qua giữa lúc Trung Quốc đang gây nhiều căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia ở Biển Đông. PV Đất Việt đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, về ảnh hưởng của trung tâm này đến những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa các quốc gia hiện nay.
Mới đây, LHQ chấp thuận đề xuất của Trung Quốc về việc xây dựng Trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông, theo ông Trung Quốc sẽ đặt trung tâm này ở đâu?
TS Trần Công Trục: - Hiện nay chúng ta cũng chỉ mới nghe thông tin chung thế thôi, còn địa điểm đặt ở đâu, phạm vi hoạt động của nó như thế nào, quyết định của LHQ cụ thể ra sao... thì có lẽ chúng ta phải chờ đợi thêm thông tin.
Tuy nhiên, theo dõi quá trình mà Trung Quốc đã triển khai mọi hoạt động nhằm giành sự công nhận trên thực tế “chủ quyền” theo yêu sách vô lý của họ trên Biển Đông, theo tôi có nhiều khả năng quần đảo Hoàng Sa sẽ là nơi thích hợp nhất để Trung Quốc đặt trung tâm này.
Hoặc cũng có thể họ đặt trung tâm này ở một số đảo chìm mà Trung Quốc đã xây dựng để biến thành đảo nổi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các trạm này sẽ được đăng ký và mang số hiệu theo quy định của LHQ, như vậy sẽ được coi là một sự mặc nhiên thừa nhận của LHQ, cũng như của các quốc gia khác khi sử dung các thông tin do các trạm này phát đi, đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Bởi vì Trung Quốc biết rằng LHQ chỉ có thể căn cứ vào trình độ khoa học kỹ thuật, điều kiện kinh tế, tài chính… để quyết định công nhận các trạm cảnh báo sóng thần này và nếu như vậy là họ đã thành công.
Một khu vực bị tàn phá trong thảm họa sóng thần ở Indonesia năm 2005 - Ảnh: Reuters
Theo ông việc thành lập Trung tâm cảnh báo sóng thần này có ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của các quốc gia khác ở xung quanh Biển Đông không?
TS Trần Công Trục: - Theo tôi, việc LHQ quyết định công nhận các trạm cảnh báo sóng thần của Trung Quốc trong Biển Đông, nếu đơn thuần chỉ là nội dung khoa học, kỹ thuật và chỉ vì mục đích nhân đạo, thì chúng ta cần hoan nghênh và ủng hộ, chẳng việc gì phải bàn thảo cả.
Nhưng như đã nói ở trên, vấn đề này lại rất có khả năng liên quan, ảnh hưởng, thậm chí vi phạm đến chủ quyền và các quyền hợp pháp của các quốc gia trong khu vực Biển Đông; vì vậy chúng ta không thể không lên tiếng phản đối thích hợp khi chúng ta có được thông tin đầy đủ về sự kiện này, chẳng hạn, trung tâm được đặt ở đâu, phạm vi hoạt động của chúng…
Nếu các trạm này được đặt ở quần đảo Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa, hay ở bất kỳ một khu vực nào đó nằm trong các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam thì nhất định phải kiên quyết lên tiếng phản đối, vì im lặng thì coi như chúng ta mặc nhiên từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông.
Theo tôi, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trong khu vực cũng nên lưu ý, cảnh giác trước động thái này.
Theo ông thì Việt Nam nên có những hành động cụ thể như thế nào đối với vấn đề này?
TS Trần Công Trục: - Chúng ta cần phải theo dõi sát sao các thông tin cụ thể của trung tâm này. Nếu biết chắc trung tâm được đặt và hoạt động trên vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình thì cần phải ngay lập tức có ý kiến phản đối theo đúng thủ tục…
Cần lưu ý là chúng ta không nên bác bỏ hay lên án nội dung khoa học với mục đích nhân đạo có thể nhìn thấy được này, nhưng chúng ta cần phải yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, có sự thông báo, xin phép với hoạt động của trung tâm.
Và như tôi đã nói ở trên, kể cả khi trung tâm đi vào hoạt động, chúng ta cũng cần phải rất lưu ý khi sử dụng các thông tin do các trung tâm này cung cấp để tránh việc Trung Quốc lồng ghép các quan điểm, yêu sách không chính đáng và bất hợp pháp của họ.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lê (Báo Đất Việt)