Sáng 9/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV QH) Khóa XIV khai mạc phiên họp thứ 6 tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội.
Một nôi dung đáng chú ý của phiên họp này là UBTV QH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTV về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.
Đây là nội dung trong chương trình dự kiến phiên họp được xếp lịch làm việc vào chiều ngày 11/1. Tuy nhiên, sáng 9/1, trong phiên khai mạc, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ vẫn chưa kịp trình dự thảo nghị quyết của UBTV QH về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.
Trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Nhiều ý kiến cho rằng, nên phân định rõ và có một “quỹ” riêng trong ngân sách Nhà nước để tiến hành bồi thường oan sai. Bởi nếu chỉ nói bồi thường từ ngân sách Nhà nước, người dân sẽ khó biết tiền đó lấy từ tiền thuế mình đóng hay tiền xử phạt… Nếu để độc lập, sẽ rõ ràng hơn các khoản chi phí.
“Nếu chúng ta có sự tách bạch thì người dân sẽ cảm thấy sự minh bạch hơn”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ý kiến.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại cho rằng, hiện đã có quá nhiều loại quỹ và không cần thiết thành lập một quỹ như vậy.
“Hoạt động của Nhà nước là phải do ngân sách Nhà nước chi trả. Khi Nhà nước bồi thường oan sai, rõ ràng lấy từ tiền ngân sách. Cần giải thích rõ cho người dân là tiền bồi thường lấy từ tiền thuế hay tiền khác, nhưng vẫn là từ ngân sách Nhà nước. Không nên rạch ròi ngân sách khoản này chi cho việc này, khoản khác chi cho việc khác, theo tôi là không hợp lý, không đúng nguyên tắc. Theo tôi, không nên có quỹ, bởi chúng ta nắm nhiều quỹ quá rồi”, Phó Chủ tịch QH nói.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Cấp nào ra quyết định sai thì cấp đó phải bồi thường, xin lỗi. Còn khi đã sai, đúng là còn liên quan đến cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thì rõ ràng trách nhiệm phải rõ”.
Đưa ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, luật sửa đổi để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân, quyền con người trong tố tụng hình sự. Đồng thời cũng phải đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, các cơ quan tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng; cũng cần đảm bảo nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, các chức danh trong hoạt động tố tụng.
“Tôi đề nghị vừa làm vừa tổng kết, không phải đùng một cái là làm ngay. Nếu như làm ngay, mở rộng ngay tất cả các trường hợp thì sẽ không đảm bảo yêu cầu như tôi đã nói ở trên. Bồi thường trong những trường hợp nào là một vấn đề quan trọng", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Bà Lê Thị Nga cũng nêu một thực tế, dư luận bức xúc vì nhiều trường hợp đòi hóa đơn, chứng từ khi giải quyết bồi thường oan sai. “Vì có những người đi tù một thời gian dài thì không thể lưu giữ hóa đơn chứng từ để chứng minh được. Tôi đề nghị xác định tương đối cụ thể trên một khung. Vấn đề là chúng ta xác định để có được sự hợp lý một cách tương đối. Còn nếu nói cứng theo khung thì nhiều trường hợp không thể đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị oan”, bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đồng ý với Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, cho rằng: “Người để xảy ra oan sai không làm việc với tư cách cá nhân, mà là nhân danh Nhà nước, nhân danh cơ quan công quyền. Do đó, để đảm bảo cho người bị oan thì trước hết phải lấy tiền của Nhà nước bồi thường oan sai, sau đó mới tính đến tiền bồi hoàn của người có trách nhiệm. Tôi đề nghị từ nay, khoản tiền bồi hoàn cũng phải tính một cách tương đối để đảm bảo nâng cao trách nhiệm và kỷ luật. Tuy là cơ quan cuối cùng bồi thường nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, chứng cứ để lại, các tờ trình để lại, các đề xuất đều để lại nhưng trong hồ sơ, khi tiến hành kỷ luật cán bộ phải lần theo tất cả các giai đoạn tố tụng để xem ai làm các đề xuất. Phải xác định lại cả trách nhiệm bồi hoàn và trách nhiệm công vụ”.
Kết luận sơ bộ nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết: Qua thảo luận thấy, dự án luật là vô cùng quan trọng vì liên quan đến dân, các cơ quan công vụ nên càng thảo luận kỹ, thận trọng càng tốt.
“Tôi đề nghị sau phiên họp này, các cơ quan ngồi lại với nhau để xử lý vấn đề tồn tại còn ý kiến khác nhau, sau đó, sớm tổ chức hội nghị đại biểu QH chuyên trách mời các cơ quan, chuyên gia tham gia, sau đó báo cáo lại thường vụ QH trước khi trình ra QH”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.
“Cơ quan nào gây ra oan sai thì cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng có sự liên đới thì phải xác định từng khâu một. Nhưng nguyên tắc, cơ quan nào ra quyết định oan sai sau cùng thì cơ quan đó có trách nhiệm xin lỗi và bồi thường cho dân. Còn vấn đề liên đới sẽ làm sau để xác định rõ trách nhiệm, tùy theo từng mức độ lỗi và hành vi”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Dương Thu