Dù đã cảnh báo khách vẫn bỏ quên
Tài xế Nguyễn Văn Phong (SN 1981, quê Nam Định, Tài 2757, đội 3, chi nhánh 9 của hãng taxi Vinasun đã để lại ấn tượng đặc biệt trong việc thực hiện phong trào "người tốt, việc tốt", trả lại tài sản có giá trị cao cho khách hàng để quên trên xe taxi. Từ nghĩa cử trên, tài xế Phong đã nhận 1.000.000 đồng tiền thưởng của hãng taxi Vinasun.
UBND TP.HCM tặng bằng khen tấm gương người tốt việc tốt cho tài xế Phong. (Ảnh Thơ Trịnh)
Trao đổi với PV, anh Phong cho biết: "Vào khoảng 15h ngày 12/5, tôi đón một gia đình người Campuchia đi từ khách sạn Windsor Plaza (quận 5). Đến tòa nhà Vincom Center (quận 1), khách xuống nhưng lại để quên túi xách trên xe. Vì vội đi chở khách tiếp theo nên tôi chỉ nhìn qua loa và không thấy đồ bỏ quên của gia đình này trên xe mình. Cho đến khi đang chở cuốc khách thứ 2, tôi nhận được thông báo từ tổng đài có hành khách bỏ quên hành lý trong khu vực của mình. Ngay lập tức, tôi liền kiểm tra xe và phát hiện một chiếc túi xách màu đen trên băng ghế sau.
Đến 17h cùng ngày, tôi quay lại tòa nhà Vincom Center trao lại chiếc túi cho khách hàng Lim Nemo trước sự chứng kiến của anh Nguyễn Công Dương, nhân viên điều hành điểm tiếp thị Vinasun và anh Nguyễn Chí Tài, nhân viên lễ tân Vincom. Bên trong túi khi đó có 10.000 USD, hai chiếc Ipad, thẻ ATM và ví. Nhận được toàn bộ tài sản bỏ quên, gia đình Lim Nemo mừng rỡ và cảm ơn tôi hết lời".
Bà Ngọc Quỳnh, phó giám đốc Marketing Vinasun Corp cho biết: "Trước hành động trung thực của anh Phong, UBND TP. đánh giá cao vì anh đã góp phần cải thiện hình ảnh ngành taxi TP.HCM trong lòng du khách nước ngoài, giúp xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện của thành phố. Vì vậy, UBND TP. đã quyết định trao tặng bằng khen cho anh Nguyễn Văn Phong".
Bà Quỳnh cũng cho biết thêm: "Việc khách bỏ quên đồ trên xe thường xuyên xảy ra nhưng chưa bao giờ tài sản có giá trị lớn như trên xe của anh Phong. Điều đáng nói là thời gian qua, hãng taxi Vinasun đã cài đặt các thiết bị thông báo tự động cũng như dán thông báo bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật, Hàn bên hông xe một phần để cảm ơn khách hàng đã sử dụng dịch vụ của hãng. Đồng thời cũng là để nhắc nhở khách hàng kiểm tra lại hành lý của mình trước khi xuống xe. Tuy nhiên, nhiều khách hàng bất cẩn hoặc do quá vội vàng nên vẫn để quên đồ".
Tài xế Phong kể lại sự việc trả lại 10.000 USD cho khách bỏ quên. (Ảnh Thơ Trịnh)
Kỷ niệm vui buồn sau một năm lái taxi
Khuyến khích những nghĩa cử cao đẹp Bà Ngọc Quỳnh, phó giám đốc Marketing Vinasun Corp cũng cho biết theo quy định, nhằm khuyến khích những nghĩa cử cao đẹp của các tài xế trả lại tài vật cho khách hàng, công ty luôn áp dụng tặng giấy khen và thưởng nóng từ 100.000 đến 1.000.000 đồng cho tài xế có hành động tự giác trả tài sản cho khách bỏ quên trên xe. Gần đây nhất, công ty đã tặng giấy khen và 500.000 đồng/người cho các tài xế chi nhánh 6 là Ngô Minh Hân (trả ba lô có 40.000.000 đồng); Nguyễn Minh Tân (trả chiếc túi chứa 1,5 lượng vàng cưới). Tặng giấy khen và 200.000 đồng/người cho các tài xế chi nhánh Vũng Tàu là Nguyễn Phú Hòa (trả chiếc túi 12 triệu đồng, 1 chiếc điện thoại Sony Ericson, nữ trang, thẻ ATM, giấy tờ tùy thân); Trần Quốc Cường (trả chiếc iPad). |
Nói đến cái duyên của mình với nghề lái taxi, anh Phong cho biết: "Vào Sài Gòn lập nghiệp đã hơn 10 năm, tôi cũng phải bươn chải khắp nơi để tồn tại cuộc sống cho gia đình. Trước khi lái taxi, tôi từng là một tài xế xe tải nhưng công việc không ổn định. Vì không chuộng những tài xế chở đúng trọng tải cho phép nên tôi ít có khách hàng tìm đến mình. Được sự giúp đỡ và giới thiệu của bạn bè, tôi chuyển sang lái taxi. Mặc dù mới chỉ lái taxi trong vòng một năm nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến không ít cảnh vui buồn diễn ra trên đường phố".
Giải thích về điều này, anh Phong cho hay: "Khoảnh khắc nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của khách khi nhận được tài sản bỏ quên khiến tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Chẳng hạn như lần trả chiếc xe đẩy em bé cho một vị khách người Việt kiều. Sau khi cảm ơn hết lời, họ nói: "Nếu như ở nước khác thì mất tiêu luôn rồi". Qua đó, tôi rút ra được một điều đó là nỗi buồn của khách hàng khi bị mất tài sản ở đâu đó cũng giống như nỗi buồn của mình. Đó chính là động lực để tôi luôn nhắc nhở mình phải làm việc chu đáo và trung thực. Tuy nhiên, hành nghề tài xế taxi, bản thân mỗi tài xế gặp không ít cảnh dở khóc dở cười. Có một lần tôi chở mấy người khác đến điểm dừng theo yêu cầu nhưng họ không những không trả tiền mà còn định tấn công mình. Cuối cùng, tôi đành phải bỏ tiền túi để trả lại cho công ty. Những lần như thế cũng gặp không ít lần trong một năm gắn bó với nghề".
"Thậm chí, vào một buổi tối, đồng nghiệp của tôi đón một khách hàng nữ trẻ tuổi lên xe đi một quãng đường dài nhưng vẫn không nói điểm dừng. Cô gái này một mực nói, anh cứ chạy tiếp đi vì tôi còn phải đón bạn tôi lên xe nữa. Sau khi đón vài người bạn lên xe, nhóm thanh niên này đã "thực thi" hành vi côn đồ của mình. Điều này khiến cho chúng tôi nơm nớp lo sợ mỗi khi chạy đêm. Nhiều lần, vào lúc nửa đêm trở về bãi sau khi đã trả khách thấy có người vẫy tay nhưng tôi cũng không dám đón vì sợ gặp phải "ma đêm"”, anh Phong chia sẻ.
Không phải lần đầu tiên Trao đổi với PV về việc trả lại 10.000 USD cho khách hàng, anh Phong cho biết: "Việc trả lại tài vật cho vợ chồng Lim Nemo không phải lần đầu tiên mà cho đến nay, có khoảng 5 lần như thế diễn ra. Gần đây nhất là vào buổi tối ngày 16/5, khi chở vị khách đi từ Lê Thánh Tôn (quận 1) về đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), khách bỏ quên chiếc Iphone và tôi đã quay xe lại trả trực tiếp cho khách hàng mà không báo cho công ty. Tôi không lấy làm tự hào vì việc trả lại tài sản khách bỏ quên bởi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi lái xe. Mặt khác, đó cũng chính là hành động đúng đắn mà mỗi tài xế cần phải thực hiện nghiêm túc để tạo lòng tin cho khách mỗi khi sử dụng dịch vụ của mình". |
Thơ Trịnh