Từ khi được nhắc đến trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà triết học Plato đến khi có những khám phá khảo cổ đầu tiên từ đáy biển, Atlantis dường như vẫn là xứ sở của huyền thoại, nơi từng có một chế độ xã hội cực kỳ văn minh, những công trình kiến trúc vĩ đại, những người nông dân tiên tiến, quân đội hùng mạnh... Nhưng một trận đại hồng thủy đã kéo đổ tất cả ...
Thành phố Atlantis qua mô tả của Plato
Atlantis là phiên bản ảo của một hòn đảo có thực: Helike?
Atlantis thực sự được biết đến trong những thư tịch cổ cách chúng ta 2.369 năm, vào năm 359 đến năm 347 trước Công nguyên, xuất hiện trong hai tác phẩm nổi tiếng Timaeus và Critias của nhà triết học Hy Lạp cổ đại lừng danh Plato. Trong Timaeus, Plato đã nhắc đến huyền thoại Atlantis như sau: “Vào thời xa xưa, nhà nước của chúng ta đã ở một trạng thái tổ chức hùng mạnh, tại một địa điểm rất xa ở Đại Tây Dương, đã bắt đầu tấn công chinh phục và nghiền nát toàn bộ châu Âu và châu Á. Nơi đó đại dương yên bình rất thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, ở ngay phía trước những hang rất lớn mà người Hy Lạp chúng ta gọi là những cột đá của Heracles, nơi đó có một hòn đảo lớn hơn xứ Libya và châu Aá́ cộng lại; các nhà lữ hành có thể băng xuyên qua nó để đến các hòn đảo khác, và từ những hòn đảo đi đến tất cả các lục địa xung quanh nó, bao gồm đại dương đã được đặt tên. Với tất cả những gì chúng ta có ở đây, trong những gì miệng chúng ta nói ra, nó rõ ràng là một thiên đường với một lối vào hẹp. Trên hòn đảo Atlantis tồn tại một liên minh của các vị vua, quyền lực tuyệt vời và nhiệm màu, thống trị tất cả các hòn đảo, trên nhiều hòn đảo khác và một phần của lục địa...
Còn trong Critias, Atlantis cùng với Athen cổ đại là hai xã hội hoàn hảo mà lịch sử của chúng được dựng lại nhờ một chuyến thị sát tới Ai Cập của nhà lập pháp Athens tên là Solon. Tại Ai Cập, Solon đã gặp những tu sĩ của thành Sai, người dịch lịch sử Athens cổ đại và thành phố huyền thoại Atlantis từ bản gốc bằng chữ tượng hình Ai Cập sang tiếng Hy Lạp. Theo đó, Atlantis xưa thuộc sở hữu của thần Poseidon. Đó là một hòn đảo rộng lớn, bao gồm chủ yếu là dãy núi ở phần lãnh thổ phía Bắc và dọc theo bờ biển, một đồng bằng lớn hình chữ nhật ở phía Nam kéo dài liên tục 3.000 stadia (khoảng 555 km), chưa kể phần trung tâm nội địa rộng tới 2.000 stadia (khoảng 370 km).
Thần Poseidon tạc núi đá thành cung điện nguy nga với ba vòng tường hào bao quanh với chiều rộng tăng dần cách nhau khoảng 500m. Để tiện giao thông đi lại, người Atlantis sau đó đã xây dựng những chiếc cầu từ núi đá để kết nối với phần còn lại của hòn đảo, đào một con kênh lớn ra phía biển, đẽo đá thành những cây cầu hình vòm lớn cho tàu đi qua và biến núi đá thành những bến tàu nhộn nhịp. Họ cũng là những kẻ chinh phạt nổi tiếng với quân đội thiện chiến, kéo quân đi khắp nơi từ Libya đến Ai Cập, tràn đến cả lục địa châu Âu, bắt những kẻ bại trận trở thành nô lệ, mở rộng lãnh thổ và mang của cải từ thuộc địa về thành phố…
Thẳng thắn mà nói, Plato là người duy nhất tạo ra Atlantis, trước Plato, chưa ai từng đề cập đến sự tồn tại của lãnh thổ này hoặc những hòn đảo tương tự như vậy. Điều này không có nghĩa là chưa từng có hòn đảo nào mà điều kiện tương tự như Atlantis. Người ta đã tìm thấy một khu vực có thật dường như là hình mẫu cho huyền thoại Atlantis của Plato, Helike: Mảnh đất đã từng sống trong tột đỉnh vinh quang và bị diệt vong trong tột cùng của sự bi phẫn.
Helike là một thành phố ven biển nằm trên vịnh Corinth, Hy Lạp, trung tâm quyền lực của Achaean League (liên minh 12 thành bang bắc Peloponnesus). Ở thời đại Plato sinh sống, thành phố này đã đạt đến 100 năm tuổi. Helike vô cùng giàu có, nó kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực và thậm chí có được kha khá các thuộc địa tại những khu vực khác như Italia. Đây cũng là trung tâm thờ phụng thần Poseidon, vị thần được Plato mô tả như người bảo trợ cho Atlantis. Và giống như thành phố huyền thoại này, Helike được đặc trưng bơĩa những bức tượng các vị thần nổi tiếng.
Quốc đảo Atlantis bị hủy hoại bởi tự nhiên
Những bí mật hé mở từ thảm họa ở Helike
Tháng 12 / 373 trước Công nguyên, trong vòng 5 ngày, nhiều nhân chứng trong khu vực đã nhận thấy hàng loạt động vật nhỏ như rắn rết, chuột và côn trùng di cư hàng loạt ra từ bờ biển tới những dãy núi biên giới phía Nam đồng bằng Helike. Theo các nhà nghiên cứu, động vật có khả năng cảm nhận rõ ràng một trận động đất sắp xảy ra và cố gắng chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm, điều này đã thực sự linh nghiệm với Helike. Đến nửa đêm ngày thứ 5, một trận động đất lớn chưa từng thấy đã xảy đến, theo sau là một đợt sóng thần kéo đến từ vịnh Corinth nhấn chìm cả thành phố Helike trong biển nước chỉ sau vài phút như câu chuyện của Atlantis.
Sáng hôm sau, một nhóm cứu hộ được tập hợp để cứu sống các nạn nhân, nhưng không còn ai sống sót. Toàn bộ thành phố bị hủy hoại hoàn toàn bởi trận động đất và đã bị nhấn chìm trong lòng biển. Mười con tàu lớn từ Sparta neo đậu ngoài khơi cũng đã biến mất, chỉ còn những ngọn cây của rừng Poseidon thò lên khỏi mặt nước. Phía dưới lòng biển, bức tượng thần Poseidon vẫn đứng thẳng uy nghiêm và thường xuyên mắc vào lưới những ngư dân đánh cá gần đấy.
Đồng bằng Helike là một khu vực cực kỳ thuận lợi cho cuộc sống định cư của con người. Vịnh Corinth không chỉ giúp giao thông vận tải phát triển mà còn mang đến nguồn cung cấp lương thực thực phẩm khổng lồ. Ba con sông chảy qua đây đã hình thành nên một vùng đồng bằng màu mỡ mang nước ngọt từ các ngọn núi nuôi sống con người và các cây lương thực. Thêm đó là khí hậu cận nhiệt đới ấm áp thích hợp cho các loài động vật phát triển, đặc biệt là con người. Tất cả những điều này, tạo nên cho nơi đây một cảnh quan cực kỳ trù phú.
Ngược lại với thế giới ôn hòa trên mặt đất, bên dưới Helike là khu vực có hoạt động kiến tạo địa chất khá bất ổn và đầy hiểm họa. Hai đường đứt gãy song song của vỏ Trái đất chạy qua có thể gây ra những cơn địa chấn khủng khiếp. Bằng chứng địa chất từ trận động đất đã hủy hoại Helike cho thấy ở một bên đường đứt gãy mặt đất đã cao lên 6 feet tương đương 2m, trong khi bên còn lại bị đánh chìm xuống 9 feet tương tương 3m. Những trận động đất loại này sẽ đi kèm bởi sóng thần lớn với tốc độ lên tới 20 dặm một giờ (khoảng 36km/h) với độ cao 100 feet tức 33m so với mặt đất.
Ngày tận thế của đế chế Atlantis Theo Plato người Athens dẫn đầu một liên minh chống lại Atlantis nhưng chưa được bao lâu thì liên minh tan rã, họ phải một mình chống chọi lại đế chế này. Tuy nhiên, dường như ông trời đã định đoạt số phận cho Atlantis từ trước. Không lâu sau khi Athens và Atlantis đối đầu, lũ lụt và động đất liên tiếp diễn ra như một điềm báo cho ngày tận thế của đế chế Atlantis. Khoảnh khắc đau thương nhất cuối cùng cũng đến, khi toàn bộ những chiến binh Atlantis bị nuốt chửng bởi mặt đất và đảo Atlantis bị nuốt chửng bởi biển cả. Lục địa mênh mông trở thành biển nước không thể đi qua vì bãi bùn lầy tàn tích cho một đế chế đã lụi tắt. Bất ngờ từ cuộc khảo cổ: Những tầng nấc của các nền văn minh Kết quả khai quật của các nhà khảo cổ đã mở ra một bí mật lớn: Thành phố này dường như không phải bị hủy hoại một lần. Đầu tiên, các nhà khảo cổ từng tìm thấy bằng chứng một thành phố bị chôn vùi từ thời Byzantine khoảng thế kỷ 15, bên dưới là đống đổ nát của thành phố La Mã biến mất vào khoảng giữa thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 4. Helike nằm dưới thành phố La Mã này, bị chôn vùi vào năm 373 trước Công nguyên. Thậm chí các nhà khoa học còn tìm thấy bên dưới Helike một thành phố khác biến mất từ thời kỳ đồ đồng, khoảng năm 2.600 đến năm 2.300 trước Công nguyên. Không dừng lại ở đó, phía dưới thành phồ đồ đồng còn có cả tàn tích thời đồ đá, cách thời nay đến 12000 năm. Như vậy, có tổng cộng tất cả 6 thế giới cùng được tìm thấy ở một khu vực. Sức hấp dẫn của khu vực này, sự tàn phá mà nó phải chịu đựng được mô phỏng như một vòng tròn chu kỳ: Con người tìm ra đất đai, xây dựng thành phố, thiên nhiên loại bỏ nó và sau hàng ngàn năm, một thành phố khác tương tự lại được tạo nên, rồi lại bị thay thế bởi một thành phố khác. |
Minh Nguyệt