Dương Chí Dũng bỏ trốn do quá hoảng sợ

Dương Chí Dũng bỏ trốn do quá hoảng sợ

Thứ 5, 12/12/2013 16:16

Nói về việc bỏ trốn, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, khi hay tin bị khởi tố đã rất hoảng sợ nên quyết định bỏ trốn. “Lúc đó tất cả rối bời, tôi sợ hãi mới hành động như vậy, bây giờ bình tĩnh lại tôi mới nhận thức được điều đó là sai lầm” – Bị can Dương Chí Dũng nói.

>> tiếp tục cập nhật

Hiện phiên tòa đang tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc.

13h 30 chiều 12/12, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục diễn ra tại Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội với phần thẩm vấn bị cáo Dương Chí Dũng.

Với thái độ bình thản, Dương Chí Dũng trả lời lần lượt và rõ ràng các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Bị cáo Dương Chí Dũng cho hay, liên quan đến việc mua ụ nổi 83M, trước khi đoàn khảo sát sang Nga có sang chào bị cáo. Tại phòng làm việc của mình bị cáo chỉ nói: “Chúc anh em đi mạnh khỏe, may mắn!”. Và sau khi đoàn khảo sát từ Nga về cũng qua phòng của bị cáo Dương Chí Dũng để chào và có quà biếu là một chai rượu.

Bị cáo Dương Chí Dũng khai tiếp: Đoàn khảo sát về có báo cáo là ụ nổi đó chỉ hỏng ít và có thể sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của Cục Đăng kiểm chứ không có bất cứ báo cáo nào riêng.

Bị cáo này cũng cho biết sau khi mua ụ nổi về, bị cáo không chỉ đạo gì thêm và cũng “không can thiệp vào việc của anh em” do mối quan hệ cá nhân với ông Mai Văn Phúc không tốt.

Nói về việc bỏ trốn, bị cáo Dũng cho biết, khi hay tin bị khởi tố đã rất hoảng sợ nên quyết định bỏ trốn.

“Lúc đi tôi không nói với ai, kể cả gia đình và bạn bè, tôi nghĩ rằng lúc đó trốn càng nhanh càng tốt. Vì có visa bay sang Mỹ nên tôi quyết định sang đó, tuy nhiên khi bay sang đến nơi thì không được nhập cảnh do phía Việt Nam đã phát đi thông báo về những sai phạm của đơn vị đang công tác” – bị cáo Dũng nói.

Bị cáo Dương Chí Dũng cũng cho biết, sau khi bị phía Mỹ không cho nhập cảnh, tôi đã có ý định bay về Singapore hoặc Đức nhưng không được nên cuối cùng bay về Campuchia và ở lại đây, cho đến ngày 4/9/2012 thì bị bắt giữ. Trong thời gian trốn tại Campuchia, ông Dũng có liên lạc về với gia đình qua đường điện thoại.

“Lúc đó tất cả rối bời, tôi sợ hãi mới hành động như vậy, bây giờ bình tĩnh lại tôi mới nhận thức được điều đó là sai lầm” – Bị can Dương Chí Dũng nói.

10h, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng, HĐXX đã tiến hành xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.

HĐXX hỏi: “Sau khi mua ụ nổi xong bị cáo có chỉ đạo thanh toán thế nào, đưa về ra sao không?”. Trả lời câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Dũng đáp: “Những điều đó bị cáo không được biết, không được báo cáo, bị cáo không can thiệp bất cứ điều gì vào việc mua ụ nổi. Do quan hệ cá nhân của bị cáo với Mai Văn Phúc không được tốt nên bị cáo không can thiệp”.

9h 15, toà kết thúc phần kiểm tra căn cước. Đại diện viện kiểm sát công bố bảng cáo trạng.

Pháp luật - Dương Chí Dũng bỏ trốn do quá hoảng sợ

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa (Ảnh: vietnamplus)

Theo cáo trạng, trong thời gian Vinalines triển khai dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines đã tiến hành tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng, thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore).

Quá trình triển khai dự án, Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã không thực hiện quy định của nhà nước, gây thiệt hại cho Vinalines gần 367 tỷ đồng (tính đến ngày 17-5-2012). Trong số tiền thiệt hại này, Dũng, Phúc, Sơn, Chiều đã tham ô gần 1,7 triệu USD (tương đương hơn 28 tỷ đồng).

Cụ thể, ụ nổi 83M được sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka (Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới năm triệu USD. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo “phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua ụ nổi 83M qua Công ty AP không mua trực tiếp từ Nakhodka”. Sau đó, Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt đầu tư mua ụ nổi này với giá trên 14 triệu USD…

Pháp luật - Dương Chí Dũng bỏ trốn do quá hoảng sợ (Hình 2).

30 phóng viên các báo, đài được yêu cầu để máy laptop, điện thoại, máy ảnh, túi xách... bên ngoài. Mỗi người chỉ được phép mang một quyển sổ và một cây bút vào dự phiên tòa được gọi là đại án này.

Pháp luật - Dương Chí Dũng bỏ trốn do quá hoảng sợ (Hình 3).

Pháp luật - Dương Chí Dũng bỏ trốn do quá hoảng sợ (Hình 4).

 An ninh gần khu vực xét xử và trước cổng tòa dược thắt chặt.

9h, HĐXX gồm 5 người đã bước vào phòng xử, phiên tòa bắt đầu được tiến hành, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa bà Ngô Thị Ánh thay mặt HĐXX làm thủ tục bắt đầu phiên tòa.

Đầu tiên vị chủ tọa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi nghe thư ký tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập có mặt, chủ tọa phiên tòa đã tiến hành kiểm tra căn cước và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa.

8h30, phiên tòa bắt đầu với các thủ tục xét xử. Người điều hành phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh.

Từ hơn 7h sáng, Dương Chí Dũng đã được đưa đến tòa. Sáng nay, trong khi hầu hết các bị cáo trong đại án tham nhũng xảy ra tại Vinalines ra toà trong trang phục công nhân màu xanh nước biển thì duy nhất bị cáo Dương Chí Dũng vận áo sơ-mi trắng, áo khoác ngoài.

Pháp luật - Dương Chí Dũng bỏ trốn do quá hoảng sợ (Hình 5).

Bị cáo Dương Chí Dũng được dẫn giải đến Tòa án để tham gia phiên xét xử sáng 12/12. (Ảnh: Hoàng Long/Vietnamnet). Bị quy kết cùng 9 người khác gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng, tham ô 10 tỷ khi còn đương chức, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng bị đề nghị truy tố hai tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".

Dự kiến, phiên xét xử sơ thẩm sẽ diễn ra trong 3 ngày (12 - 14/12) tại TAND Hà Nội, với thành phần HĐXX gồm 5 người, thẩm phán Ngô Thị Ánh làm chủ toạ. Dự kiến có 14 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 10 bị cáo, trong đó riêng ông Dũng có luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đại Thắng và Trần Đình Triển.

10 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm:

1. Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT)

2. Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT

3. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines)

4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines)

5. Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines)

6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines)

7. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN)

8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa)

9. Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa)

10. Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa).

Diễn tiến vụ án Dương Chí Dũng

1/2/2012: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự số 01/C48 về tội “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải VN.

17/5/2012: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án hình sự số 01/C48 về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Vinalines.

Trong hai ngày 17 và 18/5/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam một số cán bộ là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) do có hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can bị bắt tạm giam gồm có Mai Văn Phúc (phó vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc, phó bí thư Đảng ủy Vinalines). Riêng bị can Dương Chí Dũng (cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines) không có mặt tại nhà và nơi làm việc. Trước đó, vào chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn.

18/5/2012: Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc, đồng thời phối hợp với Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

4/9/2012: Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia theo lệnh truy nã sau hơn bốn tháng lẩn trốn.

1/11/2013: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố Dương Chí Dũng và chín bị can khác về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”.

Từ 12/12/2013 đến 14/12/2013, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Ngọc Linh (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.