Cấp phép khai thác cát ở Hòa Bình: Quá nhiều số liệu vênh nhau

Cấp phép khai thác cát ở Hòa Bình: Quá nhiều số liệu vênh nhau

Lại Duy Cường

Lại Duy Cường

Thứ 5, 08/06/2017 06:00

Việc có trong tay giấy phép, doanh nghiệp coi đó như “lá bùa” cho việc khai thác. Việc cấp phép đang bị đặt dấu hỏi khi có quá nhiều con số khác nhau thể hiện trên bộ hồ sơ của doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu việc cấp phép khai thác cát khu vực hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh đã không đạt được sự đồng thuận của người dân từ trước đó.

Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bức xúc của người dân mà đỉnh điểm là câu chuyện chặn xe của doanh nghiệp ngày 19/5/20017.

Bộ hồ sơ của doanh nghiệp mà ông Đồng Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho PV xem có rất nhiều điểm bất thường về giấy phép khai thác cát.

Trong đó, tờ giấy phép số 20/QĐ – UBND cấp ngày 21 tháng 4 năm 2015, do Phó Chủ tịch tỉnh Bùi Văn Khánh và Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ký, kèm theo đó là phụ lục số 03 thể hiện sản lượng khai thác cát hàng năm và địa chỉ tiêu thụ khoáng sản cát được phép khai thác là 24 năm.

Tuy nhiên, theo hợp đồng thuê đất số 154/HĐTĐ được ký kết ngày 30/12/2016 của công ty Sahara và UBND tỉnh Hòa Bình thời hạn thuê đất là 25 năm và thời gian thuê đất bắt đầu từ ngày 6/10/2016 đến hết ngày 21/4/2039. Còn tại giấy chứng nhận đầu tư số 2512100467 ngày 31/12/2014, thời gian đầu tư của dự án là 29 năm.

Diện tích khai thác trên các văn bản cấp phép cho doanh nghiệp này cũng được thể hiện bằng nhiều con số hoàn toàn khác nhau. Theo đó, diện tích được phép khai thác cát lòng sông tại xã Hợp Thịnh được trải rộng trên diện tích 75ha, trong đó bao trùm lên cả hai bãi ngô của người dân xã Hợp Thịnh.

Việc này chỉ được phát hiện khi người dân phản đối việc khai thác cát. Sau khi vấp phải phản đối của người dân, diện tích được điều chỉnh xuống còn 73ha. Bên cạnh đó, diện tích công ty Sahara được phép thuê đất theo hợp đồng thuê đất chỉ là hơn 71ha.

Việc cấp phép theo năng lực của doanh nghiệp tại đoạn sông thuộc hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh đang bị dư luận đặt dấu hỏi lớn khi giấy chứng nhận đầu tư thể hiện một kiểu, phụ lục của giấy phép một kiểu.

Tại giấy chứng nhận đầu tư có thời hạn 29 năm do UBND tỉnh Hòa Bình cấp, công suất khai thác dự án của doanh nghiệp Sahara chỉ là 180.000m3/năm. Tuy nhiên, không hiểu căn cứ vào đâu thực tế việc khai thác cát khu vực 2 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh của công ty này lại được phép khai thác số lượng vượt gấp rưỡi và lên tới tới 23.000m3/năm.

Điểm nóng - Cấp phép khai thác cát ở Hòa Bình: Quá nhiều số liệu vênh nhau

 Cấp phép không thống nhất giữa các số liệu cấp phép cho doanh nghiệp.

Nói về quy trình cấp phép, ông Đặng Văn Khoa, Phó phòng Khoáng sản, sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cho rằng, quy trình cấp phép dựa theo luật khoáng sản và là Nghị định 158.

Cấp phép lần đầu không quá 30 năm với “trữ lượng nhiều” và công ty Sahara chia ra với 230.00m3/năm thì chỉ còn được cấp phép là 24 năm. Nhưng việc cấp phép này chỉ thực hiện trước đây còn hiện nay UBND tỉnh đã điều chỉnh và việc cấp phép hiện nay không quá 10 năm và diện tích không quá 30ha.

Trước đây dưới 1km2 là được cấp phép. Tại công ty Sahara được cấp phép 75ha và sau khi khảo sát thực địa diện tích này đã chồng lấn lên diện tích trồng ngô trên bãi bồi của nhân dân nên diện tích thu hẹp lại còn 73ha. Sau cấp giấy phép họ phải làm thủ tục để được đăng kí hoạt động.

Cũng theo thông tin từ phía ông Khoa thì quy trình cấp phép khai thác cát của công ty Sahara phải mất tới 10 năm, nghĩa là trước khi luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực. Nguyên nhân là gì không được ông Khoa cung cấp cho PV.

Thực tế, với việc hút cát tận diệt bằng gần 100 chiếc tàu như thời gian qua, công suất khai thác sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số cấp phép cho doanh nghiệp. Cũng chính bởi thế, theo phản ánh của người dân và quan sát của PV đoạn bãi ven sông Đà ở xã Hợp Thịnh và Hợp Thành đã biến mất do đáy sông bị hàng chục chiếc tàu hút hết cát, các tàu khai thác chọc vòi hút sâu xuống khiến lòng sông bị rỗng, đất, cát ở các bãi nổi sụp xuống cùng với hoa màu của người dân.

Bên cạnh đó, đêm đến tiếng động cơ từ các máy hút cát rất ồn, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân sống tại khu vực này.

Trước những bức xúc của người dân, ngày 22/5, UBND tỉnh Hòa Bình đã họp với các Sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố để đánh giá việc quản lý về khai thác cát, sỏi tại khu vực tỉnh.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng việc khai thác cát trên khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình, yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác cát áp dụng tại mỏ cát thuộc công ty Hùng Yến và công ty Sahara trên sông Đà, ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình, đoạn qua xã Hợp Thành, xã Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn). Thời gian dừng khai thác từ ngày 22/5 đến hết ngày 10/6/2017.

Ngày 25/5, tổ công tác liên ngành tỉnh Hòa Bình đã có cuộc họp với nhân dân hai xã tại UBND xã Hợp Thịnh.

Tại cuộc họp, người dân đã kiến nghị được tham gia cùng Tổ liên ngành của tỉnh giám sát đối với hai công ty khai thác cát. Đặc biệt, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trực tiếp đối thoại với nhân dân và quyết định về hoạt động khai thác cát trên địa bàn.

Việc đình chỉ, tạm dừng khai thác của UBND tỉnh Hòa Bình được coi là động thái kịp thời khi người dân có ý kiến. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác cát cần xem xét lại bởi còn có quá nhiều bất cập trong quá trình quản lý và thời gian khai thác cát tại khu vực này. Có như thế cuộc sống người dân mới được trả lại bình yên như những gì nó vốn có.

Kỳ cuối: Đại biểu quốc hội nói gì về việc dân phản đối nhưng cát vẫn được cấp phép?

Xem thêm: Hòa Bình: Doanh nghiệp 'được' cấp phép để tận diệt sông Đà?

                 Khai thác cát tận diệt ở Hòa Bình: Dân ngẩn ngơ vì tờ giấy phép

Lại Cường - Đình Thiện

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.