Ngày 26/12, các đơn vị chức năng, đơn vị trực thuộc Công an TP.Đà Nẵng tích cực triển khai lệnh truy nã của bộ Công an đối với ông Phan Văn Anh Vũ (SN 1975), trú số 82 đường Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng.
Theo một số văn bản, ông Anh Vũ bị cơ quan An ninh điều tra bộ Công an khởi tố bị can vào ngày 20/12, với hành vi cố ý làm lộ tài liệu, bí mật Nhà nước. Hành vi này phạm vào Điều 263 bộ Luật Hình sự.
Do bị can Phan Văn Anh Vũ không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản, cơ quan An ninh điều tra đã quyết định truy nã.
Theo ghi nhận của chúng tôi, Công an các quận, huyện của TP.Đà Nẵng đã nhận được lệnh truy nã đối với ông Anh Vũ. Ở nhiều đơn vị, lệnh này được niêm yết công khai tại các bảng thông tin để người dân có thể nắm được và tố giác tội phạm.
Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng cho biết, lực lượng chức năng địa phương đã triển khai lệnh truy nã này từ thời điểm nhận được đến nay. Theo lệnh truy nã, mọi công dân khi phát hiện ông Anh Vũ thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng theo số điện thoại được công khai trên quyết định.
Nguồn tin từ Công an quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng, nơi ông Anh Vũ thường trú cho biết, đang cùng công an các phường vào cuộc kiểm tra một số địa điểm nghi vấn như khách sạn, nhà trọ.... Dán lệnh truy nã rộng rãi ở trụ sở để phát động tinh thần tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân.
Một cán bộ phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an TP.Đà Nẵng cũng cho biết, hiện, đơn vị này cũng đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện lệnh truy nã trên. PC52 đang phối hợp với nhiều lực lượng ở các địa phương khác để tầm nã ông Anh Vũ.
Lãnh đạo công an một phường ở quận Liên Chiểu TP.Đà Nẵng thông tin, ngoài nhiệm vụ công tác thường ngày và đột xuất bấy lâu, đơn vị này cũng đã nhận được văn bản về lệnh truy nã ông Anh Vũ. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, đơn vị cũng sẽ phối hợp truy tìm.
Lãnh đạo Công an quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng cũng cho biết, liên quan đến quyết định truy nã ông Anh Vũ, đơn vị này đang thực hiện, phối hợp triển khai theo đúng quy định pháp luật, nghiệp vụ.
Theo thông tin chúng tôi có được, tính đến hôm nay (26/12), các đơn vị chức năng, công an các xã, phường Đà Nẵng đã triển khai quyết định truy nã ông Anh Vũ được khoảng 4 ngày. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin gì về người này.
Trước đó, ngày 21/12, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an cũng đã làm việc tại nhà riêng ông Vũ. Tại buổi làm việc khoảng hơn 6 giờ đồng hồ này, lực lượng chức năng được cho là đã lập nhiều biên bản, thu giữ các tài liệu có liên quan phục vụ điều tra.
Chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương, văn phòng luật Hợp danh FDVN Đà Nẵng cho biết:
Điều 263. Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước như sau:
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của bộ Luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
* Khách thể của tội phạm: Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước trực tiếp xâm phạm chế độ quy định về bảo quản và giữ gìn bí mật Nhà nước, xâm phạm an toàn các bí mật Nhà nước. Khác với tội quy định tại Điều 327 bộ Luật Hình sự có đối tượng bị xâm phạm là bí mật quân sự, tài liệu bí mật quân sự, đối tượng bị xâm phạm trong tội quy định tại Điều 263 là bí mật Nhà nước, tài liệu bí mật Nhà nước.
* Mặt khách quan của tội phạm: Điều 263 bộ Luật Hình sự quy định hai tội: Tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước và tội Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước.
+ Mặt khách quan của tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thể hiện ở hành vi làm cho người khác biết về những bí mật Nhà nước. Hành vi này có thể là hành động (như: nói, giới thiệu, cho người khác ghi chép, sao chụp,...các nội dung thuộc bí mật Nhà nước) hoặc không hành động (không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về bảo quản, giữ gìn, cất giữ bí mật Nhà nước để cho người khác biết các nội dung thuộc bí mật Nhà nước). Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm khi người thứ hai không có trách nhiệm biết được các nội dung bí mật Nhà nước.
+ Mặt khách quan của tội Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước thể hiện ở hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước. Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi chiếm giữ, làm cho các tài liệu bí mật Nhà nước thoát ly khỏi sự quản lý hợp pháp của người có trách nhiệm. Hành vi này có thể là cướp, cướp giật, trộm cắp, lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo,... Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng vật chất, lợi ích vật chất để trao đổi lấy các tài liệu đó. Chỉ cần có một trong hai hành vi: Mua hoặc bán là đủ cấu thành tội phạm này. Khác với hành vi mua bán tài sản thông thường, hành vi mua bán tài liệu bí mật Nhà nước không nhất thiết phải trao tài liệu bí mật Nhà nước cho người mua, mà chỉ cần nhận tiền hoặc thoả thuận với nhau về việc nhận tiền và trao tài liệu cho người mua sao chép hoặc xem tài liệu đó. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện các hành vi nói trên.
Tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi làm hư hỏng (như: xé nát, đốt, dùng hoá chất...), làm cho tài liệu bí mật Nhà nước mất hẳn nội dung không thể khôi phục được hoặc tuy khôi phục được nhưng rất khó khăn, tốn kém. Hậu quả của hành vi tiêu huỷ là làm mất giá trị sử dụng của tài liệu đó. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm xảy ra hậu quả: Tài liệu bí mật Nhà nước bị tiêu huỷ.
* Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là những người có trách nhiệm biết về bí mật Nhà nước. Còn chủ thể của tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên (Khoản 1), hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (Khoản 2, 3).
* Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và có ý thức thực hiện hành vi đó. Động cơ phạm tội là vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
* Một số vấn đề cần chú ý: Nếu hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nhằm mục đích cung cấp cho nước ngoài sử dụng để chống chính quyền nhân dân sẽ cấu thành tội Gián điệp theo Điều 80 bộ Luật Hình sự. Điều 263 quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau (chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ) đối với một loại đối tượng là tài liệu bí mật Nhà nước. Vì vậy, trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi mà chúng liên quan chặt chẽ với nhau thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội với đầy đủ các hành vi đã thực hiện. Ví dụ, một người chiếm đoạt rồi đem tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, thì bị truy cứu về tội Chiếm đoạt và tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước.